Tuần Giáo: Nhiều trăn trở ở xã mới chia tách
Điện Biên TV - Năm 2012 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Điện Biên. Theo Nghị quyết 45, huyện Tuần Giáo có 5 xã mới được chia tách thành lập. Việc chia tách, thành lập các xã mới, nhằm mục tiêu phát huy tốt hơn hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị huyện, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế xã hội các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên cho đến nay các xã mới chia tách của huyện vẫn đang loay hoay trước rất nhiều khó khăn.
Xã Nà Tòng huyện Tuần Giáo được thành lập ngày 15/5/2013, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Mùn Chung, có diện tích tự nhiên trên 3.750ha và gần 2.300 nhân khẩu. Là xã mới chia tách, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, bộ máy chính quyền còn non trẻ, 100% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ sản xuất lạc hậu, xã vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội hàng năm.
Là xã mới chia tách Xã Nà Tòng huyện Tuần Giáo cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, bộ máy chính quyền còn non trẻ, 100% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ sản xuất lạc hậu, xã vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội hàng năm. |
Hai bản Nậm Pay, Pa Cá nằm hai bên ven suối Nậm Pay. Có truyền thống làm ruộng nước, các hộ đồng bào dân tộc Thái ở đây đã khai hoang ruộng bậc thang, đắp phai, đào mương đưa nước vào ruộng gieo cấy hai vụ. Tuy nhiên diện tích ruộng nước ít cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Năm 2013, 2014 hai trận lũ lớn đã phá hủy hoàn toàn mương phai của bản Nậm Pay, làm suối Nậm Pay đổi hướng dòng chảy, khiến 5 ha ruộng nước của bản thiếu nước tưới trong mùa khô. Năm 2013, 68 hộ dân thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ quét ở 2 bản Nậm Pay, Pa Cá được di chuyển tới khu Phiêng Xanh định cư. Tuy nhiên ở đây không có đất sản xuất, người dân vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào diện tích ruộng nước ít ỏi ở bản cũ.
Không chỉ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, cuộc sống của người dân hai bản Nậm Pay, Pa Cá còn không hề yên ổn, bởi đây là khu vực thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp tài sản. Số người nghiện nhiều, tình trạng buôn bán lẻ các chất túy vẫn thường xuyên tiếp diễn, được cho là nguyên nhân chính dẫn đến bất ổn về an ninh trật tự trong khu vực. Xã Nà Tòng hiện nay có 7 bản, phân bố trên địa hình bị chia cắt, 100% số bản này chưa có đường bê tông ; 3/7 bản chưa có điện thắp sáng. Toàn xã chỉ có 25 ha lúa nước 2 vụ, nhưng lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, đời sống nhân dân phụ thuộc phần lớn vào nương rẫy. Nà Tòng cũng là xã có số người nghiện cao, hơn 80 người. Với bộ máy chính quyền còn non trẻ, sau hai năm chia tách, tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã chưa có nhiều thay đổi. Năm 2014 xã vẫn còn 294/497 hộ là hộ nghèo, chiếm trên 59%. Hai năm gần đây người dân trong xã có tham gia góp đất trồng cao su, và trồng cây keo theo dự án của Công ty cổ phần Rừng Việt Tây Bắc. Tuy nhiên các diện tích rừng trồng này đang trong thời kỳ chăm sóc, chưa có thu, nên trồng rừng kinh tế cũng chưa giúp đời sống người dân ở đây ổn định hơn. Ông Lò Văn Dung – Chủ tịch UBND xã Nà Tòng – huyện Tuần Giáo cho biết: Sau 2 năm chia tách hiện xã Nà Tòng rất khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất thiếu thốn Trạm Y tế xã chưa có phải ở nhờ trụ sở UBND xã, trong xã còn 3 bản chưa có điện thắp sáng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân, tỷ lệ hộ nghèo ở xã chiếm gần 60 %
Được chia tách trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Nà Sáy, xã Mường Khong bao gồm toàn bộ các bản vùng sâu, vùng xa khó khăn của xã Nà Sáy trước đây. Điều kiện giao thông cách trở, nằm cách trung tâm huyện trên 20 km, đường liên xã chưa được nâng cấp, khó đi lại trong mùa mưa, khiến việc thông thương, trao đổi của nhân dân trong xã với các xã bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Là xã mới chia tách nên Mường Khong còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng như: trường lớp học, trạm y tế. Gần 80% hộ dân trong xã sống dựa vào canh tác ruộng nước, nhưng ở đây chưa có công trình thủy lợi kiên cố phục vụ tưới tiêu. Bởi vậy mùa khô các chân ruộng thường thiếu nước, còn mùa mưa lại chịu ảnh hưởng của lũ quét. Để khuyến khích người dân thay đổi cơ cấu sản xuất, từng bước vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể xã Mường Khong đã tích cực vận động nhân dân đưa cây cà phê vào trồng trên đất nương. Tuy nhiên trên 55% số hộ dân trong xã là hộ nghèo, vốn sản xuất thiếu, quỹ đất có hạn, nên ít gia đình có điều kiện đầu tư. Người nông dân chủ yếu vẫn sản xuất theo lối tự cung, tự cấp.
