Hậu quả từ việc tàn phá rừng đầu nguồn
Điện Biên TV - Nguồn nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người. Nước cần cho các hoạt động sống và sinh hoạt của từng cá nhân, từng gia đình, thôn, bản. Nước cần cho cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và mọi sự sống trên trái đất. Vì vậy bảo vệ nguồn nước là việc làm vô cùng quan trọng đối với mỗi cộng đồng. Tuy nhiên không phải bao giờ con người cũng quan tâm tới việc bảo vệ nguồn nước, như quan tâm tới nhu cầu sống hàng ngày của bản thân. Hậu quả cũng bắt nguồn từ đây.
Người dân Bản Tâu, bản Nà Ten, bản Nà Hý xã Hua Thanh, huyện Điện Biên chưa thể quên hai trận lũ lớn ngày 23/7/2011 và ngày 31/7/2012. Ngày 23/7/2011, sau trận mưa lớn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, nước suối Nậm Luống dâng cao, khiến các bản Nà Ten, Nà Hý, bản Tâu của xã Hua Thanh ngập trong biển nước. Tài sản, vật nuôi của hàng trăm hộ dân ở các bản này đã bị dòng lũ cuốn trôi trong đêm. Trên chục ha ruộng nước đã gieo cấy bị mất trắng. Cầu bản Tâu cũng hư hỏng nặng.
Sau 2 trận mưa lớn kéo dài năm 2011 và năm 2012 nhiều tiếng đồng hồ, nước suối Nậm Luống dâng cao, khiến các bản Nà Ten, Nà Hý, bản Tâu của xã Hua Thanh ngập trong biển nước. Tài sản, vật nuôi của hàng trăm hộ dân ở các bản này đã bị dòng lũ cuốn trôi trong đêm. Trên chục ha ruộng nước đã gieo cấy bị mất trắng. Cầu bản Tâu cũng hư hỏng nặng. |
Ngày 31/7/2012, trận lũ lớn thứ hai lại quét qua khu vực này, gây thiệt hại 30 ha ruộng nước, ao nuôi của người dân. Hệ thống thủy lợi nội đồng và đường ống nước sạch trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Mố cầu bản Tâu cũng bị đánh sập. Thiệt hại trận lũ gây ra, ước tính gần 10 tỷ đồng. Hai năm liên tiếp, nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân ở khu vực bản Tâu, bản Nà Ten, Nà Hý, xã Hua Thanh bị lũ quét tàn phá. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng hai trận lũ lịch sử này khiến cho người dân lao đao vì hoa màu, vật nuôi bị mất trắng, còn kênh mương, đường xá, cầu cống bị hư hỏng nặng. Khoảng 20 năm trở lại đây, trên lưu vực suối Nậm Luống, Nậm Ngọp mới lại có những trận lũ quét gây thiệt hại lớn như vậy.
Sống dựa vào đồng ruộng, ngay sau lũ, người dân Hua Thanh lại cùng nhau dọn dẹp đồng ruộng, gia cố lại kênh mương. Họ dùng rọ thép bọc đá kè những đoạn kênh xung yếu bên bờ suối và đắp lại các kênh đất bị phá hủy. Đây là hệ thống thủy lợi mà cộng đồng các thôn bản tự xây dựng để đưa nước vào tưới tiêu cho đồng ruộng. Bên các dòng suối, người nông dân vẫn phải chấp nhận những nghịch lý.
Con suối chảy qua các bản Tâu, bản Nà Ten, Nà Hý, xã Hua Thanh, qua bản Mển, bản Mớ xã Thanh Nưa rồi đổ vào sông Nậm Rốm, bắt nguồn từ suối Nậm Luống. Từ thượng nguồn đến bản Tâu, được gọi là Nậm Luống, đoạn chảy qua bản Nà Ten, Nà Hý, được gọi là Nậm Ngọp và đoạn chảy qua các bản Mển, bản Mớ xã Thanh Nưa, được gọi là Nậm Mển. Việc gieo cấy và nuôi thả cá của người dân xã Hua Thanh và Thanh Nưa, phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước từ dòng suối này. Nhưng những năm gần đây, trên lưu vực suối Nậm Luống, thiên tai liên tục xảy ra, đe dọa tới mùa màng. Do lòng suối hẹp, lại chảy trên địa hình dốc và hoàn toàn không có thảm thực vật giúp điều hòa dòng chảy, nên dòng suối trở nên hung hãn khi mùa mưa lũ tới, nhưng cũng thường bị khô kiệt trong 6 tháng mùa khô.
