Tự hào là người Điện Biên

Thứ Năm, 07/05/2015, 18:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhân dân được sống trong hòa bình. Cùng với sự phát triển của đất nước, Điện Biên cũng dần thay da đổi thịt, kinh tế liên tục tăng trưởng, văn hóa - xã hội không ngừng đi lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững... Có được thành quả ấy, là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đã cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên từng ngày.

h
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là niềm tự hào của người Điện Biên nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Trong ảnh: Đại diện các dân tộc tỉnh Điện Biên diễu hành trong Lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đường Võ Nguyên Giáp.

 

Điện Biên - mảnh đất anh hùng. Trải qua bao sóng gió, hứng chịu biết bao bom đạn nhưng vẫn hiên ngang đứng vững. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ cách đây 61 năm, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa ở thế kỷ XX đã chứng minh điều đó. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã hun đúc thêm ý chí, niềm tin và kinh nghiệm để quân dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, đánh bại chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối; đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, thống nhất để phát triển, hội nhập. Lịch sử đó, những mốc son chói lọi đó ngày hôm nay và mai sau nữa sẽ là niềm tự hào của người Điện Biên nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Không sinh ra trên mảnh đất Điện Biên nhưng cụ Nguyễn Hữu Chấp ở tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ - người đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm nhiệm chức khẩu đội trưởng cối 82 ly, đại đội 290, tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 rất xúc động khi kể về những ký ức hào hùng của mình và đồng đội cách đây 61 năm. Ngày ấy, cụ đã góp một phần trong chiến thắng trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. “Giờ đây, sống trong thời bình nhưng niềm tự hào về một Điện Biên anh hùng qua những năm tháng chống giặc rực lửa, oanh liệt vẫn thường trực trong tâm trí tôi. Tôi luôn giáo dục các con, các cháu phải phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, ra sức học tập, làm việc để trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội” – cụ Nguyễn Hữu Chấp tâm sự.

Là đoàn viên ưu tú Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, em Lò Thị Yến, lớp 26A3, chuyên ngành Quản lý đất đai cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Yến bộc bạch: "Điện Biên là mảnh đất anh hùng, nơi đây từng làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Em rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Là sinh viên, em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức thật tốt để xứng đáng với thế hệ đi trước, những người đã “lát những viên gạch hồng” để có một Điện Biên ngày mới hôm nay."

cc
Người dân huyện Mường Ảng ra sức thi đua lao động, sản xuất, trồng cà phê phát triển kinh tế, góp phần xây dựng mảnh đất Điện Biên ngày càng giàu đẹp.

 

Phát huy truyền thống cách mạng trên mảnh đất anh hùng, 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên đang chung sức, đồng lòng vươn lên, vững vàng vượt qua mọi gian khó. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn hăng hái, tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… phù hợp với tiềm năng vùng. Điển hình như huyện Tủa Chùa, nhân dân đã tập trung vào thâm canh cây chè shan tuyết bởi đây là cây mũi nhọn của địa phương, nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn. Hay như cây cà phê – cây xóa đói giảm nghèo cho người dân Mường Ảng. Huyện Điện Biên Đông chọn chăn nuôi đại gia súc làm hướng phát triển kinh tế… Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, thị, thành phố đã tập trung đầu tư vốn, mở rộng quy mô, từng bước đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất, dịch vụ, thu hút ngày càng nhiều lao động ở địa phương tham gia, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Theo thống kê, trong lĩnh vực kinh tế, năm 2014, tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh theo giá so sánh năm 2010 ước đạt  7.590,8 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2013. Trong đó: khu vực nông – lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,04%; công nghiệp – xây dựng tăng 6,26%; dịch vụ tăng 12,94%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông – lâm nghiệp, thủy sản chiếm 24,11%; công nghiệp – xây dựng chiếm 30,92%; dịch vụ chiếm 44,97%.

Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống văn hóa - xã hội không ngừng được nâng lên và điều cũng đáng tự hào với mỗi người con Điện Biên là trong sự phát triển của cuộc sống ngày nay, dù đã thay đổi nhiều nhưng vẫn giữ được “nếp đất, hương quê” bản sắc, phong tục như: Trang phục, lễ hội, các trò chơi dân gian… để truyền tụng cho muôn đời sau.

Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi về quá khứ, một Điện Biên chìm trong khói lửa, bom đạn ngày nào đã không còn nữa. Phát huy truyền thống, niềm tự hào về mạnh đất lịch sử, một Điện Biên “mới” đang từng ngày thay da đổi thịt đã được dựng xây từ những bàn tay, khối óc của những người con nơi địa đầu Tây Bắc Tổ quốc. Không kể dân tộc, tôn giáo, không kể tuổi tác, ngành nghề… những người con Điện Biên với niềm tự hào được sống trên quê hương lịch sử đã và đang quyết tâm phấn đấu xây dựng một Điện Biên ngày càng đổi mới./.

 

Văn Quyết
 

.