Mường Ảng: Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông
Điện Biên TV - Trong những năm gần đây, nhu cầu tiếp cận, học hỏi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của bà con nông dân ngày càng cao. Chính vì vậy, những mô hình khuyến nông, khuyến ngư là một trong những giải pháp hàng đầu đáp ứng nhu cầu này. Tại huyện Mường Ảng, với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trạm khuyến nông, khuyến ngư đã tạo bước tiến lớn trong việc việc thực hiện các mô hình trình diễn cũng như nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Mường Ảng thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để phòng nông nghiệp huyện, trạm khuyến nông tổ chức thực hiện nhiều mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong thực tế sản xuất. Đặc biệt, quan tâm đầu tư xây dựng, hỗ trợ giúp trạm khuyến nông khuyến ngư huyện trở thành đơn vị đi đầu trong việc thực hiện và nhân rộng mô hình khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn |
Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác khuyến nông và các mô hình trình diễn điểm. Trong những năm qua, huyện Mường Ảng thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để phòng nông nghiệp huyện, trạm khuyến nông tổ chức thực hiện nhiều mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong thực tế sản xuất. Đặc biệt, quan tâm đầu tư xây dựng, hỗ trợ giúp trạm khuyến nông khuyến ngư huyện trở thành đơn vị đi đầu trong việc thực hiện và nhân rộng mô hình khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn. Địa điểm mới của trạm khuyến nông khuyến ngư huyện Mường Ảng tọa lạc trên một mặt bằng rộng hơn 2,5 ha. Với sự quan tâm đặc biệt của địa phương, cơ sở vật chất của trạm đã được xây dựng quy mô với dãy nhà làm việc khang trang, khu chăn nuôi, khu vườn ươm, ao nuôi, hệ thống hàng rào…đồng bộ. Cơ sở vật chất được đầu tư lớn đã góp phần giúp trạm khuyến nông Mường Ảng xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông ngay tại trạm cũng như thí điểm đưa các loại cây trồng, vật nuôi mới vào thử nghiệm xem có phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương hay không. Trạm đã tổ chức ghép thí điểm các loại cây trồng như Mắc Ca, Bơ, Cà phê; Giẻ… bước đầu đã có kết quả tích cực.
Trạm đã tiến hành ghép và chăm sóc được 20.000 cây Mắc ca, chăm sóc trên 10 nghìn cây Bơ để làm gốc ghép, ươm và ghép hàng chục vạn cây cà phê để cung cấp giống cho người dân trên địa bàn huyện và các địa bàn lân cận. Ngoài ra, trạm cũng đã thực hiện trồng cỏ Ghi nê làm thức ăn gia súc; trồng đậu Răng ngựa phục vụ cho nuôi cá chép giòn; trồng và ươm các loại giống lâm nghiệp mới như cây Thiên ngân, thử nghiệm trồng cây phật thủ, cây cam Pháp.v.v.
Trong thực tế, những năm gần đây trạm khuyến nông huyện đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp giống cây trồng, vật nuôi cho các chương trình, dự án nông nghiệp trên địa bàn cũng như cung cấp cho người dân có nhu cầu. Và các mô hình khuyến nông như hướng dẫn kỹ thuật ủ chua các phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, cây ngô, cây sắn… làm thức ăn cho gia súc; kỹ thuật thâm canh lúa nước và quản lý dịch hại; các mô hình nuôi ngan, gà, nuôi giun quế, nuôi cá, trồng chăm sóc cà phê, bơ, mắc ca đã phát huy hiệu quả và ngày càng được nhân rộng. Ông Nguyễn Trọng Kính – Trạm trưởng trạm khuyến nông khuyến ngư huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện chủ trương của UBND huyện Mường Ảng trong những năm gần đây huyện đã chuyển trạm khuyến nông từ làm thần túy hành chính sang làm cả về vấn đề thực tế để nâng cao tay nghề về kỹ thuật từ đó chọn lọc những mô hình có hiệu quả chuyển xuống cho bà con nông dân. Trong những năm qua trạm khuyến nông đã làm nhiều mô hình để phát triển kinh tế, trồng trọt chăn nuôi sản xuất cho người dân như: ươm cây giống, nuôi giun quế và trong quá trình làm trạm cũng nhận thấy mô hình nuôi giun quế đem lại hiệu quả cao nhất cho người dân trên địa bàn
Cũng theo chia sẻ của đồng chí trưởng trạm, các mô hình khuyến nông là khi áp dụng vào thực tế phát huy hiệu quả thì điều quan trọng nhất là duy trì và nhân rộng mô hình đó trong nhân dân. Mô hình nuôi giun quế là một trong những mô hình đã và đang được nông dân nhiều thôn bản trên địa bàn huyện Mường Ảng đón nhận. Trong thực tế sản xuất, các nhà khoa học đã chứng minh việc nuôi giun quế đơn giản, tận dụng được nguồn phân, chất thải từ gia súc, gia cầm mức đầu tư không lớn trong khi đó hiệu quả mang lại cao trong việc cung cấp nguồn thức ăn giàu đạm cho gia cầm, thủy sản…Sau khi mô hình được triển khai thí điểm tại trạm và chuyển giao cho các hộ gia đình tại 4 xã Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Nặm Lịch, trạm khuyến nông Mường Ảng tiếp tục phối hợp với phòng lao động thương binh và xã hội huyện triển khai Dự án giảm nghèo PRPP tại xã Mường Đăng nuôi giun quế để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Gia đình anh Lò Văn Quý ở bản Đắng xã Mường cho biết: Từ số tiền hỗ trợ của dự án gia đình đã xây bể nuôi giun quế theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Và qua lớp tập huấn được tổ chức tại xã, anh đã cơ bản nắm được cách thức, quy trình nuôi, chăm sóc con giun quế. Đến nay, sau hơn 1 năm nuôi, các bể giun quế của gia đình phát triển rất tốt cung cấp một lượng lớn thức ăn giàu chất đạm cho đàn gà, vịt của gia đình.