Bản Nà Ten, xã Hua Thanh có 23 ha ruộng và ao nuôi thả cá. Người dân ở đây luôn phải nơm nớp lo sợ lũ ống, lũ quét trong mùa mưa. Khi mùa khô tới, con nước trở nên hiền hòa, nhưng nỗi lo hạn hán lại kề cận. Mặc dù dân bản đã tự tạo trên 1.850m kênh đất và luôn chú ý nạo vét kênh mương, săn nước về ruộng, nhưng vụ chiêm xuân năm nay nông dân bản Nà Ten vẫn phải bỏ hoang khoảng 8 ha ao và ruộng. Trên 3 ha ruộng đã gieo cấy bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. Chị Quàng Thị Thùy, Bản Nà Ten, xã Hua Thanh huyện Điện Biên cho hay: Ruộng ở xã Hua Thanh đa phần đều thiếu nước, do thiếu nước ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, nhiều năm thiếu nước mất trắng không có gạo ăn dẫn đến kinh tế gia đình ngày càng khó khăn
Dòng Nậm Luống có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của người nông dân khu vực các xã Hua Thanh, Thanh Nưa. Gần đây thiên tai xảy ra bất thường, gây cho họ nhiều thiệt hại. Nguyên do là vì đâu ? Rất nhiều người cho rằng, dòng suối trở nên hung hãn hay khô kiệt, nguyên nhân đều ở phía đầu nguồn.
Cùng với người dân bản Nà Ten xã Hua Thanh, chúng tôi tìm về đầu nguồn Nậm Luống. Mùa này đang là mùa người dân vùng cao đốt nương, chuẩn bị tra hạt chờ những cơn mưa đầu mùa. Đây đó trên các triền đồi là cỏ khô, lửa cháy và khói bụi. Phần lớn rừng ở khu vực thượng nguồn đã bị chặt phá để làm nương. Nhiều nơi đất bị xói mòn, rửa trôi, trở thành đồi trọc khô cằn. Trên đường đi chúng tôi gặp một khe nước nhỏ chỉ còn trơ lòng đá. Không còn rừng và thảm thực vật giữ nước, những dòng suối nhỏ mùa này luôn ở trong tình trạng khô kiệt.
Hiện nay trên khu vực đầu nguồn Nậm Luống có khoảng hơn 200 hộ dân sống chủ yếu nhờ canh tác nương rẫy. Mỗi năm diện tích nương rẫy của họ một mở rộng, xâm lấn vào rừng đầu nguồn.Ngoài ra nhiều phu gỗ đến đây chặt phá những cây gỗ lớn có giá trị để trao đổi, mua bán |
Đầu nguồn Nậm Luống nằm trên một dãy núi cao. Trước kia nơi đây là rừng già bao phủ. Người ta tin rằng dòng suối được che chở bởi cánh rừng này, nên nguồn nước ở đây không khi nào cạn kiệt. Đã có những câu chuyện huyện bí được dân gian đặt ra, khiến cho những người yếu bóng vía không bao giờ dám đặt chân đến cánh rừng này. Tuy nhiên ngày nay mọi thứ khác xưa rất nhiều. Câu chuyện của ông Lò Văn Phó, trưởng bản Nà Ten, xã Hua Thanh hé lộ cho chúng tôi biết, khu rừng linh thiêng xưa kia bắt đầu bị xâm phạm như thế nào. Ông Lò Văn Phó, Trưởng bản Nà Ten xã Hua Thanh, huyện Điện Biên cho biết: Nghe kể của các cụ ngày xưa suối Nậm Luống dài khoảng 12 km chảy đến giáp biên giới Lào, trước kia không có ai vào khu vực này ngày nay nhiều người dân đã vào đây lấy gỗ làm nhà, người mông ở đây thường xuyên phá rừng làm lương rẫy. Do chặt phá rừng bừa bãi lên nguồn nước cũng bị ảnh hưởng thiếu nước trầm trọng
Những người đầu tiên tìm tới khu rừng thiêng là những phu gỗ cả gan. Họ tìm gỗ để dựng nhà và chặt hạ những cây gỗ lớn có giá trị để trao đổi, mua bán. Tiếp theo sau đó là các hộ dân di cư tìm đến nơi có nhiều rừng chưa được khai phá để phát rừng làm nương. Hiện nay trên khu vực đầu nguồn Nậm Luống có khoảng hơn 200 hộ dân sống chủ yếu nhờ canh tác nương rẫy. Mỗi năm diện tích nương rẫy của họ một mở rộng, xâm lấn vào rừng đầu nguồn. Nguồn Nậm Luống dấu mình trong lòng khe như muốn lánh xa sự nhòm ngó của người đời. Hành động tàn phá của con người đã xâm phạm tới sự linh thiêng của cánh rừng. Đây chính là nguyên do vì sao thiên tai giáng xuống đầu những con người vốn sống chung và được thụ hưởng nguồn nước được sinh ra từ cánh rừng này.
Chúng ta đều biết rừng có vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước. Dưới tán rừng, sự bốc hơi nước từ các tầng đất mặt bị chậm lại, làm khả năng giữ ẩm của đất được tăng thêm. Tầng thảm mục của rừng lưu giữ một lượng nước mưa lớn, là nơi dự trữ nước để cung cấp cho rễ cây và bổ sung cho các mạch nước ngầm. Vì vậy nơi có rừng được bảo vệ tốt, khi có mưa không sinh ra lũ to, khi không mưa, không thành hạn hán. Những ngày này nhiều ruộng lúa, ruộng ngô bên bờ Nậm Luống, Nậm Ngọp, vẫn đang nằm chờ nước. Chảy qua vùng khô kiệt, con nước đầu nguồn vẫn không thể về tới những thửa ruộng này.
Minh Giang – Anh Tuấn