Xử lý tình trạng "ki ốt công sở" còn vướng
Điện Biên TV - Ngày 15/10 là thời hạn cuối cùng UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các cơ quan, đơn vị Nhà nước dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, hoặc cho các tổ chức, các nhân thuê đất xây dựng công trình làm dịch vụ trái phép trong khuôn viên công sở. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã phát sinh khá nhiều ý kiến, kiến nghị về thời hạn trên.
Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIII tổ chức hồi trung tuần tháng 7/2014 đã có nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri, ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND về tình trạng nhiều cơ quan, công sở có ki ốt cho tổ chức, cá nhân thuê kinh doanh. Điều này không chỉ trái với quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng được giao mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Ngay tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan kiên quyết xử lý tình trạng "ki ốt công sở".
Ngày 22/8/2014, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3103/UBND-CN về việc dỡ bỏ các nhà xây dựng trái phép hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê xây dựng công trình làm dịch vụ trái phép thuộc khuôn viên cơ quan Nhà nước, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Theo đó, các cơ quan, đơn vị Nhà nước đang cho thuê nhà, đất để làm dịch vụ trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị phải tiến hành ngay việc dỡ bỏ các nhà xây dựng trái phép hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê xây dựng công trình làm dịch vụ để khôi phục, quản lý và sử dụng đúng mục đích quỹ đất được giao trước ngày 15/10/2014. Đến ngày 1/10/2014, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 3714/UBND-CN về việc khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 3103.
Văn bản mới cũng tiếp tục nêu tên hàng chục cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, doanh nghiệp có vốn Nhà nước… vi phạm quy định. Đồng thời giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị; chủ động xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo thẩm quyền, tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm (hoặc cưỡng chế) những trường hợp cố tình trây ỳ, kéo dài, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh.
Xóa bỏ các "ki ốt công sở" hiện đang gặp vướng, đến thời điểm này hầu hết các cơ quan Nhà nước có mặt bằng cho thuê đều chưa thể thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. (Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh - đơn vị chủ trì thực hiện cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề này, Sở đã chủ trì, lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra hiện trạng của tất cả các đơn vị đã nêu trong danh sách; đồng thời kiểm tra toàn bộ hiện trạng sử dụng đất, công sở của toàn bộ 10 địa phương trên địa bàn toàn tỉnh và đang tổng hợp để báo cáo cấp trên. Về quan điểm thực hiện thì hầu hết, các đơn vị chủ quản và tổ chức, cá nhân thuê đất, thuê ki ốt đều nhất trí thực hiện chỉ đạo của chính quyền tỉnh. Sở cũng đã yêu cầu các cơ quan chủ quản phải thu hồi, chấm dứt việc kinh doanh, trả lại nguyên trạng. Hiện tại, các cơ quan, đơn vị này đã ký cam kết, chấp nhận chịu các biện pháp xử lý theo quy định nếu không thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình các đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề khó khăn trong công tác giải quyết. Cụ thể đó là: hầu hết cơ quan, đơn vị chủ quản và người đi thuê đã ký kết các hợp đồng ít nhất là 6 tháng, nhiều nhất lên đến gần 10 năm;các tổ chức, cá nhân thuê đất đã đầu tư, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng khá kiên cố, đầu tư lắp đặt thiết bị kinh doanh với số vốn rất lớn, nên việc di chuyển cơ sở kinh doanh mất khá nhiều thời gian và kinh phí… nên kiến nghị tỉnh gia hạn thêm để đủ thời gian di dời, tìm địa điểm kinh doanh mới.
Điển hình như Tỉnh đoàn Điện Biên đã phải có công văn gửi UBND tỉnh về việc xin gia hạn việc dỡ bỏ các nhà xây dựng trái phép hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê xây dựng công trình làm dịch vụ trái phép thuộc khuôn viên cơ quan. Được biết, hiện đơn vị đang cho một tổ chức thuê 240m2 đất trong khuôn viên Nhà thiếu nhi tỉnh để xây dựng Trường mầm non tư thục Rainbow, song do nhiều vấn đề liên quan nên không thể dỡ bỏ ngay theo yêu cầu của UBND tỉnh mà xin gia hạn đến hết tháng 5/2015, thời điểm kết thúc năm học 2014 - 2015. Ông Vừa A Bằng, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên, cho biết: Đây là 1 hợp đồng có thời hạn rất dài (do người lãnh đạo đơn vị nhiệm kỳ trước ký kết). Trong khi đó, hiện nay đã bước vào năm học mới khá lâu, trường đang có tới gần 100 cháu theo học ổn định và nề nếp, trong khi các trường công lập trên địa bàn đã xét đủ chỉ tiêu học sinh, không thể nhận thêm những học sinh này. Mặt khác, mọi khoản chi phí đầu tư của nhà trường và phụ huynh đã thực hiện, hợp đồng giáo viên dài hạn cũng đã triển khai… nếu phải đóng cửa trường, dù chỉ trong thời gian đi tìm địa điểm mới sẽ gây khó khăn rất lớn.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, chỉ nói riêng dọc trục đường Võ Nguyên Giáp có thể thấy rất nhiều những "ki ốt công sở" đang hoạt động, với đa dạng các ngành nghề kinh doanh, như: vật liệu xây dựng, điện máy, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc, giải khát... Trên thực tế thì hiện trạng này là trái với quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng được giao; đồng thời cũng gây mất mỹ quan đô thị. Ông Nguyễn Thành Phong, cho biết thêm: Sau khi có kết quả báo cáo của các đoàn kiểm tra liên ngành, đơn vị chủ trì sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có hướng giải quyết triệt để. Tuy vậy, cũng cần chú ý tới ý kiến, kiến nghị của các đơn vị chủ quản, các tổ chức, cá nhân thuê đất, thuê nhà để giải quyết một cách hợp lý theo đúng quy định.
Dương Huyền