Điều trị thay thế bằng Methadone lợi ích và yêu cầu xã hội hóa

Thứ Hai, 22/09/2014, 09:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai tại tỉnh Điện Biên từ năm 2011. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 cơ sở điều trị tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà và Thành phố Điện Biên Phủ, với trên 1.300 bệnh nhân. Sau 4 năm thực hiện, chương trình đã đem lại những hiệu quả xã hội thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay số cơ sở điều trị Methadone trên toàn tỉnh còn ít, việc điều trị Methadone đối với người bệnh còn chưa thuận lợi. Lợi ích của chương trình điều trị bằng Methadone và những khó khăn hiện tại đang đặt ra yêu cầu xã hội hóa chương trình này. 

v
Hàng ngày, cơ sở điều trị Methadone huyện Tuần Giáo có gần 300 bệnh nhân đến uống thuốc

Methadone – một chất dạng thuốc phiện tổng hợp, được dùng bằng đường uống, có cấu trúc khác, nhưng có tác dụng dược lý tương tự như các chất dạng thuốc phiện tự nhiên, có liên quan với morphine. Là loại thuốc không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm cho người sử dụng, Methadone đã được dùng làm thuốc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Methadone được đưa vào điều trị thử nghiệm từ năm 2008, đến nay đã có 32 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai điều trị thay thế bằng loại thuốc này. Không thể phủ nhận lợi ích mà Methadone mang lại trong điều trị thay thế cho người nghiện, tuy nhiên đây không phải là loại thuốc có thể cai nghiện. Vì vậy, khi sử dụng loại thuốc này, người nghiện vẫn lệ thuộc vào thuốc và có thể lệ thuộc suốt đời. Vậy lợi ích thực sự của việc điều trị thay thế bằng Methadone là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tìm gặp một số bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở điều trị Methadone huyện Tuần Giáo.    

Tại huyện Tuần Giáo, cơ sở điều trị Methadone được đặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Hàng ngày có gần 300 bệnh nhân đến đây uống thuốc. Methadone được phân phối dưới dạng sirô để uống mỗi ngày. Sau khi điều trị, người bệnh có thể trở về nhà và làm những công việc thường ngày. Bởi không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, loại thuốc này có thể giúp người nghiện sinh hoạt bình thường sau khi sử dụng. Methadone có tác dụng đối với cơ thể lâu hơn hêrôin, đặc biệt là không tăng liều. Vì vậy, dùng Methadone cũng giúp người nghiện ổn định cơn nghiện, không lo tìm kiếm hêrôin cho nhu cầu ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian và đảm bảo sức khỏe.

Hầu như hàng tháng cơ sở điều trị Methadone huyện Tuần Giáo đều tiếp nhận thêm bệnh nhân. Tháng 8 vừa qua, cơ sở này tiếp nhận thêm 9 bệnh nhân mới. Hầu hết những người đến uống thuốc ở đây đều hài lòng khi dùng Methadone thay thế các loại ma túy họ từng sử dụng. Chi phí để đáp ứng nhu cầu sử dụng ma túy của người nghiện ngày càng tăng, khiến hầu hết các gia đình của người bệnh, cũng như bản thân họ không thể đáp ứng nổi. Hơn nữa việc sử dụng ma túy qua đường tiêm chích, cũng là nguyên nhân chính khiến người nghiện và người thân của họ, dễ bị lây nhiễm các loại bệnh xã hội, đặc biệt là HIV/AIDS. Sự bình yên của nhiều gia đình bị đe dọa, an ninh trật tự ở địa phương bị xáo trộn, các loại bệnh xã hội gia tăng, là thực trạng khiến cho việc điều trị thay thế Methadone trở nên cần thiết. Nhận thức được các nguy cơ kề cận, nhiều bệnh nhân đã tự tìm đến cơ sở điều trị Methadone để được uống thuốc mỗi ngày.

Được nhóm đồng đẳng giới thiệu và được gia đình động viên, anh Lò Văn Ngáu ở khối Huổi Củ, thị trấn Tuần Giáo cũng tìm đến cơ sở điều trị Methadone tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Vì chưa quen với thuốc nên những ngày đầu uống Methadone, cơ thể anh có triệu chứng phản ứng với thuốc. Được bác sỹ tư vấn và thay đổi liều lượng thuốc, hiện tình trạng sức khỏe của anh đang tốt dần lên. Anh và vợ của anh còn tình nguyện làm cộng tác viên cho chương trình điều trị Methadone. Sức khỏe được cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, vợ chồng anh hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu giúp anh có thể cai nghiện ma túy. Anh Lò Văn Ngáu, khối Huổi Củ, thị trấn Tuần Giáo chia sẻ: "Trước kia, tôi dùng thuốc phiện, sau đó chuyển sang hêrôin, thấy có hại cho sức khỏe, có hại cho cộng đồng mới đăng ký dùng Methadone. Từ ngày dùng Methadone thì thấy sức khỏe tốt hơn, có thể làm việc giúp vợ con được."

x
Theo Đề án xã hội hóa chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone thì trong giai đoạn 2014 – 2015, người bệnh sẽ phải trả 7.500đồng/người/ngày để uống Methadone

Với lợi ích: Làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm số người sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm tội phạm, giảm tử vong do nguyên nhân sử dụng hêrôin gây ra và giúp người bệnh có cơ hội hòa nhập cộng đồng, việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho thấy hiệu quả xã hội rõ rệt. Chương trình này vì vậy đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng. Tuy nhiên, xét cho đến cùng thì việc dùng Methadone điều trị cho người nghiện ma túy mới chỉ là biện pháp can thiệp giảm hại, giúp người nghiện bảo vệ sức khỏe. Vì vậy, có thể tiến tới cai nghiện Methadone là điều tốt nhất.

