Ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng cao
Điện Biên TV - Biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những thách thức lớn của thế kỷ XXI, biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt của đời sống - xã hội, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Biến đổi khí hậu làm suy giảm năng suất và sản lượng lương thực, mất đất nông nghiệp, tác động đến chăn nuôi, làm thay đổi ranh giới phân bố của các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Ảnh hưởng từ quá trình biến đổi khí hậu những năm qua đã gây tác động không mong muốn trong sản xuất trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới.
Theo các tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, thường sau khi rừng bị khai phá, trong 3 năm đầu dòng chảy tăng lên. Vì vậy, những vùng đất trống đồi núi trọc, đất dốc có nguy cơ rất lớn thoái hóa nhanh do bị dòng chảy rửa trôi. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất khi sử dụng đất dốc. Thực tế việc sử dụng đất trên địa bàn huyện Nậm Pồ cũng cho thấy, quá trình rửa trôi, xói mòn từ các sườn núi dốc vào mùa mưa theo như tính toán của các nhà chuyên môn thì mỗi năm diện tích sản xuất bị bóc đi hàng trăm tấn lớp đất màu/ha, làm tầng đất mặt mỏng dần, nghèo kiệt dinh dưỡng và rồi dẫn đến không còn khả năng canh tác.
Cho đến nay, diện tích đất đồi núi trọc trên địa bàn huyện Nậm Pồ rất lớn, với hàng nghìn ha. Đây là nguyên nhân hạn chế năng xuất, sản lượng trong nông, lâm nghiệp cũng như ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vào mùa mưa, ở những vùng đất dốc đã bị khai phá rừng, canh tác lâu năm thường có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống.
Tháng 7 năm 2014, nhân dân xã Nà Hỳ chứng kiến trận lũ lịch sử, theo anh Lường Văn Chung, Trưởng bản Nà Hỳ 1 cho biết: Đây là trận lũ lớn nhất mà anh được biết trong hơn 30 năm qua, nước từ những khe suối đổ về gây ngập lụt hàng chục ha hoa màu, nhà cửa của nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng các hạng mục công trình đầu tư của nhà nước như: công trình điện lưới quốc gia, hệ thống cầu, cống... Người dân ở vùng biên giới Nà Hỳ không thể nghĩ có ngày ngập lụt lại xảy ra với một địa bàn vùng cao, những thiệt hại do lũ gây ra vẫn khiến nhiều người dân bàng hoàng, lo lắng.
![]() |
Hơn 30 năm người dân Nậm Pồ mới lại phải chứng kiến và trải qua một trận mưa lũ lớn như hồi tháng 7/2014 (Trong ảnh: Công trình kè suối Nà Khoa, ngầm đường bộ, hệ thống thủy lợi được đầu tư kiên cố hàng chục tỷ đồng bị lũ phá hỏng). |
Huyện Nậm Pồ có tổng diện tích tự nhiên gần 1.500km2, chủ yếu là đồi núi dốc có độ cao trung bình từ 500 đến hơn 1000m so với mực nước biển, xen kẽ là những thung lũng bằng phẳng với độ dốc trung bình từ 15 đến 30 độ. Với điều kiện địa hình như vậy đã tạo cho huyện có những điều kiện thuận lợi phát triển một số cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, đậu tương và một số cây công nghiệp lâu năm như cà phê... Tuy nhiên, toàn bộ diện tích đất sản xuất của huyện đều nằm trên địa hình cao nên việc sử dụng đất ở đây cũng gặp nhiều trở ngại, dễ bị rửa trôi, xói mòn, suy thoái đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây do ảnh hưởng của mưa lũ gây rửa trôi xói mòn trên vùng đồi núi và ngập úng ở vùng thấp trũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều hoạt động sản xuất của con người dẫn đến làm thoái hóa đất như tình trạng chặt, đốt rừng làm nương, trồng cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc theo phương pháp bản địa là làm sạch đất, chọc lỗ bỏ hạt, không có biện pháp chống rửa trôi xói mòn đất vào mùa mưa và giữ ẩm đất vào mùa khô, không bón phân trả lại chất hữu cơ cho đất được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chỉ sau vài ba năm canh tác, đất bị thoái hóa không còn khả năng sản xuất do đất không còn chất dinh dưỡng. Theo số liệu thống kê huyện Nậm Pồ có trên 1700ha diện tích đất trồng lúa thì chỉ có 360ha diện tích trồng lúa được 2 vụ còn lại bị bỏ hoang do thiếu nước tưới.
Nhiệt độ tăng cùng với biến động về các yếu tố khí hậu và thời tiết khác đã làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển bùng phát.
![]() |
Canh tác theo phương pháp truyền thống, không bù đắp dinh dưỡng cho đất khiến đất đai ngày một cằn cỗi, cây trồng không phát triển (Ảnh minh họa). |
Để giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, mặc dù mới được thành lập, song các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng huyện Nậm Pồ đã quan tâm và triển khai những giải pháp phù hợp nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp trên đất dốc như: nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một rõ nét và phức tạp, các vùng đất dốc thời gian tới chắc chắn sẽ phải chịu thêm nhiều tác động bất lợi với các hiện tượng tiêu cực như: mưa lũ, xói mòn, sụt lở đất trên các triền đất dốc vào mùa mưa; hạn khô, thoái hóa đất, hoang mạc hóa... tất cả những nguy cơ này đã và đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Những hiện tượng tiêu cực đó cần được ngăn chặn bằng những chương trình đầu tư lớn, cụ thể và quyết liệt. Bởi lẽ, bài học về hiệu quả trồng rừng đến nay vẫn đang hiện hữu. Khi các khu rừng trồng mới chưa kịp lớn, các khu rừng nguyên sinh bị tàn phá với tốc độ nhanh hơn trồng mới thì những thiệt hại mà thiên tai đem đến cho con người ngày càng khốc liệt hơn và huyện Nập Pồ cũng không nằm ngoài thực trạng này.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhằm bảo đảm an ninh lương thực ở khu vực miền núi, ổn định và tăng mức thu nhập, tăng tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, mọi hoạt động sản xuất phải tập trung vào chuyển đổi cơ cấu và đa dạng cây trồng để tăng tối đa hiệu quả sử dụng đất; bảo vệ và cải thiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát triển hài hoà giữa trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp, trong đó có nội dung canh tác nông, lâm nghiệp trên đất dốc. Theo các nhà khoa học, đối với vùng đất dốc, sản xuất nông, lâm kết hợp là biện pháp canh tác tối ưu để sản xuất bền vững. Để bảo vệ môi trường và góp phần chống biến đổi khí hậu, những năm gần đây Nhà nước cũng đã có các chính sách đầu tư cho phát triển lâm nghiệp bền vững như: Nghị định 99 về chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong các giải pháp quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường, tăng nguồn thu nhập cho người dân. Song để phòng chống có hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu, các địa phương cũng cần có chính sách đầu tư khoa học, khuyến khích luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đưa các loài cây có tính chịu hạn lên vùng đất dốc để tăng thu nhập, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng, định canh định cư, mở rộng các vùng cây công nghiệp và có các chính sách ưu việt giúp nhân dân thực hiện tốt việc bảo vệ phát triển rừng bền vững.
Trần Sơn – Anh Tuấn