Ô nhiễm nguồn nước nguy cơ cần kiểm soát

Thứ Tư, 22/10/2014, 10:34 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cùng với sự gia tăng của dân số và sự phát triển của các ngành công nghiệp, môi trường tự nhiên đang chịu những tác động xấu từ con người. Thói quen xả thải ra môi trường, đã khiến con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong tương lai, và trước mắt là phải chịu đựng trong bế tắc. Đó là thực trạng về môi trường trên lưu vực sông Nậm Rốm, Nậm Núa hiện nay.
                      
Rác thải sinh hoạt, nước thải từ các khu chăn nuôi, từ các xưởng chế biến nông sản và các nhà máy công nghiệp, luôn là nguy cơ đe dọa ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông. Thực tế tại các đô thị lớn, các khu công nghiệp và các làng nghề ở nước ta hiện nay, nước thải, khí thải và chất thải rắn, đã trở thành tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm nguồn nước có thể gây hại cho con người và hệ sinh thái tự nhiên trên các sông, suối. Nước ô nhiễm thường là khó khắc phục và phải phòng tránh từ đầu. Tuy là một tỉnh miền núi chưa bị tác động nhiều bởi quá trình đô thị hóa, nhưng ô nhiễm nguồn nước vẫn luôn là vấn đề đáng cảnh báo ở tỉnh ta hiện nay.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm cục bộ, đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân sống trên lưu vực Sông Nậm Rốm và Nậm Núa. Vào mùa khai thác, chế biến dong riềng, hàng chục cơ sở chế biến bột dong tại các xã Mường Phăng, Nà Nhạn, Nà Tấu, đua nhau xả thải, khiến nước tại các sông, suối chuyển màu và mặt sông nổi váng. Chỉ những người ngày ngày phải làm việc trên sông và vớt rác thải mới thấu hiểu được nỗi khổ ải do thứ nước thải này gây nên.

Anh Trần Cao Đạo, công nhân Nhà máy thủy điện Nà Lơi - người thường xuyên phải làm công việc vớt rác bị ứ đọng tại khu vực đập đầu mối của nhà máy, cho biết: Vào mùa người dân chế biến dong riềng, bã thải không được xử lý mà thải trực tiếp ra sông rồi đổ về ứ đọng tại chân đập, do đó chúng tôi phải thường xuyên vớt lên để tránh tình trạng rác thải thâm nhập vào hệ thống làm mát của nhà máy gây tắc lại phải tháo máy móc ra vệ sinh. Rác thải ứ đọng tại đây nhiều cũng khiến môi trường bị ảnh hưởng, gây mùi hôi thối khi thời tiết nắng nóng, những người làm công việc vớt rác như chúng tôi cảm thấy rất khó chịu.

v
Hồ thủy lợi bản Nôm luôn trong tình trạng ngập ngụa các loại rác thải.


Không chỉ ô nhiễm sông, suối vào mùa dong riềng, dòng Nậm Rốm còn bị đe dọa bởi nguy cơ ô nhiễm rác thải sinh hoạt. Ô nhiễm có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở suốt các điểm có dân cư đông đúc nơi dòng sông chảy qua.

Chảy qua thành phố, sông Nậm Rốm bị dân cư sống dọc hai bên ven bờ góp thêm rác vào dòng chảy. Cống nước thải tại chợ Mường Thanh đang ngày ngày xả nước thải trực tiếp ra sông. Cùng với rất nhiều chất thải cứng khó phân hủy như: túi nilon, chai lọ nhựa... cư dân thành phố và các làng mạc ở hai bên ven sông, còn đổ xuống dòng nước cả xác động vật chết. Dòng nước lặng lẽ mang chúng đi, đến những khúc quanh thì dạt vào thành điểm ô nhiễm cục bộ. Hay như kênh Nậm Rốm - nơi dòng nước ô nhiễm từ phía Nà Nhạn, Nà Tấu chảy về, được ngăn lại để đưa vào đồng ruộng. Mỗi nơi dòng nước đi qua, người ta lại góp thêm vào không biết cơ man nào là rác: rác đổ thẳng xuống kênh, rác rơi vãi trên bờ để chờ dịp được dòng nước cuốn trôi. Những túi rác nhỏ trôi theo dòng nước về cuối nguồn, còn những bao rác lớn thì ứ lại tại những đoạn kênh hẹp.

Hồ bản Nôm (xã Noong Luống, huyện Điện Biên) nằm cuối kênh đại thủy nông Nậm Rốm lâu nay ngập ngụa trong rác. Hầu như toàn bộ rác thải từ kênh Nậm Rốm trôi xuống đều đổ về đây. Rác thải sinh hoạt, xác động vật chết trôi nổi được vớt lên bờ hồ bốc mùi xú uế. Người dân bản Nôm phải chịu đựng nguồn ô nhiễm này đã nhiều năm nay mà không biết xử lý bằng cách nào.

