Điều 60 Luật BHXH: Sửa luật và cần xin lỗi người lao động

Thứ Sáu, 22/05/2015, 16:03 [GMT+7]

Đại biểu Võ Thị Dung: Quốc hội cần có một lời xin lỗi với người lao động, để mình cầu thị, thật tâm trong việc sửa đổi này”

“Có vấn đề trong xây dựng Luật”

Liên quan đến đề xuất sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH), trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng nay (22/5), đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) dẫn ý kiến của cử tri cho rằng, để người lao động phản ứng khi Luật chưa có hiệu lực là “có vấn đề” trong công tác làm luật.

“Tại sao cử tri lại nói như vậy?”. Bà Quyết Tâm đặt vấn đề và cho rằng cần xem xét lại cách lấy ý kiến khi xây dựng luật đã thực sự phổ quát chưa, thực chất của việc lắng nghe đã tốt chưa? Lắng nghe ở góc độ nào? Quan trọng hơn, đã nghe rồi nhưng việc tiếp thu, cầu thị đã tốt chưa? Điều 60 Luật BHXH trong quá trình xây dựng không phải không có ý cho rằng không khả thi, bất lợi cho người lao động trong thời gian trước mắt. Do dó, theo đại biểu, việc tiếp thu ý kiến cần phải xem xét lại.

1
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho ý kiến về việc sửa Điều 60 Luật BHXH

 

Việc Chính phủ, Ủy ban Các vấn đề xã hội tiếp thu, cầu thị kiến nghị sửa Điều 60 là rất đáng hoan nghênh, cần ủng hộ. Tuy nhiên bà Quyết Tâm cho rằng, nói việc tuyên truyền cho người lao động hiểu lợi ích của Điều 60 chưa tốt, vai trò của tổ chức công đoàn chưa hiệu quả chỉ đúng một phần.

“Làm sao tổ chức công đoàn tuyên truyền được khi công nhân đưa những bằng chứng cụ thể, như trường hợp một chị công nhân làm việc 18 năm, đóng BHXH tự nguyện thêm 21 tháng để được lĩnh lương hưu là 943.000 đồng. Người lao động đã tính toán kỹ bài toán đó, dẫu biết rằng phía sau là không có lương hưu, bảo hiểm, nhưng họ thấy đồng lương quá ít ỏi khi về hưu. Nếu nói người công nhân không hiểu thì họ lại sẽ tiếp tục phản ứng, cho rằng người làm luật thiếu thực tiễn. Phải nói rằng, điều luật này không khả thi do ta chưa nắm bắt được đời sống công nhân. Trong đời sống khó khăn, công nhân có nhu cầu phục vụ đời sống trước mắt, đổ lỗi cho công nhân là thiếu trách nhiệm” – bà Quyết Tâm nói.

Theo đại biểu, cần phải thấy việc phản ứng của công nhân vừa rồi là tín hiệu vui, đó là sự phản ứng để bảo vệ quyền lợi của mình, tất nhiên cần được tiến hành theo phương thức phù hợp. Khi người lao động lên tiếng có nghĩa cần xem xét lại sự áp đặt.

Đại biểu thấy buồn, xấu hổ khi Luật bị phản ứng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) đồng ý với đề xuất cần phải sửa theo đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên dùng từ “trước mắt” là không ổn, vì làm luật phải hướng tới sự lâu dài. Nếu nói “trước mắt”, người lao động sẽ lại hoài nghi, vì “trước mắt là vậy, sau này thế nào”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: “Là đại biểu Quốc hội, trong quá trình xây dựng luật tôi cảm thấy buồn, xấu hổ vì Luật chưa có hiệu lực đã bị phản ứng. Lỗi tại ai?".

Đại biểu Võ Thị Dung cũng nhấn mạnh cần thiết phải sửa Điều 60. Đồng ý với ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân, bà Võ Thị Dung cho rằng bản thân bà là một trong những đại biểu tham gia biểu quyết, nên đại biểu phải có trách nhiệm trong đó. “Tôi tha thiết đề nghị với Quốc hội sửa đổi nhưng phải có một lời xin lỗi với người lao động, để mình cầu thị, thật tâm trong việc sửa đổi này” – đại biểu chia sẻ.

Bà Võ Thị Dung nhấn mạnh, hiện nay vấn đề BHXH cho người lao động chỉ là một phần, quan trọng là chính sách để đảm bảo quyền lợi của họ một cách toàn diện cần phải xem xét lại. “Mỗi lần đi qua các khu công nghiệp thấy tủi lòng lắm. Người lao động – người sản xuất, bỏ công sức lao động của mình để góp phần cho sự phát triển nhưng đời sống của họ rất khó khăn. Họ chấp nhận ở chật hẹp để sinh sống; bữa ăn của họ cũng vậy. Khi chúng ta bán hàng lưu động ở các khu công nghiệp thì toàn hàng rẻ tiền. Chính phủ cần nghiên cứu để có chính sách toàn diện  cho người lao động” – đại biểu Dung nói.

Theo đại biểu, khi sửa đổi cũng cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đại biểu Dung dẫn chứng: Hiện nay thực hiện bảo hiểm một lần cho người lao động thì họ phải chấp nhận thiệt thòi. Nếu người lao động đóng trong 5 năm, 3 năm đó 5 đồng, 10 đồng, thì khi nhận lại một lần không phát lãi thì cũng phải bảo tồn cái họ đóng góp; đằng này với chính sách hiện nay, người lao động nhận một lần là phải chịu thiệt, như vậy không thỏa đáng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, để công nhân phản ứng, có nghĩa việc khảo sát, đo lường đời sống công nhân chưa sát, do đó cần đánh giá lại cho đúng. “Vì sao công nhân biết được lợi ích của việc để lại tiền bảo hiểm nhưng họ vẫn cứ rút về? Giống như việc chúng ta biết lợi ích của đi xe buýt nhưng vẫn không đi mà đi xe hai bánh” – ông Nghĩa đặt vấn đề.

Theo đại biểu Nghĩa, cần phân tích cho công nhân thấy rõ được cái này thì mất cái kia để họ có sự lựa chọn. Đây là cách làm luật phù hợp, không nên áp đặt một phương án, gây nên sự bất hợp lý.

Ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh thêm, việc cho rằng chỉ một bộ phận công nhân ở phía Nam phản ứng với Điều 60 là không đúng. Ở đây không phân biệt Nam, Bắc mà là tiếng nói chung của công nhân, vấn đề là cần rút kinh nghiệm ở khâu khảo sát và pháp luật không nên tước đi quyền lựa chọn.

Đại biểu Ngô Ngọc Bình cũng cho rằng cần xem xét lại quy trình làm luật. Đối với Điều 60, không nên nhìn nhận ở công nhân mà cần mở rộng, rà soát ở các đối tượng khác./.

 

Theo VOV
 

.