Thực trạng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh

Chủ Nhật, 22/03/2015, 17:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”, là chủ đề của Ngày Nước thế giới 22/3 năm nay, nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên nước. Đối với tỉnh Điện Biên, tài nguyên nước rất đa dạng và phong phú, gồm cả nguồn nước mưa và nước mặt, nước dưới đất ở các thuỷ vực tự nhiên và nhân tạo như sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, giếng khơi, ao, hồ đập và các túi nước ngầm. Tuy nhiên, thực trạng quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều vấn đề bất cập.

c
Hiện trên địa bàn tỉnh có 18 hồ chứa nước

 

Điện Biên nằm ở thượng nguồn của 3 hệ thống lưu vực sông, gồm: sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nước sông, suối, ao, hồ, trong khi đó trung bình mỗi năm lượng mưa khoảng 1.500 - 2.000mm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 hồ chứa nước, trong đó hồ Pa Khoang là hồ chứa nước lớn nhất với diện tích 6km2, dung tích khoảng 37,2 triệu m3. Các hồ chứa nước, sông, suối nằm rải rác ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều phụ thuộc vào chế độ mưa, chế độ dòng chảy trong khu vực, biến đổi dòng chảy, phụ thuộc vào độ cao, hướng sườn dốc, cấu trúc nền địa chất và lớp thảm phủ thực vật của vùng.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 750 công trình khai thác nước tập trung phục vụ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho gần 256 nghìn người, chiếm 60,62% tổng dân số nông thôn toàn tỉnh. Trong đó, có 9 công trình cấp nước sạch gồm: Nhà máy cung cấp nước sạch cho thành phố Điện Biên Phủ; thị trấn Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên Đông, huyện Điện Biên và thị xã Mường Lay. Ngoài ra, còn có khoảng 800 công trình thủy lợi lớn nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhu cầu nước trên địa bàn tỉnh khoảng gần 221 triệu m3/năm. Trong đó, ngành nông nghiệp khai thác khoảng gần 191 triệu m3/năm, chiếm 86,4%; ngành công nghiệp khai thác khoảng hơn 6,8 tiệu m3/năm, chiếm 3,1%; khu dân cư sử dụng khoảng hơn 23 triệu m3/năm, chiếm hơn 10%.

Tài nguyên nước ở tỉnh rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên chất lượng nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm cục bộ do sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, các công trình thuỷ điện và do sinh hoạt của dân cư. Ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Mặc dù tài nguyên nước ở Điện Biên có trữ lượng khá dồi dào nhưng nguồn nước có thể dùng được ngay hay sẵn dùng là hữu hạn, vì phân bố không đều trong mùa cũng như từng khu vực. Hiện rất nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sạch do bị ô nhiễm, bị lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác. Về chất lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng đã hủy hoại môi trường sống và đẩy cuộc sống của một số bộ phận dân cư các vùng nguy hiểm, rủi ro. Theo ước tính khoảng 37% nước bị mất đi do lãng phí mà nguyên nhân một phần do hệ thống tưới tiêu xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp hư hỏng; thêm vào đó mỗi ngành trên mỗi lưu vực sông đều tự đặt cho mình mục tiêu khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước theo cách riêng của mình…”

c
Chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm cục bộ do sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, các công trình thuỷ điện và do sinh hoạt của dân cư

 

Để công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được tốt hơn, đáp ứng nhu cầu dùng nước của các ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh: Ban hành về Quy chế quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phê duyệt Dự án Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai quy hoạch phân bổ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020; Hướng dẫn và tổ chức thẩm định các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ xin khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh theo quy định... Tuy nhiên, thực trạng quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn rất nhiều vấn đề bất cập. Nhận thức của người dân, thậm chí cả một số cơ quan quản lý ở các cấp, các ngành vẫn chưa coi nước là một tài nguyên quan trọng; vẫn còn quan niệm “Nước là vô hạn” nên không cần xin phép, không phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Tài nguyên nước đóng một vai trò then chốt và không thể tách rời khỏi phát triển bền vững. Chính vì vậy, trước thực trạng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh hiện nay, các cấp, các ngành cần thực thi hiệu quả các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nguồn tài nguyên nước, đồng thời vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững của tỉnh./.

 

Quốc Hưng
 

.