Thực tế canh tác trên đất dốc ở Tủa Chùa

Chủ Nhật, 29/03/2015, 09:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với địa hình của huyện niềm núi, diện tích dành cho sản xuất lúa nước ít cùng với phong tục và tập quán canh tác nương rẫy, do vậy huyện Tủa Chùa là địa phương có 2/3 diện tích canh tác nông nghiệp trên đất dốc. Việc phải canh tác trên nền đất có độ dốc lớn đã dẫn đến tình trạng rửa trôi, bạc màu, năng suất cây trồng giảm sút, đây cũng là vấn đề mà người nông dân của Tủa Chùa đang phải đối mặt.

c
Do sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên người nông dân không chủ động về thời vụ gieo trồng, thời vụ thu hoạch, dẫn đến năng suất cây trồng ngày càng giảm dần

 

Là huyện vùng cao, Tủa Chủa chỉ có hơn 1.700ha lúa nước 1 vụ và hơn 400ha lúa nước 2 vụ. Hầu hết diện tích sản xuất nông nghiêp của Tủa Chùa trên nương rẫy với gần 10 nghìn ha, vì vậy cứ vào tháng 3 tháng 4 hàng năm nông dân Tủa Chùa là bắt đầu với công việc của nương rẫy. Đã duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, một vụ làm nương mới bắt đầu người nông dân ở đây phải trải qua khâu quan trọng như: Phát dọn cỏ cây, đốt nương và nhiều công việc khác. Chính vì vậy, mà cụm từ “đốt nương làm rẫy” đã đi vào tiềm thức đối với những người canh tác trên nương rẫy. Được chứng kiến tận mắt những công việc làm nương rẫy mới thấu hiểu được sự vất vả, cực nhọc với công sức, mồ hôi của người nông dân Tủa Chùa khi làm ra hạt gạo, hạt ngô. Vất vả là vậy những thành quả mang lại chẳng được bao nhiêu. Có một cái thực tế mà người nông dân của huyện vẫn phải gánh chịu là năng suất các loại cây trồng bị giảm dần theo năm canh tác. Đó là chuyện khi gặp thời tiết thuận lợi còn vào những năm hạn hán, mưa nhiều thì chưa chắc đã được thu hoạch. Với điều kiện canh tác khắc nghiệt cùng với sự bấp bênh về năng suất, nên dù có cần cù chịu khó đến mấy thì hàng năm nhiều người nông dân ở Tủa Chùa vẫn thuộc diện Nhà nước phải cứu đói.

Với địa hình đồi núi cao lại bị chia cắt nên đa số diện tích nương rẫy của huyện Tủa Chùa đều có độ dốc lớn, trung bình từ 10 – 15 độ, nhiều nơi còn cao hơn. Việc canh tác trên đất dốc thiếu tính hợp lý đang là một vấn đề lớn đối với cuộc sống của người dân và môi trường. Với việc canh tác trên đất dốc trong một thời gian dài mà thiếu các giải pháp đồng bộ để cải tạo đất, đã làm đất nương càng ngày bị bào mòn rửa trôi, bạc màu, thoái hóa. Dẫn đến năng suất cây trồng trên nương rẫy ngày càng giảm dần, thu nhập canh tác trên đất dốc ngày càng hạn chế. Việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên do vậy không chủ động về thời vụ gieo trồng, thời vụ thu hoạch. Năng suất cây trồng thường phụ thuộc nhiều về điều kiện thời tiết, gặp năm thuận lợi thì được mùa còn không mất mùa, năng suất thấp. Khi năng suất cây trồng giảm không đảm nhu cầu và sinh kế họ lại bỏ nương rẫy cũ, phát rừng làm rẫy mới. Dẫn đến diện tích rừng bị thu hẹp, nương rẫy ngày càng xa nhà, công sức, chi phí tạo ra một sản phẩm ngày càng lớn. Những hậu quả của việc khai thác trên đất dốc thiếu hợp lý đang diễn ra ở Tủa Chùa ngày càng làm cạn kiệt nguồn  nước, nghèo kiệt tài nguyên đất, rừng. Cuộc sống của người dân vùng cao vốn đã vất vả lại càng khó khăn.

c
Những quả đồi trơ trọi, nhiều diện tích bị hoang hóa, khó cải tạo là hệ quả của việc khai thác nguồn tài nguyên rừng không hợp lý cùng với tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

 

Bà Bùi Thị Bình, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa cho biết: "Ở Tủa Chùa diện tích đất để sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất dốc, đất ruộng chủ yếu là ruộng bậc thang gieo cấy 1 vụ nên hiệu quả canh tác còn rất nhiều hạn chế, khó khăn. Một vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả canh tác trên đất dốc, đó là: Biện pháp canh tác, do tập quán của bà con chủ yếu nuôi thả gia súc nên không tận dụng được lượng phân chuồng bón cho cây được; phân hóa học thì nhiều người dân không có vốn để đầu tư, cũng có một số hộ có điều kiện kinh tế lại không mạnh dạn đầu tư mà chỉ gieo trồng theo tập quán cổ truyền. Vì vậy, dẫn đến năng suất cây trồng thấp."