Anh Quàng Văn Tài ở bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo từng sử dụng ma túy được khoảng 4 năm. Sau khi tham gia nhóm đồng đẳng ở địa phương, anh được biết về phương pháp điều trị thay thế bằng Methadone và  đăng ký tham gia điều trị. Methadone đã giúp anh Tài cải thiện được tình trạng sức khỏe, khôi phục kinh tế gia đình. Tuy nhiên, nhận thức được Methadone là chất nghiện thay thế, anh vẫn mong muốn có thể cai nghiện Methadone, bởi nếu không cai được Methadone, anh vẫn phải lệ thuộc vào thuốc suốt đời. "So với dùng hêrôin thì dùng Methadone tốt hơn nhiều, Methadone chỉ sử dụng một ngày một lần, có thể cắt cơn từ 24 đến 42 giờ, còn hêrôin thì phải sử dụng liên tục… Tôi mong muốn nhất là các cơ quan có chính sách để chúng tôi cai được Methadone. Nếu không cai được hoặc xã hội hóa thì chúng tôi cũng bắt buộc phải theo đuổi Methadone cả đời." - anh Quàng Văn Tài nói.

Theo đuổi Methadone cả đời, đó không chỉ là vấn đề của riêng anh Quàng Văn Tài. Vì bắt buộc phải uống thuốc tại cơ sở điều trị nên rất nhiều bệnh nhân đang uống Methadone ở huyện Tuần Giáo, hàng ngày phải đi từ 20 đến 30km đến cơ sở điều trị để uống thuốc. Họ còn phải kiên trì như vậy cho đến khi có thể giảm liều và không còn dùng ma túy. Tuy nhiên, cho đến nay, số trường hợp được giảm liều rất hãn hữu và cũng chưa có bệnh nhân nào cai được Methadone. Chính điều này khiến người bệnh không đủ kiên trì đã tự ý ra khỏi chương trình. Tại cơ sở điều trị Methadone huyện Tuần Giáo từ năm 2011 đến nay, lũy tích có gần 380 bệnh nhân đăng ký điều trị, nhưng cũng đã có trên 130 người tự ý ra khỏi chương trình. Đây là khó khăn trong công tác điều trị thay thế bằng Methadone tại cơ sở này. Bác sỹ Trịnh Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tuần Giáo cho biết: "Một trong những rào cản trong việc thực hành điều trị Methadone là địa bàn Tuần Giáo đi lại khó khăn, người uống Methadone phải đi lại hàng ngày. Người uống Methadone cũng là những người không có công ăn việc làm ổn định, họ phải bươn trải để kiếm sống, không thể đến hàng ngày được."

Hiện nay, chi phí điều trị thay thế cai nghiện bằng Methadone ở nước ta đang được PEPFAR, một chương trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Điều phối AIDS toàn cầu tài trợ. Được biết, chương trình này sẽ kết thúc vào năm 2016. Khi không còn được PEPFAR hỗ trợ, kinh phí cho điều trị Methadone sẽ rất hạn chế, trong khi số cơ sở điều trị Methadone hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh trên toàn tỉnh. Thực tế này đang gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị Methadone.

Với những lợi ích và khó khăn thực tế của chương trình điều trị thay thế cai nghiện bằng Methadone, việc tiến tới xã hội hóa chương trình này là điều cần thiết. Theo Đề án xã hội hóa chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, được trình bày tại hội thảo cấp tỉnh, tổ chức vào trung tuần tháng 6/2014, tới đây tỉnh ta sẽ mở thêm một số cơ sở điều trị Methadone nhằm đáp ứng rộng rãi hơn nữa nhu cầu của người bệnh. Trong giai đoạn 2014 – 2015, người bệnh sẽ phải trả 7.500đồng/người/ngày để uống Methadone, sang năm 2016 số tiền họ phải chi trả là 16.500đồng/người/ngày. So với chi phí sử dụng hêrôin, mỗi ngày ít nhất 200.000đồng, thì chi phí cho Methadone rẻ hơn rất nhiều. Mức kinh phí như trên được đánh giá là phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh ta. Có thể nói, ủng hộ cho chương trình xã hội hóa Methadone tới đây, cũng có nghĩa là giúp cho lợi ích của chương trình điều trị được duy trì./.

 

Minh Giang – Huy Long
 

.