Vẹn nguyên ký ức trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ
Điện Biên TV - Không có những thước phim, không có những tấm ảnh... nhưng qua câu chuyện, dòng cảm xúc mà nhân chứng ngày ấy kể lại đã đưa chúng tôi trở về thời khắc thiêng liêng, oanh liệt hơn 60 năm kể từ khi trận mở màn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...
Cụm cứ điểm Him Lam trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu) |
Khó khăn lắm chúng tôi mới có cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Đăng Lâm, hiện đang cư trú tại TP. Hải Phòng. Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, ông Lâm là một trong những nhân chứng sống đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong trận đánh mở màn trên đồi Him Lam ngày 13/3/1954. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Lâm vẫn nhớ như in từng chi tiết khi ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ đưa quả bộc phá qua hàng rào thép gai đồi Him Lam để mở đường cho bộ đội tấn công cứ điểm trọng yếu của quân địch. Được biết, Đại đoàn 312 là một trong những lực lượng bộ binh nòng cốt tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc. Sau khi đến Điện Biên Phủ, ông Lâm nhận nhiệm vụ tại Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Thực hiện lệnh chiến đấu, Đại đoàn 312 cùng một số đơn vị bộ đội chủ lực nhận nhiệm vụ trong đợt tiến công đầu tiên tiêu diệt 3 trung tâm đề kháng, gồm: Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự từ Tây Bắc sang Đông Bắc tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm các vị trí vành ngoài tạo điều kiện để quân ta thắt chặt vòng vây và tiến công vào khu trung tâm.
Ông Lâm xúc động kể lại: “Trước khi đánh, đơn vị phải chọn người với 2 yếu tố là lai lịch rõ ràng và thân hình có tầm vóc mạnh khỏe. Do có thân hình to cao nên tôi được chọn vào tổ bộc phá thuộc Tiểu đoàn 428. Khi pháo binh bắn vào đồi Him Lam xong thì tổ bộc phá phải xông lên, mang bộc phá luồn qua hàng rào thép gai, giật nổ để mở đường tiến. Xác định đây là trận đánh then chốt mở màn chiến dịch nên anh em trong tổ ai cũng hồi hộp. Việc áp sát địch bằng đường hào của đơn vị, tôi cùng đồng đội phải cực kỳ bí mật vì liên quan đến yếu tố bất ngờ của trận mở màn. Ông Đăng Lâm nhớ lại: Lúc này, tôi được giao nhiệm vụ mang 2 quả bộc phá đặt vào hàng rào cứ điểm Him Lam để mở đường cho bộ binh tiến công. Quả thứ nhất tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quả thứ 2, khi tôi vừa đặt xong để mở tiếp hàng rào thì bị địch phát hiện, bọn chúng bắn tới tấp. Tôi bị thương, máu chảy rất nhiều và ngất đi. Sau đó, tôi được đồng đội chuyển về phía sau trận địa. Mặc dù bị thương nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng, quyết tâm cùng đồng đội đánh chiếm cứ điểm Him Lam. Trong trận đấu này, xác định là trận đánh vô cùng quan trọng, Tư lệnh Chiến dịch đã giao nhiệm vụ đánh Him Lam cho Đại đoàn 312 và tăng cường cho Đại đoàn 2 đại đội sơn pháo 75mm, đại đội lưu pháo 105mm chi viện trực tiếp. Đúng 17h ngày 13/3, pháo bắn cấp tập vào trận địa địch; 18h30, bộ binh ta đồng loạt tiến công, kết quả hỏa lực bắn chuẩn bị tốt đã làm tê liệt các trận địa pháo, sân bay, phá hủy nhiều mục tiêu, công sự, trận địa hỏa lực của địch, chi viện có hiệu quả cho các tiểu đoàn bộ binh hoàn thành việc chiếm lĩnh trận địa tiến công. “Sau hơn 5 giờ chiến đấu kiên cường, khoảng 23h30 cùng ngày, trận đánh kết thúc, trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn sụp đổ. Hơn 200 lính Pháp bị chết, 270 tên bị bắt làm tù binh”, ông Lâm kể lại.
Ông Nguyễn Hữu Chấp, tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ kể với phóng viên về trận khai hỏa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 60 năm trước. |
Kết thúc cuộc điện đàm với ông Đăng Lâm, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Chấp, ở tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm (84 tuổi) nhưng ông Chấp vẫn nhanh nhẹn và nhớ như in ký ức hơn 60 năm trước tham gia trận đánh Him Lam. Ông Chấp kể: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là khẩu đội trưởng cối 82 ly, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trong trận khai hỏa, với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Him Lam, khẩu đội của tôi đã không quản khó khăn, vất vả ròng rã nửa tháng trời đào hào từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam. Ngày ấy, tôi và đồng đội từng chia nhau hớp nước, nắm cơm, suốt nhiều ngày đêm phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt thiếu khí thở, ngột ngạt và mong sao đến gần quân Pháp, ra khỏi mặt đất để chiến đấu. Cuối cùng, tâm nguyện đó đã trở thành hiện thực khi khẩu đội của tôi nhận lệnh khai hỏa, tác chiến cùng đồng đội vào 17 giờ, ngày 13/3/1954. “Đây thực sự là ngày đáng nhớ của tôi và các đồng đội bởi sau nhiều giờ chiến đấu ròng rã, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn trận địa”.
Đã hơn 60 năm kể từ khi trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đi qua thế nhưng với những người tham gia trận chiến ngày ấy, ký ức còn nguyên và niềm tự hào vẫn ngập tràn trong trái tim họ. Qua lời kể, một lần nữa, không chỉ nhắc nhở thế hệ trẻ phải nối tiếp truyền thống kiên cường của thế hệ cha anh mà còn phải ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện để bảo vệ, giữ gìn nền độc lập, chủ quyền dân tộc trong thời kỳ đổi mới./.
Văn Quyết