Thời điểm bắt đầu thực hiện dự án có 30 hộ gia đình tại 3 bản của xã Mường Đăng tham gia. Đến nay, 100% số hộ vẫn duy trì được mô hình và qua đánh giá của cán bộ khuyến nông các hộ tham gia mô hình đều đảm bảo được yêu cầu đề ra, giun sinh trưởng và phát triển tốt, lượng giun nuôi được đã đáp ứng được nhu cầu thức ăn giàu đạm cho gia cầm quy mô hộ gia đình. Không những vậy nhiều hộ gia đình tại các thôn, bản khác đã thấy rõ lợi ích của việc nuôi gian quế đã tự đầu tư mua giống, xây bể nuôi giun quế. Theo thống kê của UBND xã, số hộ gia đình có nuôi giun đã tăng lên trên 50 hộ.
Có thể khẳng định, các mô hình khuyến nông, khuyến ngư được triển khai trên địa bàn huyện Mường Ảng đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân thay đổi dần tập quán canh tác cũ, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong canh tác, chăn nuôi |
Trong số các mô hình đã được triển khai, các mô hình trình diễn trồng lúa lai, phòng trừ dịch hại trên lúa của trạm khuyến nông cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao. Trong vụ chiêm xuân 2015 này, phát huy những kết quả đã đạt được, trạm tiếp tục thực hiện mô hình trình diễn lúa lai tại bản Bánh xã Ẳng Cang. 3 giống lúa mới được thí điểm canh tác với diện tích 4 ha, cụ thể giống lúa NH12 có 10 hộ tham gia, giống JH1 24 hộ và giống DS1 13 hộ tham gia. Bước đầu đánh giá, các giống lúa mới đều sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn so với các giống lúa địa phương.
Xã Ẳng Cang là xã có diện tích canh tác lúa 2 vụ lớn nhất trong số 10 xã, thị trấn của huyện Mường Ảng. Trong số 255 ha ruộng lúa nước của xã thì có tới 200 ha canh tác được cả 2 vụ. Trong những năm gần đây, một số mô hình về canh tác, phòng trừ dịch hại cho lúa cũng như đưa các giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế từ việc canh tác lúa. Năng suất bình quân vụ chiêm xuân năm 2014 của xã đạt gần 62 tạ/ha, năng suất lúa vụ mùa đạt trên 51 tạ/ha. Ông Lò Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang cho biết: Trong thời gian qua nhiều mô hình khuyến nông cả trồng trọt, chăn nuôi đã được triển khai trên địa bàn xã. Và hiệu quả lớn nhất những mô hình mang lại là góp phần thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi của bà con. Đơn cử như mô hình trồng lúa lai đang triển khai tại bản Bánh, mặc dù chưa thể khẳng định kết quả của mô hình nhưng qua việc thực hiện mô hình bà con nông dân tham gia đã được tiếp cận với những kiến thức mới trong việc canh tác lúa từ khâu làm đất, ngâm ủ giống đến gieo cấy, chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Từ đó, giúp bà con nông dân từng bước từ bỏ những tập quán, thói quen canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế.
Có thể khẳng định, các mô hình khuyến nông, khuyến ngư được triển khai trên địa bàn huyện Mường Ảng đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân thay đổi dần tập quán canh tác cũ, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong canh tác, chăn nuôi. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông tại cơ sở vẫn gặp không ít những khó khăn xuất phát từ các yếu tố như trình độ canh tác lạc hậu, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất.v.v. Chính vì vậy, với trách nhiệm là đơn vị được huyện giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các mô hình điểm, trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp cụ thể, như: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của trạm đặc biệt là khu chuồng nuôi, vườn ươm cây giống; Từng bước nẫng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kỹ thuật của trạm để thự hiện hiệu quả các mô hình tại trạm và tại cơ sở; Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ khuyến nông cơ sở. Từ đó, có căn cứ để xây dựng các mô hình khuyến nông đưa các giống, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện; Khi xây dựng các mô hình đề cao tính hiệu quả và mức độ nhân rộng của các mô hình khuyến nông, khuyến ngư…
Có thể nói, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác khuyến nông đã góp phần đáng kể trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Từ đó, hình thành nhiều mô hình kinh tế mới giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội địa phương. Chính vì vậy, sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy chính quyền địa phương, sự phối hợp hỗ trợ của các phòng chuyên môn trong việc tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện và nhân rộng các mô hình tại cơ sở sẽ là động lực quan trọng để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác khuyến nông.
Chu Linh – Ngọc Bích