Khi đồ bỏ đi là của kiếm sống qua ngày
Điện Biên TV - Trên đường Võ Nguyên Giáp, TP. Điện Biên Phủ, người phụ nữ lam lũ cặm cụi nhặt nhạnh từng túi ni lon, chai nhựa, vỏ lon… là chị Phạm Thị Hải, nhà ở phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ, làm nghề nhặt rác suốt 2 năm nay.
Hiện chị sống cùng con trai - niềm an ủi, động viên duy nhất, hai mẹ con nương tựa vào nhau bằng số tiền ít ỏi kiếm được từ nhặt rác. Mỗi ngày cắm cúi bên bãi rác hôi nồng từ 10 – 12 tiếng, đã giúp chị và đứa con duy trì cuộc sống với số tiền kiếm được từ 60 – 70 nghìn đồng. Ngày sau tết là thời điểm lượng rác nhiều, chị có cơ hội kiếm thêm tiền chi tiêu. Không kể nắng mưa, sớm tối, chị nhặt rác để trang trải cuộc sống. Nguồn thu chủ yếu từ nhặt rác khiến chị không đủ khả năng cho con đi học, nên đứa con trai duy nhất phải bỏ học khi đang học dở lớp 10 để đi làm nương ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Thương con, chị đạp xe đi mọi ngóc ngách nhặt phế liệu. Nhiều ngày mải nhặt rác đến 9 - 10 giờ đêm, chị ngã lăn ra đường vì kiệt sức và không ít hiểm nguy rình rập. Cách đây khoảng 5 tháng tại tổ dân phố 20, phường Him Lam, chị bị bọn nghiện ma túy dùng kim tiêm đe dọa và cướp đi gần một trăm nghìn đồng – tiền công nhặt rác cả ngày của chị. Làm lụng vất vả, hiểm nguy tiềm ẩn nhưng chị vẫn cố gắng, cam chịu. Tết năm vừa qua, chị làm cật lực đến đêm 28 tết và mùng 2 tết công việc nhặt rác lại tiếp tục. Vậy mà, mâm cơm ngày tết của hai mẹ con chị vẫn không có nổi một cái bánh chưng, chỉ có ít “thịt lợn vụn”. Chị hy vọng cuộc sống sinh hoạt của hai mẹ con sẽ được cải thiện, mâm cơm ngày tết sẽ có bánh chưng, thịt vào dịp tết năm sau.
Chị Phạm Thị Hải, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ sắp xếp phế liệu. |
Có hoàn cảnh giống như chị Hải là chị Hà Thị Sắc, tổ dân phố 18, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Trước đây, chị Sắc làm công nhân tại Trại giống lúa cấp 1 Điện Biên. Lấy chồng nhưng không có con vì chồng chị nhiễm chất độc màu da cam những năm trong quân ngũ, hiện hai vợ chồng sống nương tựa vào nhau bằng nghề nhặt rác. Ngày ngày, đạp xe rong ruổi mọi nẻo đường trong thành phố để nhặt rác, dù vất vả nhưng chị vui vì mỗi ngày cũng kiếm được 50 – 60 nghìn đồng để hai vợ chồng chi tiêu và rèn luyện sức khỏe. Chị nói như vậy để động viên bản thân còn nhặt rác thì phải luôn chân luôn tay chẳng được nghỉ ngơi. Ngày nào cũng vậy, không kể nắng hay mưa, chị bắt đầu đi từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối mới trở về. Ngày nắng, rác bốc lên mùi nồng nồng khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe; còn những ngày lạnh giá, ngón tay, ngón chân sưng vù, tấy đỏ vì lạnh, chị vẫn cam chịu. Chị cho biết: Do không nghề nghiệp, mới phải làm cái nghề vừa vất vả, vừa nguy hiểm này; bởi vì trong rác có nhiều vật sắc nhọn như kim tiêm, mảnh bát, chai lọ thủy tinh vỡ khiến người bị thương và nhiễm bệnh dịch. Năm ngoái, nhặt rác tại thùng rác đặt ở đường Sùng Phái Sinh (phường Tân Thanh) do không mang gang tay, chị bị mảnh vỡ của bóng đèn huỳnh quang làm rách tay phải khâu 3 mũi. Nhưng để có tiền chi tiêu, chị vẫn cần mẫn nhặt rác hết ngày này sang ngày khác. Mấy ngày tết vừa qua, chị Sắc chăm chỉ nhặt nhạnh, chỉ nghỉ ngày 30 và mùng 1 tết vì cũng như bao người nhặt rác khác, đây là cơ hội để kiếm thêm tiền chi tiêu.
Ngày lại ngày, những người nhặt rác như chị Hải, chị Sắc lại ra sức khều khều, bới bới những gì còn chút giá trị trong đống rác những mong cuộc sống no đủ, khấm khá hơn./.
Phạm Quang