Chuyện của những người theo hương tìm hoa
Điện Biên TV - Những năm gần đây, một bộ phận người dân cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng “sính” chơi phong lan rừng. Thế nhưng, đằng sau những nhành lan đủ sắc màu, ngào ngạt hương thơm ấy lại có những phận đời với bao nỗi hiểm nguy, mồ hôi nước mắt của những người “săn” lan và đâu đó tại không ít những cánh rừng xa vẫn ngày ngày vọng về tiếng kêu cứu…
Để có được những nhành lan rừng người “săn” lan phải vào tận rừng sâu |
Để có lan rừng phục vụ người mua, nhiều người dồn về các huyện Mường Nhé, Điện Biên, Tuần Giáo “săn” loài hoa quý này. Bởi những huyện ấy có diện tích rừng lớn và cũng là nơi được cho rằng khởi đầu của nghề “săn” lan rừng. Anh Lường Văn Tế, bản Thẩm Táng, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo - một trong những người “săn” lan rừng có tiếng cho hay: Trước đây người dân trong bản đi rừng lấy củi, thấy hoa đẹp lấy đem về nhà. Sau đó có người đi ngang qua ghé vào hỏi mua, từ đó người dân trong bản mới hay lên rừng đi kiếm lan về bán. Ban đầu lấy về có người đến mua, giờ đây nhiều người đi lấy nên người dân phải đem ra thị trấn hay mang tận thành phố để bán. Theo anh Tế, thông thường, một chuyến lên rừng kiếm lan thường có khoảng 7 đến 10 người cùng đi. Khi đi mang theo cơm nắm, muối ớt, gạo và những vật dụng cần thiết cho việc hái lan. Để tận mắt chứng kiến nghề “săn” lan rừng, chúng tôi ngỏ ý theo đoàn của anh Tế. Nghe tôi xin đi theo, anh Tế cũng đồng ý dù hơi chút ái ngại vì thân hình ốm gầy của tôi. Anh bảo đi rừng là vất vả lắm!
Gửi xe ở một nhà dân, đoàn chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm lan. Vừa đi anh Tế vừa nói, lan rừng bây giờ hiếm, không nhiều đâu. Trước đây chỉ cần đi một đoạn là có thể tìm được, nhưng giờ nhiều người đi “săn” lan nên muốn có phải đi thật sâu vào rừng. Như để trấn an chúng tôi, anh Tế đùa: Nhà báo cứ đi đi, khi nào mệt nghỉ, đến chiều đoàn sẽ cho người dẫn nhà báo quay về. Đi gần hết một buổi mà vẫn không tìm được nhành lan nào, anh Tế như hiểu sự sốt ruột trong tôi nên liền nói: “Đi “săn” lan rừng khó như tìm đường lên trời, không biết đâu là điểm đến. Cứ đi và nhìn nghiêng nhìn ngửa, may thì gặp lan. Thường thì phải là những nơi ít người đến thì cơ hội tìm được lan càng nhiều”.
Nghỉ ăn trưa xong, đoàn chúng tôi tiếp tục đi, chừng được vài trăm mét, một người đàn ông trong đoàn tên Giàng A Thếnh thốt lên: Mọi người ngửi thấy mùi gì không, nó đây rồi. Nói rồi, anh Thếnh nhìn về phía có mùi hương ấy và nở nụ cười mãn nguyện. Nhìn theo anh, tôi thấy những nhành lan rừng với hoa màu rực rỡ. Chúng tôi cố chen chân tới chỗ ngắm hoa, còn anh Thếnh lại chống cằm nhìn hoa vẻ như đang nghĩ cách đánh thế nào để hoa không dập thân nát cánh.
Với vẻ đẹp tự nhiên, lan rừng được nhiều người mua về chơi |
Để có được những nhành lan rừng đem về là một quá trình vất vả đầy mồ hôi và cả máu của người làm “nghề”. Phần lớn các loại lan rừng đều sống ký sinh trên những cây thân gỗ, nên để lấy được chúng họ phải leo lên cây. Công việc này hết sức nguy hiểm. Trên độ cao hàng chục mét, họ chỉ có một sợi dây thừng mong manh buộc thân mình vào cây để làm bảo hộ, sau đó lại phải đu người ra những cành cây có lan rừng mọc để hái. Có những loài rễ ăn sâu vào cành cây không hái được, họ phải dùng cưa tay cưa cả cành cây mới lấy được lan. Người đi lấy hoa dù là nam hay nữ đều leo trèo rất giỏi. Có những cây to, thân mấy người ôm không xuể, cao tới vài chục mét, vậy mà mấy bà, mấy chị vẫn leo lên được, anh Tế cho hay.
Mỗi chuyến đi rừng tìm lan thường mất vài ngày, phải đối mặt với biết bao khó khăn, nguy hiểm, bình quân mỗi ngày, họ cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Nhiều người đi rừng tìm lan đã mắc “bệnh núi rừng”, như sốt rét, hay bị ong, rắn độc, sên, vắt cắn và biết bao chuyện đau lòng khác. Cuối năm 2014 vừa qua, anh Sùng A Ví, người trong đội anh Tiến trong khi leo lên cây để hái lan đã bị ngã ở độ cao khoảng gần 10m. Cú ngã khiến anh bị gãy tay, phải mất cả tháng điều trị anh mới hồi phục. Đến nay, anh lại tiếp tục đi rừng lấy lan. Qua tìm hiểu, hầu hết gia đình có người đi rừng lấy lan đều thuộc hộ nghèo, có gia đình đất đai ít, đông con nên dù vất vả đến mấy cũng phải đi. Điển hình gia đình anh Tế thuộc hộ nghèo, có đến 6 miệng ăn, đất sản xuất ít hoặc khó cải tạo nên cứ vào mùa là anh lại chuẩn bị “đồ nghề” lên rừng tìm lan. Anh Tế tâm sự: “Mỗi chuyến đi có thể lấy được khoảng 5 - 7kg lan rừng, với giá từ 100 ngàn/kg trở lên tùy từng loại, mỗi chuyến đi rừng trừ chi phí cũng chẳng đáng là bao. Đã thế, do không có người thu mua sỉ nên đi hái lan rừng về phải tự đem ra phố bán lẻ”. Nguy hiểm, khó khăn là vậy nên trước mỗi chuyến đi anh Tế cùng đoàn đều làm một cái lễ cúng thần rừng cầu mong chuyến đi an toàn và thu hoạch được nhiều lan.
Sau những ngày cơm đùm, cơm nắm trở về, những người như anh Tế phải phân lan thành từng loại cho vào các bao hoặc cột chúng lại thành từng bó để chuẩn bị hành trình về phố. Mọi người đi cùng nhau, cùng ngồi bán ở một góc phố tạo nên một “chợ lan” sặc sỡ, đủ màu sắc.
Chia tay với đoàn sau một ngày “vắt sức” nơi núi cao rừng sâu, anh Tế cũng gửi tặng chúng tôi một nhành lan để làm quà. Trên con đường gập ghềnh, chúng tôi trở về thành phố và hy vọng cho các anh luôn an toàn trở về với nhiều loại lan quý mang về sau những chuyến “săn” lan và cũng hy vọng, những người “săn” lan biết quý, bảo vệ lan, để mãi mãi những loài lan rừng xanh tốt, là loài hoa quý giá mà núi rừng ban tặng./.
Văn Tâm