Chung một dòng sông
Điện Biên TV - “Mọi vui buồn sướng khổ của mỗi gia đình ở bên này sông Nậm Núa không thể thiếu sự chia sẻ của người dân bản bên kia và ngược lại”. Đó là lời khẳng định của anh Lò Văn Héo, Trưởng bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên khi nói về tình cảm của người dân hai bản: Pa Thơm (Điện Biên) và Na Luông, cụm Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào).
Bộ đội Biên phòng Pa Thơm đón người dân bản Na Luông sang khám bệnh |
Như cây một cội...
Một ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014, chiếc xe u oát chở 15 cán bộ, y, bác sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng cánh phóng viên “cập bến” Trạm Kiểm soát Biên phòng Pa Thơm, bản Pa Thơm. Đây là một trong nhiều chuyến đi của quân y Bộ đội Biên phòng về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con biên giới bản Pa Thơm và Na Luông. Đón chúng tôi ngay điểm dừng xe là rất đông bà con đã xếp hàng đợi sẵn. Theo lời Trưởng bản Pa Thơm, Lò Văn Héo thì có khoảng 500 người có mặt tại Trạm Kiểm soát, trong số đó có nhiều người dân bản Na Luông của nước bạn Lào. Trái với suy nghĩ của chúng tôi, tưởng như bà con đến là để đợi khám bệnh, thế nhưng theo lý giải của Trưởng bản Pa Thơm thì không hẳn thế, việc người dân bản Na Luông có mặt từ rất sớm là để cùng với người dân bản Pa Thơm đón đoàn cán bộ quân y bộ đội biên phòng. Bởi theo sự thống nhất giữa hai bản thì khi một bản có chuyện vui hay buồn thì bản kia cùng chung tay góp sức.
Sau khi cất gọn đồ đạc, chúng tôi tới thăm gia đình già làng Lò Văn Kẹo, bản Pa Thơm – người có nhiều công trong việc gắn kết tình anh em giữa hai bản. Ngôi nhà của ông đã trở thành “đại bản doanh” của hai bản hội họp mỗi khi có việc. Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân để thống nhất việc kết nghĩa với bản Na Luông, ông Kẹo nói: “Khi có chủ trương kết nghĩa hai bản, bà con Pa Thơm vui mừng lắm, bởi tuy thuộc 2 nước khác nhau nhưng Pa Thơm và Na Luông hầu hết cùng chung dân tộc, chung dòng Nậm Núa. Ngày kết nghĩa họ đốt lửa trại, nhảy múa cả ngày đêm". Qua câu chuyện của ông Kẹo, chúng tôi biết chính ông cùng cán bộ biên phòng, bí thư chi bộ và trưởng bản đóng vai trò là những nhà "thương thuyết" với bản Na Luông đi đến ký kết. Sau nhiều buổi đi lại "đàm đạo", ngày 6/6/2013, lễ kết nghĩa bản Pa Thơm và Na Luông được tiến hành, bà con quây quần như ngày hội.
Trong chuyến về khám bệnh, cấp thuốc lần này, bộ đội biên phòng còn tổ chức giao lưu văn nghệ với bà con. Vì vậy ngay sau bữa cơm tối, chương trình giao lưu văn nghệ giữa bộ đội biên phòng với người dân hai bản cũng diễn tại Trạm Kiểm soát. Những lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng, Nhà nước, về tình đoàn kết nhân dân biên giới Việt - Lào… dường như kéo mọi người xích lại gần nhau hơn giữa đêm đông giá lạnh vùng biên. Mọi người cùng hòa vào tiếng hát, điệu múa; cùng bên nhau múa điệu lăm vông như những người anh em ruột thịt trong một nhà, không còn khoảng cách về địa lý hay về quốc tịch.
...Như con một nhà
Rất đông bà con ở Pa Thơm và Na Luông tham dự đêm giao lưu ấy. Trong câu chuyện của anh Lò Văn Héo, chúng tôi biết, đã lâu rồi những “người con” của hai quê hương mới có điều kiện tập trung đông đủ, đầm ấm như thế này. Từng tốp người xúm xít trò chuyện, trẻ em tung tăng nô đùa, ai nấy đều rạng ngời niềm vui. Mặc dù không hiểu câu chuyện giữa họ nhưng qua cử chỉ và hành động, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi giữa họ là tình cảm của những người thân xa quê lâu năm trở về. Trong số những người có mặt hôm ấy, người khiến chúng tôi thấy tò mò nhất là chị Lò Thị Viên, bản Pa Thơm. Chị Viên cùng hai phụ nữ ngồi trò chuyện với nhau suốt cả buổi, thi thoảng lấy tay lau nước mắt. Hỏi ra mới biết, đó là hai người chị ruột của chị ở bản Na Luông qua thăm.
