Điện Biên Phủ - Chiến trường xưa và diện mạo hôm nay
Điện Biên TV - Những ngày tháng 5 lịch sử này, ít, nhiều trong lòng mỗi người dân Điện Biên lại dấy lên tinh thần Điện Biên Phủ anh hùng. Hào khí mà quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" cách đây 61 năm tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2015), chúng ta cùng nhìn lại chiến trường Điện Biên cách đây 61 năm và diện mạo mới của thành phố trẻ, được xây dựng và phát triển từ chính chiến trường Điện Biên năm xưa, qua những hình ảnh và lời kể của nhân chứng lịch sử.
Đường Võ Nguyên Giáp - tuyến đường trung tâm của thành phố Điện Biên Phủ hôm nay |
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi sau 56 ngày, đêm với 3 đợt tấn công, trải qua các trận đánh tại các cứ điểm quan trọng như: Him Lam, Độc Lập, bản Kéo, Đồi D1, C1, phân khu trung tâm Sân bay Mường Thanh, Đồi A1 và trung tâm tập đoàn cứ điểm của tướng Pháp Đờ-cat-tơ-ri... Sau ngày 7/5/1954, chiến trường Điện Biên Phủ như một đống đổ nát, hoang tàn và ngổn ngang xác người cùng vũ khí, đạn dược.
Không chỉ qua các thước phim tư liệu mà hình ảnh hoang tàn, đầy khói lửa của chiến trường Điện Biên cách đây 61 năm vẫn hiện hữu trong mỗi người dân Điện Biên lúc bấy giờ và đặc biệt là đối với những cựu chiến binh là chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Cựu chiến binh Phạm Bá Miều, chiến sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: “Khi đánh tan giặc Pháp xong chiến trường Điện Biên vừa là mùi súng đạn, mùi hôi của người chết, xe tăng cái thì cháy cái thì đổ nghiêng ngả.”
Cựu chiến binh Hoàng Công Đẩy, chiến sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: “Lúc bấy giờ không còn gì cả chỉ nhìn thấy màu đỏ của máu, khói mù mịt, nhìn mặt nhau không rõ được, nhà cửa thì bị cháy hết.”
Cũng theo lời kể của những chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa, Điện Biên phải mất 2 năm để khắc phục chiến tranh, thu dọn chiến trường và đưa dân sơ tán về ổn cư. Đến năm 1957, Điện Biên mới bắt tay vào xây dựng, kiến thiết nhà cửa và lao động sản xuất, đồng thời tiếp tục khắc phục chiến tranh.
Đồi A1 - nơi xảy ra trận đánh hết sức ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Điện Biên hôm nay vẫn còn đó những dấu tích đáng nhớ của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào. Đặc biệt là các điểm thuộc quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ đã được đầu tư, tôn tạo và mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp tỉnh Điện Biên nói chung, thành phố Điện Biên Phủ nói riêng tập trung phát triển du lịch - một hình thức phát triển kinh tế mang tính mũi nhọn của địa phương.
Hơn 60 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, chiến trường Điện Biên Phủ khói lửa ngày ấy đã được thay thế bằng hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang. Từ hệ thống nhà ở thuộc các khu dân cư, hệ thống công sở, đến hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lưới... đã cơ bản được xây dựng kiên cố với kiến trúc ngày càng hiện đại. Cựu chiến binh Hoàng Công Bẩy, tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Bây giờ so với ngày xưa thì một trời một vực, nói chung trước kia là không có cái gì cả, nếu như so với 20 năm trước còn được. Phải nói là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên có nhiều nỗ lực để được như ngày hôm nay.”
Những nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Điện Biên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã làm nên một diện mạo thành phố lịch sử khang trang, bề thế hơn. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Bom, đạn, khói lửa của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa nay còn được phủ lấp bởi một màu xanh ngút ngàn của những vụ lúa trên cánh đồng Mường Thanh và hệ thống cây xanh trên địa bàn, vừa tạo nên những điểm nhấn tô đẹp cho thành phố, vừa mang lại sự ấm no, trong lành và bình yên cho nhân dân.
Những hiện hữu về sự đổi thay nhanh chóng của thành phố trẻ Điện Biên Phủ hôm nay là minh chứng chân thực nhất cho sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Đồng thời, cũng là minh chứng cho tinh thần Điện Biên anh hùng, tinh thần của những chiến sỹ "Đầu nung lửa sắt, 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn..." trong cuộc đấu tranh với thực dân Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây hơn 60 mùa hoa ban./.
Lê Dung - Đức Trung