Ông Lò Văn Chựa, người dân bản Nôm, bức xúc: Do nằm cuối kênh nên hồ bản Nôm giống như một bãi rác, mỗi một ngày không biết cơ man đủ loại rác thải theo dòng nước đổ về đây. Tình trạng này đã tồn tại từ rất lâu, dân quanh vùng rất bức xúc khi vấn đề ô nhiễm môi trường sống ngày một trầm trọng. Vào mùa dịch bệnh, xác các loại gia súc và đặc biệt là gia cầm chết dồn về đây rất nhiều, không chỉ gây mùi hôi thối mà còn là nguyên nhân phát tán dịch bệnh khiến việc chăn nuôi của người dân bị ảnh hưởng theo.

v
Hoạt động chế biến các loại nông sản không theo quy trình khép kín, bã thải được thải trực tiếp ra sông, suối là một trong nhiều nguyên nhân khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề (Trong ảnh: Chế biến củ dong riêng tại xã Nà Tấu).


Rác thải sinh hoạt, nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp đổ thẳng ra sông ngòi, kênh rạch, không ngưng tụ tại một điểm cố định, mà được hòa vào nguồn nước, mang từ đầu nguồn xuống cuối nguồn. Thường thì phía cuối nguồn luôn là nơi rác thải tích tụ. Nếu không có biện pháp xử lý, khối lượng rác thải ở các điểm tích tụ rác tự nhiên này sẽ ngày càng nhiều lên và gây ô nhiễm cục bộ cho một khu vực.

Để đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước mặt nói riêng, hàng năm, cơ quan chuyên môn của tỉnh, mà trực tiếp là Chi cục Bảo vệ môi trường (trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường), vẫn thường tổ chức 2 đợt quan trắc về ô nhiễm môi trường. Trong các quan trắc về ô nhiễm nguồn nước mặt thì các chỉ số DO, BOD và COD là những chỉ số thể hiện rõ nhất tình trạng ô nhiễm. DO là lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật nước. Khi nồng độ DO thấp, các loài sinh vật nước giảm hoạt động hoặc bị chết. BOD là lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hoá các chất hữu cơ, có ý nghĩa biểu thị lượng các chất thải hữu cơ trong nước có thể bị phân huỷ bằng các vi sinh vật. Còn COD là lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ. Khi lượng chất thải trong nước lớn, lượng oxy sử dụng cho các phản ứng oxy hoá học và oxy sinh học cao, sẽ làm giảm nồng độ DO của nước. Điều này có hại cho sinh vật sống trong nước và hệ sinh thái nước nói chung.

Theo kết quả quan trắc môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh ta 3 năm gần đây, do Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cung cấp, chỉ số DO, tức lượng oxy hoà tan trong nước, cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật nước tại các khu vực: Sông Nậm Rốm, Nậm Núa, hồ Huổi Phạ, hồ Pa Khoang, suối Tuần Giáo và lưu vực sông Mã những năm gần đây có chiều hướng suy giảm; còn chỉ số BOD và COD, tức lượng oxy sử dụng cho các phản ứng oxy hoá học và oxy sinh học, thì ngày càng tăng cao. Điều này cho thấy chất lượng nguồn nước mặt tại các điểm quan trắc trên đang ngày càng xuống cấp. Tuy nhiên, hiện nay ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh ta đang còn ở mức độ thấp: ô nhiễm cục bộ tại từng điểm, hoặc ô nhiễm cục bộ theo mùa. Có lẽ vì vậy mà việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nước nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung, vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Vì không chú ý tới bảo vệ môi trường mà cư dân sống ở các thành phố công nghiệp đang phải đối mặt với ô nhiễm khó khắc phục. Thiếu nước sạch cho sinh hoạt, thiếu nước cho sản xuất và các mối đe dọa về sức khỏe, đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ nguồn nước nói riêng, là việc làm cấp bách. Xử lý rác thải, nước thải trong sản xuất công nghiệp trước khi xả thải ra môi trường; xây dựng các nhà máy xử lý rác thải ở các địa phương; thực hiện nghiêm Luật bảo vệ môi trường, đưa luật này vào quy ước, hương ước của cộng đồng, đó là những cách chúng ta có thể làm để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, trước khi môi trường nơi ta sống trở thành nguồn ô nhiễm đe dọa đến cuộc sống lâu dài.
    
 

Minh Giang – Huy Long

.