Nhớ một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"
Điện Biên TV - Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời hào hùng của những người lính Cụ Hồ không tiếc máu xương quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vẫn còn đó. Hòa bình lập lại, những người lính ấy vẫn không ngừng cống hiến sức lực và trí tuệ để quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Gần 40 năm kể từ chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, song những ký ức khốc liệt của một thời lửa đạn vẫn in sâu trong tâm trí của ông Trương Khắc Dũng, tổ dân phố 10, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Ông tự hào kể cho chúng tôi kỷ niệm của một thời áo lính với những chiến công nhưng không ít mất mát, đau thương. Đồng đội của ông có người trở về mang trên mình thương tật, có những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Chúng tôi càng thấm thía hơn khi biết những người lính tham gia chiến đấu mới là những chàng trai 16, 17 tuổi. Ông Dũng tâm sự: Vào thời điểm đó, đài phát thanh lên án gay gắt tội ác của Mỹ. Căm phẫn trước tội ác của kẻ thù, kế thừa truyền thống chống giặc ngoại xâm của gia đình, dòng họ khi người cha đã tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông Dũng dùng máu để viết đơn tình nguyện chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Nhập ngũ năm 1974, khi ấy, ông chưa đầy 16 tuổi là lính cảm tử thuộc Trung đoàn 149, Quân đoàn 2 trực tiếp tham gia đánh Tổng Đài phát thanh Buôn Ma Thuột - mở màn Chiến dịch Tây Nguyên đầu năm 1975.
Trở về với cuộc sống đời thường, ông Trần Văn Chiến, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 32, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ bên gia đình |
Ông là người chịu trách nhiệm phá lô cốt tấn công vào Tổng đài. Lợi dụng địa hình và mưu trí, người lính ấy tung bộc phá vào lô cốt rồi dùng súng bắn nổ bộc phá hủy lô cốt của địch, nhờ đó nhiều đồng đội của ông thoát khỏi họng súng quân thù. Chứng kiến đồng đội hy sinh, ông Dũng đau xót vô cùng và nguyện quyết tâm đánh thắng đế quốc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau khi giải phóng Tây Nguyên, ông cùng đồng đội tiến vào tiếp quản Sài Gòn. Đó là những ký ức không thể nào quên đối với ông cũng như những người đồng chí, đồng đội, mỗi khi tháng tư về. Sau khi xuất ngũ, trở về địa phương, ông tích cực tham gia công tác xã hội. Điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập, song ông kiêm nhiều chức vụ tại khu dân cư như: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 10, thành viên Đội bảo vệ tổ dân phố 10, phường Nam Thanh. Trong cuộc sống đời thường, người cựu chiến binh này cùng lực lượng dân quân tự vệ thường xuyên tuần tra, tham gia dập tắt tuyên truyền đạo trái pháp luật tại bản Khá, góp phần bảo vệ bình yên cho nhân dân. Ông luôn động viên, khuyến khích con cái học hành, chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Học tập theo tấm gương của cha, con trai ông nỗ lực học tập, rèn luyện, hiện là sinh viên năm thứ 2, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Hà Nội.
Từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Chiến, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 32, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ không thể quên những kỷ niệm về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những năm tháng sục sôi lửa đạn, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng sự hy sinh, mất mát đó là khởi nguồn thắng lợi cho cả dân tộc. Ông Chiến chia sẻ: Năm 1970, những năm sục sôi chống Mỹ, khi đó là thanh niên 17 tuổi, xung phong vào chiến trường miền Nam tham gia chống Mỹ cứu nước. 3 tháng hành quân vào chiến trường trải qua những trận ốm do sốt rét khiến ông rụng hết tóc. Vượt đau ốm, bệnh tật, người lính trẻ ấy vào chiến trường và trở thành chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Năm 1972, ông Chiến tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ đánh 2 trận Bình Long và Tây Ninh (thuộc chiến trường Đông Nam Bộ). Năm 1973, trong trận đánh tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp), ông bị thương ở chân. Do vết thương khá nặng, ông được đơn vị đưa về chữa trị tại Sư đoàn 9. Bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ không cho phép lùi bước, năm 1975, sau khi vết thương hồi phục, ông trở lại chiến trường. Tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng ông đảm nhiệm vai trò quan trọng là trợ lý quân nhu chuyên phục vụ lương thực phẩm cho chiến sỹ. Sau chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường với gia đình hạnh phúc, có cháu nội, cháu ngoại nhưng không khi nào ông Chiến quên các đồng chí, đồng đội đã hy sinh xương máu của mình cho cuộc kháng chiến khốc liệt năm xưa./.
Phạm Quang