Xã Mường Khong còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng như: trường lớp học, trạm y tế. Gần 80% hộ dân trong xã sống dựa vào canh tác ruộng nước, nhưng ở đây chưa có công trình thủy lợi kiên cố phục vụ tưới tiêu. Bởi vậy mùa khô các chân ruộng thường thiếu nước, còn mùa mưa lại chịu ảnh hưởng của lũ quét. |
Được xã, bản vận động thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình ông Lường Văn Piến bản Co Đứa đã chuyển đổi một số diện tích khai hoang trồng sắn trước đây sang trồng cây cà phê. Hơn 1 ha cà phê đã bước sang năm thứ tư, do thiếu vốn chăm sóc nên cây cằn cỗi, chưa mang lại hiệu quả. Có tham vọng xây dựng mô hình kinh tế trang trại, ông Piến trồng cà phê, làm ruộng nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên khu đất gia đình khai hoang nhiều năm nay. Tuy nhiên vốn sản xuất ít, nên gia đình mới chỉ có thể sản xuất phục nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
Khó khăn chung của 5 xã mới chia tách trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện nay là tệ nạn xã hội và an ninh trật tự ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Do bộ máy chính quyền còn non trẻ và có nơi chưa được kiện toàn, nên công tác quản lý về an ninh trật tự ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa được chú ý.
Vốn là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế xã hội chậm phát triển, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, 5 xã mới chia tách của huyện Tuần Giáo vẫn đang loay tìm cách thoát khỏi những khó khăn hiện tại. Pu Xi – xã vùng cao, nằm trong khu vực dễ sạt lở hiện vẫn đang đứng trước nguy cơ bị tách biệt. Các xã Nà Tòng, Mường Khong, Chiềng Đông, Phình Sáng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Vậy Năm 2015 này UBND huyện Tuần Giáo có chủ trương gì giúp các xã mới chia tách khắc phục khó khăn . Ông Vũ Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Huyện Tuần Giáo hiện có 5 xã mới chia tách trong 5 xã khó khăn nhất xã Pu Xi, xã Pu Xi địa hình đất dốc bà con trong xã khó phát triển kinh tế đặc biệt hạ tầng chưa được đầu tư nhiều, Huyện cũng đã chỉ đạo bà con các xã phát triển nhiều cây trồng phù hợp với địa bàn để đảm bảo an ninh lương thực đặc biệt phát triển cây lúa ngô đồng thời chăn nuôi nhiều gia súc để đảm bao lương thực
Chủ trương chia tách địa giới hành chính các xã vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng và điều kiện kinh tế xã hội chậm phát triển, để phát huy tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các xã vùng sâu, vùng xa có thể bứt phá, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên huyện, xã mới chia tách đều nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, có nền tảng kinh tế xã hội thiếu và yếu. Để các địa phương này sớm thoát khỏi khó khăn, vướng mắc hiện tại, đòi hỏi cần có sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước cùng với nỗ lực vươn lên của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Minh Giang – Trọng Lâm