"Cha chung không ai khóc"
Điện Biên TV - Trong tổng số gần 1.000 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn chỉ có 68 công trình hoạt động hiệu quả (chiếm 7,2%), 545 công trình hoạt động trung bình (chiếm 57,91%), còn lại là những công trình kém hiệu quả và ngưng hoạt động (chiếm 34,85%). Có địa phương không có công trình cấp nước sinh hoạt nào hoạt động hiệu quả. Đơn cử như thị xã Mường Lay không có công trình hoạt động bền vững; huyện Nậm Pồ có 2/103 công trình; huyện Tủa Chùa có 7/120 công trình; huyện Điện Biên Đông có 3/210 công trình hoạt động tốt...
Bể nước sinh hoạt tập trung bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé đã hư hỏng... |
Một số công trình vừa bàn giao, đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, không còn phát huy tác dụng, một số công trình thì do quy hoạch, thiết kế nên vào mùa mưa có nước nhưng mùa khô thì thiếu nước. Tại bản Nà Sản A, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông được Nhà nước đầu tư xây 5 bể chứa cùng hệ thống ống dẫn từ đầu nguồn về bể cho bà con năm 2007. Đến năm 2013, tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục tài trợ thêm cho bản Nà Sản A 3 bể nước sinh hoạt tập trung. Nguồn nước được kéo về từ đầu nguồn của bản Nà Sản A - nơi giáp ranh với xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, cách trung tâm xã Sa Dung khoảng 3km. Thời gian đầu nguồn nước khá ổn định. Tuy nhiên, thời gian sau một số người dân đã tự đấu nối các vòi nước dẫn thẳng về nhà mình nên nguồn nước ít dần rồi hết hẳn. Về mùa khô, nhiều hộ không có nước sử dụng.
Cũng qua khảo sát thực tế tại bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, thì có đến 2 trong tổng số 6 bể nước sinh hoạt tập trung được Nhà nước đầu tư giờ không một giọt nước, cỏ cây mọc um tùm quanh bể. Anh Tòng Văn An, Trưởng bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn cho biết: Cả bản được đầu tư xây dựng 6 bể nước sinh hoạt tập trung, người dân rất phấn khởi, những mong sẽ được dùng nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng (năm 2007), thì 2/6 bể nước chỉ sử dụng được gần nửa tháng, sau đó thì mất nước; 4 bể còn lại vào mùa khô cũng không có nước. Từ đó đến nay, người dân trong bản lại quay về dùng nước dẫn từ các khe suối như trước đây. Chị Lò Thị Hơn, bản Cò Chạy 2 tâm sự: Thời gian đầu các bể nước tập trung này rất nhiều nước, gia đình mình vui lắm, có nước sạch dùng. Nhưng rồi các công trình này dần không phát huy được tác dụng, mất nước cả bản lại phải sử dụng nước từ sông, suối như trước đây.
Trong số gần 350 công trình nước sinh hoạt tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc đã ngưng hoạt động, chủ yếu ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Đa số các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn từ chương trình 134, 135, 30a... Do nguồn vốn hạn hẹp chỉ đủ xây dựng bể cấp nước tập trung cho một nhóm hộ hay một bản nên khó quản lý vì vậy công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Điển hình như bể nước sinh hoạt tập trung tại bản Hốc, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo. Năm 2002, Nhà nước đã đầu tư công trình nước sinh hoạt với hệ thống đường ống dẫn nước về bản cho bà con. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, công trình nước sinh hoạt này không phát huy tác dụng. Nguyên nhân một phần do nước đầu nguồn ít nên việc đưa nước tới các bản rất khó khăn. Hơn nữa, đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về bản Hốc đi qua nương của một số bản khác nên không tránh khỏi tình trạng bị người dân bản khác phá hỏng, trộm cắp đường ống. Anh Lường Văn Tiến, Trưởng bản Hốc cho biết: Đường ống dẫn nước về bản mới được vài tháng đã bị một số người dân nơi khác làm hư hỏng, trộm cắp gây mất nước. Chúng tôi phải vận động bà con trong bản góp tiền mua ống nhựa sửa chữa lại nhưng được vài ngày lại mất nước. Tình trạng tương tự là bể nước sinh hoạt tập trung ở bản Hỏm, xã Mường Mùn. Dù không bị hư hỏng, thế nhưng vì là tài sản chung của cả bản nên từ khi đưa vào sử dụng đến nay không một lần được duy tu, bảo dưỡng. Vì vậy, đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về bản bị đất phủ lấp, nước không thể chảy về bể. Chị Lò Thị Mơn, bản Hỏm cho biết: Nhà mình ở gần đầu mối nước, nhưng từ khi bản được đầu tư bể nước sinh hoạt tập trung đến nay không thấy ai đi sửa chữa, bảo quản, sau mỗi mùa mưa hầu hết đường ống bị hư hỏng nặng.
Còn tại bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cũng không có giọt nước nào. |
Từ thực tế trên cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sinh hoạt tập trung chưa hiệu quả hoặc đã ngưng hoạt động một phần do lâu nay hầu như không có ai quản lý, vận hành. Sau khi các công trình này được đầu tư xây dựng xong được bàn giao cho chính quyền xã, sau đó xã giao cho bản, hoặc một nhóm người quản lý. Thế nhưng, theo tìm hiểu, do không có chi phí về duy tu, bảo dưỡng cũng như tiền công cho người được giao nhiệm vụ trông coi nên lâu dần nhóm người được giao bảo quản công trình cũng phó mặc tự nhiên. Hơn nữa, phần lớn các công trình chưa được cải tiến về công nghệ kỹ thuật, nhất là các công trình thuộc địa bàn các xã, bản vùng sâu nên ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Điều đáng buồn, đáng lo ngại hơn cả là ý thức của người dân trong việc gìn giữ, tham gia bảo vệ các công trình cấp nước. Mặc dù, hàng năm cơ quan chức năng đều mở các lớp tập huấn để giúp người dân có thêm kiến thức về bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý các công trình cấp nước, nhưng dường như mọi người dân đều “bỏ ngoài tai”, khiến các công trình nhanh chóng bị xuống cấp.
Ông Đặng Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Để phát huy hiệu quả của các công trình cấp nước tập trung, góp phần thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (hiện tại toàn tỉnh mới có 72% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh); trong đó, 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn, 100% trường học và trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch, các cơ quan chức năng và người dân cần tăng cường kiểm tra, rà soát tất cả các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung đánh giá chất lượng và hiệu quả sử dụng của các công trình để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân ý nghĩa, tầm quan trọng của các công trình nước sạch đối với việc cải thiện nâng cao đời sống. Đồng thời, cần sớm ban hành quy chế quản lý, sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung; thực hiện có hiệu quả công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Đối với những công trình sắp xây dựng, khâu khảo sát và nghiên cứu kỹ thuật phải được đặt lên hàng đầu. Việc xây dựng sao cho phù hợp với đặc thù của địa bàn, bảo đảm cả về chất lượng xây lắp và hiệu quả sử dụng. Có như vậy, những nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cũng như của các tổ chức, dự án mới thực sự hiệu quả./.
Văn Tâm