Điểm sáng thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở Noong U
Điện Biên TV - Từ lâu nay, việc sinh con thứ ba trở lên ở vùng cao nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng đã không còn là chuyện lạ. Đặc biệt là đối với bà con dân tộc Mông, nhiều gia đình còn coi việc này gần như một truyền thống. Thế nhưng, nhiều người Mông ở một số địa phương trong tỉnh hiện đã từ bỏ được những quan niệm lạc hậu trong sinh đẻ và trở thành điểm sáng thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Bản Tìa Mùng, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông là một ví dụ.
Chị Chá Thị Mai được coi là người đi đầu trong việc phá bỏ quan niệm lạc hậu trong sinh đẻ ở địa phương mình. Năm nay, chị đã hơn 40 tuổi nhưng chị chỉ có 2 con. Những người trong bản, trong dòng họ cùng lứa tuổi chị, hầu hết đều có từ 3 con trở lên, thậm chí có người có đến 5-6 con. Chị Mai đẻ ít con bởi chị sớm nhận thức được chính sách dân số của Nhà nước. Quan trọng hơn cả là chị thấy rõ được cái khó, cái khổ của việc đẻ nhiều. Chị Chá Thị Mai, bản Tìa Mùng, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông chia sẻ: "Tôi thấy bố mẹ tôi đẻ nhiều, bao nhiêu thóc gạo cũng không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Thế nên tôi chỉ đẻ 2 đứa con. Con trai lớn của tôi cũng lấy vợ rồi, nó đẻ được 2 con gái và cũng không đẻ nữa. Không có con trai thì kệ thôi. Tôi cũng nói với chị em trong bản là đẻ ít cho đỡ khổ. Đẻ nhiều thì sai với quy định của Nhà nước."
3 năm nay, bản Tìa Mùng, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông không có người sinh con thứ 3 trở lên |
Hiện nay, ở bản Tìa Mùng có gần 40 chị trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó gần 30 chị đã có chồng và hơn 50% trong số này đã thực hiện tốt KHHGĐ. Đặc biệt là đã 3 năm nay, bản Tìa Mùng không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đây là bản duy nhất ở xã duy trì được kết quả này. Chị Vừ Thị Dợ, Chủ tịch Hội LHPN xã Noong U, huyện Điện Biên Đông cho biết: "Hội Phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với các bản xuống tuyên truyền, vận động tới từng hộ gia đình về việc kế hoạch hóa gia đình. Trước đây, chị em hay e ngại việc đi đặt vòng, xin bao cao su, thuốc tránh thai nhưng giờ chị em không còn e ngại nữa và đã biết tự kế hoạch rồi."
Nhờ được tuyên truyền, vận động nhiều nên hầu hết chị em ở đây đã nhận thức khá tốt về chính sách dân số. Đồng thời, các chị em cũng thấy rõ được những ảnh hưởng của việc sinh nhiều con đến sức khỏe của bản thân. Hơn nữa là sự vất vả, thiếu thốn và những thiệt thòi của trẻ em khi sinh ra trong gia đình đông anh chị em.
Được biết, từ nhiều năm nay, hầu hết chị em ở bản Tìa Mùng đã tích cực áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và các dịch vụ KHHGĐ khác, nên cơ bản chị em ở đây không có trường hợp có thai ngoài ý muốn. Nhờ đó, Tìa Mùng đã duy trì được 3 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên và trở thành một điểm sáng trong thực hiện KHHGĐ ở Noong U. Điều này đã góp phần quan trọng để các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương./.
Lê Dung - Tuấn Trung