Dẫn chúng tôi cùng với Xiêng Tha, Trưởng bản Na Luông (sở dĩ chúng tôi không gọi anh Xiêng Tha bởi đó là theo ý nguyện của anh) đi tham quan bản, anh Héo cho biết, trước khi kết nghĩa, người dân hai bản đã “ngầm” xem nhau là anh em rồi. Bản bên này có xảy ra chuyện gì thì người dân bên kia cũng cùng chia sẻ, chỉ có điều khi chưa kết nghĩa thì việc đi lại, thăm thân khó khăn hơn, còn giờ đây việc đi lại giữa hai bản cũng thuận tiện hơn nên người dân hay qua lại thăm nhau như những thành viên trong gia đình. Như để nói rõ hơn sự gắn kết khăng khít, anh Héo bảo: “Người dân bản Pa Thơm và Na Luông tuy không cùng một quốc tịch nhưng lại cùng lớn lên, ăn chung, tắm chung dòng Nậm Núa”. Theo như cách lý giải của những người dân tộc Lào thì một khi đã ăn chung nguồn nước thì sẽ là anh em trong nhà với nhau.
Vòng xòe ở bản Pa Thơm |
Còn với Trưởng bản Xiêng Tha, được mọi người trong gia đình già làng Lò Văn Kẹo và người dân Pa Thơm xem như người con, anh em trong nhà, trong bản. Bởi trước ngày 6/6/2013, Xiêng Tha vẫn thường xuyên sang thăm già làng Kẹo và người dân bản Pa Thơm. Thông qua phiên dịch Lò Văn Kẹo, Xiêng Tha giãi bày: Đã là anh em một nhà thì chuyện lớn, chuyện nhỏ của bản Pa Thơm cũng là chuyện của bản Na Luông mình. Nhà nào có đám cưới, nhà mới hay đám ma thì mọi người đều sang thăm hỏi, giúp đỡ, chia sẻ vui buồn. Trước đây, dân bản mình nghèo lắm, nhờ Bộ đội Biên phòng Pa Thơm giúp đỡ, bản Pa Thơm giúp, bà con trong bản mình đã biết khai hoang trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đời sống dần được nâng lên. Qua câu chuyện cởi mở giữa Trưởng bản Xiêng Tha với mọi người, chúng tôi nhận ra một điều, việc kết nghĩa giữa những bản giáp biên này như chiếc chìa khóa giải quyết mọi vấn đề nảy sinh.
Là người gắn bó nhiều năm với miền biên viễn, Trung úy Nguyễn Bá Ngọc, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Pa Thơm hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc kết nghĩa anh em giữa hai bản đối với việc bảo vệ biên cương Tổ quốc. “Ở những nơi biên giới, một lời nói của già làng, trưởng bản rất quan trọng, có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Không có họ, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, đường biên mốc giới. Từ ngày kết nghĩa, nhân dân hai bản cũng thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự biên giới cho Trạm” – Trung úy Nguyễn Bá Ngọc khẳng định. Cũng theo Trung úy Nguyễn Bá Ngọc, việc hai bản biên giới kết nghĩa góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, xâm canh, xâm cư… đã giảm hẳn. Việc đi lại, thăm thân, trao đổi mua bán hàng hóa giữa nhân dân hai nước cũng thuận lợi hơn.
Mặc dù cuộc sống người dân hai bản còn nghèo khó nhưng với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, bà con quyên góp, hỗ trợ nhau mỗi khi khó khăn. Bản này thiếu cái nọ bản kia lại vận động người dân giúp đỡ và ngược lại. Tôi còn nhớ như in câu chuyện của trưởng bản Héo: Cách đây gần 1 năm, khi đó bên bản Na Luông có gia đình chị Lò Thị Hay làm nhà, nhưng gia đình nghèo khó, không đủ tiền làm. Biết được tin, bà con dân bản Pa Thơm cùng quyên góp, giúp đỡ, người thì giúp tiền, vật liệu người thì góp công. Lần đó, gần 20 người ở Pa Thơm sang cùng với người dân Na Luông dựng nhà giúp chị Hay.
Thấm thoắt hơn một năm trôi qua, “bộ mặt” nông thôn hai bản đang dần đổi thay; tình cảm người dân hai bên ngày càng đoàn kết như dòng Nậm Núa trăm năm vẫn chảy. Tạm biệt những người dân Pa Thơm, tạm biệt những người anh em Na Luông bằng những cái ôm thật chặt, bằng đôi tay chai sần của những người nông dân chân chất khiến chúng tôi không thể kìm nén cảm xúc. Đâu đó, có tiếng của những già làng, người dân Pa Thơm – Na Luông đang ước nguyện mối “lương duyên” giữa hai bản mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như câu hát còn vang mãi: Việt – Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long.
Văn Tâm