Đến với Tủa Chùa vào những ngày này chúng ta không khó bắt gặp những quả đồi trơ trọi, những dòng suối cạn khô, nhiều diện tích bị hoang hóa, khó cải tạo. Đây là hệ quả của việc khai thác nguồn tài nguyên rừng không hợp lý cùng với tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Trước những thực trạng trên, trong những năm qua, huyện Tủa Chùa đã có nhiều tổ chức trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải pháp để giúp người nông dân vùng cao sản xuất, canh tác hiệu quả và bền vững trên nền đất dốc. Trong đó, huyện vận động người dân tái sử dụng tàn dư cây trồng và sử dụng phân hữu cơ từ nguồn động thực vật để bón cho nương rẫy; tăng cường áp dụng các loại cây che phủ, nhất là cây họ đậu để vừa bảo vệ, vừa cải tạo đất; che phủ đất bằng vật liệu hữu cơ, tạo ruộng bậc thang, nương có bờ và trồng xen các loại cây trồng họ đậu, họ cỏ trên diện tích đất có độ dốc lớn, kết hợp với bón phân cân đối, hợp lý. Bên cạnh đó, huyện còn vận động người dân gieo trồng các loại cây cốt khí để hạn chế rửa trôi bạc màu; trồng xen canh giữa cây lương thực ngắn ngày và cây dài ngày, trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi; kết hợp đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả canh tác bền vững trên đất dốc và thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Mặt khác, tập trung đưa giống ngô, giống đậu tương mới năng suất cao có khả năng chịu hạn, phù hợp với điều kiện canh tác trên đất dốc và trình độ sản xuất của bà con  dân tộc thiểu số vào gieo trồng. Huyện Tủa Chùa cũng đã tập trung triển khai nhiều chính sách, chương trình dự án, trong đó hỗ trợ giống vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tiếp cận, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để tăng diện tích canh tác lúa nước 2 vụ, giảm dần diện tích canh tác trên nương.

Bà Bùi Thị Bình, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa cho biết thêm: "Trong những năm vừa qua, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư đã tăng cường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân hạ các bậc thang, các độ cao xuống để chống xói mòn, rửa trôi. Bên cạnh đó là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng bằng việc là sau hạ bậc thang không tiến hành gieo lúa ngay mà gieo trồng các cây màu như: Đậu tương, lạc, đỗ xanh... vừa có tác dụng cải tạo đất và có thu nhập, vừa ổn định hơn cây lúa, vì nếu sau khi hạ bậc thang gieo cấy lúa ngay thì hiệu quả không cao."

Trước các giải pháp đó đã góp phần đáng kể giảm nhẹ những tác động của việc canh tác trên đất dốc ở Tủa Chùa. Người dân đã bắt đầu nhận thức được các biện pháp để tăng thời gian canh tác trên nương rãy; giảm tình trạng rửa trôi, bạc màu và xói mòn đất. Đặc biệt, người dân đã biết chuyển đổi các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, nhiều giống cây để cải tạo đất được đưa vào gieo trồng như: Ngô, đậu tương, sắn... Các diện tích đất bị bạc màu được cải tạo lại, nhiều diện tích đất dốc được người dân tiến hành làm ruộng bậc thang hoặc nương có bờ hướng tới canh tác bền vững.  

Tuy nhiên, đối với huyện vùng cao như Tủa Chùa trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của đại bộ phần đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, một bộ phận người dân vẫn còn tình trạng du canh, du cư. Việc áp dụng những biện pháp canh tác tiên tiến để cải tạo đất cũng không phải là việc làm đơn giản và không phải việc làm có thể một sớm một chiều, cần có thời gian. Để canh tác một cách bền vững trên đất dốc ở huyện Tủa Chùa hiện nay vấn đề then chốt nhất và cần phải làm đó là làm thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ canh tác của bà con nhân dân. Có như vậy, vấn đề canh tác bền vững trên đất dốc ở Tủa Chùa mới có thể được giải quyết, từ đó giúp nông dân vùng cao thoát khỏi cái vòng đói nghèo luẩn quẩn./.

 

Duy Linh
 

.