Xóa nghèo ở Háng Lìa

Thứ Tư, 18/03/2015, 10:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Háng Lìa là một xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Điện Biên Đông với 100% hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình dự án, đặc biệt là sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và ý thức tự lực vươn lên của người dân, công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Háng Lìa đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, để đẩy nhanh hơn nữa công cuộc xóa đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững từng bước nâng cao đời sống, tăng mức thu nhập cho đồng bào vẫn cần sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa của các cấp, các ngành trên nhiều mặt.

c
Việc tăng diện tích lúa ruộng 2 vụ sẽ là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển trồng trọt, tăng sản lượng lương thực của xã Háng Lìa

 

Xã Háng Lìa nằm cách trung tâm huyện Điện Biên Đông gần 40km. Xã có 10 bản với 428 hộ gia đình, gần 2.400 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Là xã đặc biệt khó khăn, giao thông chia cắt, cách trở đặc biệt là vào mùa mưa; trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu là những khó khăn thách thức không hề nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong nhiều năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn chiếm trên 50%. Xuất phát từ đặc điểm tình hình của xã với quyết tâm đổi mới tạo bước chuyển biến trong công tác xóa đói giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã xác định một mặt tranh thủ nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình dự án như: Chương trình 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới...

Mặt khác tập trung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, tăng cường khả năng lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy Đảng, tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ). Hiện nay, Đảng bộ xã Háng Lìa có 76 đảng viên sinh hoạt tại 11 chi bộ. Qua thực tế những năm gần đây, vai trò lãnh đạo của TCCSĐ, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại Đảng bộ xã Háng Lìa đã được phát huy cao độ. Trên cơ sở nghị quyết của cấp trên và nghị quyết của Đảng bộ xã, cấp ủy Đảng và các TCCSĐ đã cụ thể hóa bằng những giải pháp, những hành động cụ thể gắn với từng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đảng viên tại các chi bộ không những thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, các chương trình dự án của Nhà nước mà còn là những người mạnh dạn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế. Nhiều gia đình đảng viên đã vươn lên hộ khá, giàu và có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình khác. Đồng chí Trương Thế Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông cho biết: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm công tác phát triển Đảng nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời lãnh đạo chính quyền, nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, trong đó trọng tâm là công tác xóa đói giảm nghèo. Để phát huy tốt vai trò của đảng viên trong công tác vận động quần chúng, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo thì những năm qua, vai trò của đảng viên phát huy rất rõ nét, bản thân các đồng chí đã gương mẫu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất.

Theo sự giới thiệu của Đảng ủy xã, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của đảng viên trẻ Giàng A Di ở bản Háng Lìa A. Khởi đầu phát triển kinh tế gia đình từ việc chăn nuôi lợn, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên anh Di không ít lần gặp thất bại. Không nản chí, Di tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn, anh mở thêm dịch vụ xay xát tại nhà để tích lũy thêm vốn và có thêm nguồn thức ăn cho đàn lợn. Nhờ đó, mỗi năm việc chăn nuôi lợn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Có thêm vốn Di mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển thêm đàn trâu, bò. Đặc biệt, gia đình Di là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong xã đầu tư xây dựng hệ thống ao phát triển nghề nuôi cá. Vừa làm vừa học, lấy ngắn nuôi dài là những bí quyết đơn giản của Di để xây dựng thành công mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình. Đến nay, mỗi năm ngoài 2 lứa lợn trên 20 con, Giàng A Di còn sở hữu đàn trâu, bò gần 10 con và 7 chiếc ao lớn nhỏ với diện tích trên 1ha. Từ mô hình này sau khi trừ chi phí cho gia đình thu nhập 70 – 80 triệu đồng/năm. Anh Giàng A Di chia sẻ: Trong thời gian tới, tôi dự định tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi cá và trồng rừng trên các quả đồi quanh ao nuôi cá hoàn thiện mô hình vườn – ao – chuồng – rừng của gia đình.

