Sắc xuân trên quê hương cách mạng Pú Nhung
Điện Biên TV - Vùng đất Pú Nhung được xem là chiếc nôi cách mạng của tỉnh, nơi có anh hùng liệt sỹ Vừ A Dính - Người thiếu niên anh dũng đã không tiếc tuổi xuân của mình hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân Pú nhung đã đoàn kết một lòng để cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những ngày đầu xuân này, đến thăm Pú Nhung ai cũng có chung cảm nhận những đổi thay ở một vùng quê cách mạng.
Nếu như trước đây, Pú Nhung nổi tiếng là vùng trồng ngô, đậu tương thì giờ đây sắn đang dần chiếm ưu thế. |
Theo lời kể của các già làng trong xã: Sau cách mạng tháng Tám, giặc Pháp chiếm lại Lai Châu, chúng cướp của, đốt nhà, đánh đập người già, phá nương rẫy, hãm hiếp phụ nữ, bắt trai bản đi lính... Không thể trốn mãi trong rừng, với lòng yêu nước, căm thù giặc, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Tuần Lai, mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ: Cung nỏ, tên thuốc độc, bẫy đá, súng tự tạo, người Mông ở Pú Nhung đã đoàn kết cùng các dân tộc anh em trong huyện kiên cường đứng lên chiến đấu. Đội du kích Pú Nhung dưới sự chỉ huy của người Đội trưởng Sùng Phái Sinh kiên cường dũng cảm tiêu diệt địch ở đồn bản Chăn, đồn Phiêng Pi. Trên đỉnh núi Pú Ao ngày 15/6/1949, người thiếu niên dân tộc Mông 15 tuổi Vừ A Dính làm liên lạc cho cách mạng, bị địch bắt, tra tấn dã man, Dính một dạ kiên trung không khai báo cơ sở cách mạng, thực dân Pháp đã treo ngược anh lên một cành đào, rồi xả súng bắn... Căm thù tội ác dã man của quân xâm lược, người dân Pú Nhung đã một lòng theo Đảng, cùng với các dân tộc anh em khác chung tay giải phóng Tây Bắc...
Trong những năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, người dân Pú Nhung đã sát cánh cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh chung sức xây dựng quê hương. Cũng từ đó, một câu hỏi lớn luôn thường trực, làm trăn trở nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên là làm gì và làm như thế nào để Pú Nhung vừa phát huy truyền thống anh hùng năm xưa, vừa chiến thắng đói nghèo, vươn tới no ấm giàu có, đồng thời giữ được những nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Để làm được điều đó, Đảng bộ, chính quyền Pú Nhung xác định: Trước hết phải tạo được sự chuyển biến bằng những việc làm cụ thể. Kiên trì, bền bỉ, cấp ủy, chính quyền xã đã từng bước đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên cơ sở phân công nhiệm vụ, coi trọng kiểm tra, giám sát.
Cấp ủy, chính quyền xã Pú Nhung luôn nhiều thời gian để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là dành sự quan tâm, chăm sóc đối với các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn, người tàn tật. |
Điểm nổi bật trong công tác giáo dục là nâng cao nhận thức trong nhân dân nhằm chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tiếp thu và từng bước đổi mới. Coi trọng và lắng nghe ý kiến của già bản, người có uy tín, khuyến khích điển hình nhân tố mới xuất hiện trong sản xuất. Phát huy nội lực, trên cơ sở điều kiện, tiềm năng của địa phương, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các chương trình dự án của Nhà nước. Mọi nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ, chính quyền các đoàn thể đều hướng tới chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của gần 700 hộ và hơn 3.300 nhân khẩu trong xã. Nếu như trước đây, Pú Nhung nổi tiếng là vùng trồng ngô, đậu tương thì giờ đây sắn đang dần chiếm ưu thế. Tận dụng diện tích đất sản xuất manh mún trong vườn đến những vạt đồi ven suối, bà con đều trồng sắn. Gia đình trồng ít 2.000 - 3.000m2, gia đình trồng nhiều 1 – 2ha, có hộ trồng tới 5 - 6ha, chủ yếu là giống sắn cao sản, năng suất từ 80 - 90 tạ/ha. Sắn là loại cây trồng không kén đất, chi phí đầu tư thấp, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đơn giản, đầu ra khá ổn định lại được giá nên bà con tích cực đưa cây sắn vào trồng với diện tích ngày càng lớn (toàn xã đạt trên 350ha/vụ). Với giá thu mua sắn tươi từ 1,5 đến 2.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi ha lãi trên 30 triệu đồng/năm. Đầu ra ổn định chính là lợi thế để cây sắn trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của người dân Pú Nhung.
Có thể nói, Tết này đời sống của phần lớn người dân trong xã đã có nhiều đổi thay, hầu hết bà con đã chủ động chuẩn bị được nguồn thực phẩm cho ngày Tết. Do không có nhiều điều kiện như người dân ở các bản làng vùng thấp nên trong dịp Tết, gia đình nào cũng có con lợn và vài con gà để cải thiện trong những ngày vui đón xuân mới. Trong bộn bề công việc của những ngày cuối năm, nhưng vào những ngày này, cấp ủy, chính quyền xã Pú Nhung vẫn dành nhiều thời gian để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là dành sự quan tâm, chăm sóc đối với các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn, người tàn tật, đồng thời chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho bà con vui chơi trong những ngày Tết đến, xuân về. Ông Vừ Sái Sùng, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: "Trong dịp Tết, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo Đoàn thanh niên, Ban văn hóa xã chuẩn bị các chương trình, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ bà con vui Tết như: Ném pao, đánh cù; bên cạnh đó cũng tổ chức một số trò chơi hiện đại: Đá bóng, bóng chuyền và cầu lông..."
Một mùa xuân nữa đang về trên vùng quê cách mạng Pú Nhung, nhìn lại những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Pú Nhung đã có được, mỗi người dân Pú Nhung càng thêm tin tưởng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Ðảng đã mang lại mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho mỗi gia đình, mỗi người dân vùng căn cứ cách mạng Pú Nhung./.
Phạm Hải - Văn Hùng