Cuộc sống mới của người Kháng ở Na Sang
Điện Biên TV - Xã Na Sang, huyện Mường Chà có 2 bản: Hin 1, Hin 2 của người dân tộc Kháng với gần 160 hộ. Từ lâu đời, bà con dân tộc Kháng nơi đây sinh sống bằng nghề sản xuất trên nương và làm ruộng nước. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên ở đây ít ruộng, rừng độ dốc cao, tập quán canh tác lạc hậu, đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhưng gần đây, từ nhiều chế độ, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn, sự phát huy nội lực của người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Kháng ở xã Na Sang đổi thay nhiều.
Ông Lường Văn Pánh, Bí thư Đảng ủy xã Na Sang, đồng thời là người dân tộc Kháng cho biết: Trước đây, đồng bào dân tộc Kháng sống chủ yếu bằng nghề phát rừng làm nương, săn bắn muông thú trên núi, đánh bắt tôm, cá dưới suối Nậm Mức. Chăn nuôi nhỏ lẻ, không đầu tư, thả rông gia súc nên số lượng đàn tăng trưởng chậm. Sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống nhân dân khó khăn. Những năm sau này, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sản xuất trên nương xuống ruộng nên 2 bản đã khai hoang, cải tạo được hơn 9ha ruộng để sản xuất lúa nước. Gần đây, 2 bản Hin 1, Hin 2 của người dân tộc Kháng được đầu tư xây dựng đường điện lưới quốc gia, công trình nước sinh hoạt, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nhà lớp học cho con em. Hàng năm, người dân được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tuyên truyền phổ biến kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, vay vốn lãi suất ưu đãi, hộ nghèo được hỗ trợ tiền, hàng hóa xóa nhà tạm... Bên cạnh đó, bà con dân tộc Kháng đã mạnh dạn học tập các mô hình phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường của những điển hình trong xã, của đồng bào các dân tộc khác; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế VAC... nhờ đó, đời sống, thu nhập của nhiều hộ người dân tộc Kháng đã không ngừng cải thiện.
Đường giao thông nội bản Hin 1 giúp người dân đi lại thuận tiện và luôn được vệ sinh sạch sẽ |
Anh Sìn Văn Tham, Trưởng bản Hin 1 cho biết: Bản có 114 hộ người dân tộc Kháng. Tuy tỷ lệ hộ nghèo của bản còn cao (71/114) nhưng so với nhiều năm trước đây đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện nhiều. Đặc biệt công tác chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ rừng… của bản chuyển biến tích cực. Bản không có người nghiện ma túy, đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, học sinh mầm non ra lớp đúng độ tuổi. Những năm gần đây, 236ha đất nương sản xuất kém hiệu quả các hộ dân góp cổ phần đất với doanh nghiệp trồng cao su. Nhờ tham gia lao động làm cỏ, bón phân, cắt cành cao, bảo vệ… cho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên nhiều nông dân trong bản có việc làm, thu nhập từ 3,8 – 4 triệu đồng/26 ngày. Mặt khác, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội về giống vật nuôi (trâu, bò, dê) người dân trong bản đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, tiêm phòng dịch, phân công lao động chăn dắt nên số lượng đàn đã tăng trưởng ổn định. Nguồn thu nhập từ sản phẩm chăn nuôi đã giúp nhiều hộ có tiền mua được phương tiện đi lại, máy nông nghiệp, nuôi con ăn học, xóa nhà tạm.
Nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn xây dựng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ trực tiếp cho người dân tiếp tục được thực hiện trong những năm tiếp theo. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho bà con 2 bản Hin 1, Hin 2 của người dân tộc Kháng phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Đồng thời, tranh thủ chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng Nhà nước dành cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn; phát huy nội lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương, học tập cách phát triển kinh tế của các dân tộc anh em, cuộc sống mới đã về với bà con dân tộc Kháng ở xã Na Sang./.
Tiến Dũng