Nói về công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng A Dia cho biết: Xuất phát là một xã thuần nông nên cấp ủy, chính quyền địa phương xác định rõ muốn xóa đói giảm nghèo trước hết phải tập trung phát triển nông, lâm nghiệp bền vững. Trong đó, đẩy mạnh phát triển cây trồng truyền thống như lúa, ngô cũng như đưa các loại cây trồng khác như sắn, đậu tương, lạc vào canh tác. Trong năm 2014, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt gần 440ha. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt của xã đạt gần 820 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 345kg/người/năm. Song song với phát triển trồng trọt, cấp ủy, chính quyền địa phương còn tích cực vận động, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là phát triển nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Hiện nay, đàn trâu bò của xã có trên 1.300 con, trong đó đàn bò chiếm chủ yếu với trên 1.000 con. Việc phát triển chăn nuôi gia súc đã góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu nhập cho đồng bào trên địa bàn xã. Một thế mạnh nữa được xã tập trung vận động nhân dân thực hiện là công tác bảo vệ, phát triển rừng, bởi tổng diện tích rừng của xã hiện nay là gần 3.900ha, tỷ lệ che phủ đạt trên 60%. Việc phát triển rừng, tăng thu nhập bền vững từ rừng sẽ là động lực lớn góp phần giúp xã đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian qua, một bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của xã là việc cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân canh tác lúa 2 vụ thành công. Trong năm 2014, nhân dân trên địa bàn xã đã canh tác được 3ha ruộng lúa nước vụ đông xuân, năng suất trung bình đạt gần 42tạ/ha. Trong hoàn cảnh diện tích canh tác hạn hẹp thì việc tăng diện tích lúa ruộng 2 vụ sẽ là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển trồng trọt, tăng sản lượng lương thực của xã.

c
Đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn khoảng 37%

 

Theo thống kê, đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của Háng Lìa giảm xuống còn khoảng 37%. Đây là kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên để tiếp tục giảm nghèo nhanh và bền vững theo mục tiêu đã đề ra là mỗi năm giảm từ 3 – 4% số hộ nghèo, là thách thức không hề nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Háng Lìa. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư trên nhiều lĩnh vực nhưng cơ bản xã Háng Lìa vẫn là xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng tầng về điện, đường, công trình thủy lợi vẫn còn thiếu và yếu; quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp hạn hẹp, thời tiết khắc nghiệt cũng là những yếu tố gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng chậm và vẫn còn ở mức cao, số hộ đã thoát nghèo vẫn có nguy cơ tái nghèo nếu không kịp thời được quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất. Gia đình anh Vàng A Cho ở bản Chống Dình mới được công nhận thoát nghèo năm 2014. Thời điểm giáp hạt hàng năm việc thiếu đói thường xuyên xảy ra nhưng năm nay, trong nhà anh vẫn còn hơn 30 bao thóc và đàn bò của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt không bị dịch bệnh đe dọa. Phấn khởi vì đã thoát nghèo nhưng anh Cho vẫn còn lo lắng bởi kinh tế của gia đình dựa chủ yếu vào canh tác ruộng 1 vụ và nương rẫy. Như năm vừa rồi được mùa thì gia đình thoát nghèo, nếu mất mùa cái nghèo sẽ quay trở lại. Đó không chỉ là khó khăn của gia đình anh Cho mà là trăn trở chung của gần chục hộ gia đình cận nghèo và 25 hộ nghèo trong bản. Qua tìm hiểu được biết, trong những năm gần đây, cái đói không còn thường trực như trước, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo thành công, tuy nhiên bà con trong bản mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc như dê, bò, đào ao phát triển nuôi cá... Cùng với đó là việc hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật giúp tăng năng suất cây trồng và hiệu quả chăn nuôi.

Có thể thấy, trong những năm qua, xã Háng Lìa là một trong những xã dẫn đầu của huyện Điện Biên Đông trong công tác xóa đói giảm nghèo. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế là phát huy vai trò của Đảng trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao của chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án được Đảng, Nhà nước đầu tư. Yếu tố quan trọng không thể thiếu là ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã. Hy vọng, trong thời gian tới, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm cùng sự đoàn kết nhất trí của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, xã Háng Lìa sẽ khắc phục mọi khó khăn tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội./.

 

Chu Linh – Duy Hưng
 

.