Day dứt bản nhiều "không"...
Điện Biên TV - Đường từ trung tâm xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo) đi Huổi Nôm chưa đầy 20km nhưng phải mất gần nửa ngày trời “cưỡi” trên “con ngựa sắt” chúng tôi mới có mặt tại bản. Huổi Nôm nằm lưng chừng núi, gần như biệt lập với bên ngoài, nhất là vào mùa mưa lũ. Đời sống của người dân nơi đây đứng trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, thậm chí có người gọi Huổi Nôm là bản nhiều “không”...
Cái khó bó cái nghèo
Biết chúng tôi có ý định đi Huổi Nôm, ông Lò Văn Tướng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Khong nhắc nhở: Đường vào bản Huổi Nôm khó đi vào loại nhất nhì của xã, nếu chịu được khổ, được khó thì hãy đi. Đó cũng chính là lý do mà chúng tôi phải mất gần nửa ngày trời mới đến được bản. Câu nói của ông Tướng làm sự háo hức của tôi khựng lại trong chốc lát. Nhưng, với mong muốn tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân Huổi Nôm, thôi thúc chúng tôi xách ba lô lên đường đi tiếp. Cơn mưa bất chợt ập xuống khiến quãng đường đất trở nên trơn trượt, lầy lội như thử thách người đi. Nhìn đôi tay gân đỏ vì phải ghìm xe liên tục của anh bạn đồng nghiệp mỗi khi xe băng qua những khe suối hay những con dốc dựng đứng, mới thấm thía sự vất vả của bà con nơi vùng đất rẻo cao này. Sau gần nửa ngày vật lộn với đường trường, cuối cùng bản Huổi Nôm cũng hiện ra trước mắt chúng tôi trong cảnh hoang sơ. Hình ảnh những ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo trong buổi chiều tà cùng những đứa trẻ tóc tai, quần áo lấm lem bùn đất làm không khí bản càng trở nên âm u và ảm đạm hơn.
Bản Huổi Nôm có 40 hộ dân với gần 300 nhân khẩu dân tộc Mông, chia làm 3 nhóm dân cư sinh sống trên 3 sườn núi, mỗi nhóm dân cư cách nhau gần 5km. Một Huổi Nôm nghèo nàn với rất nhiều “không” như: không điện, không đường, không nước sạch, không chợ... Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất trên nương nên hầu hết những nhu cầu thiết yếu là tự cung tự cấp. Vẫn mùa nào thức ấy, ngày 2 buổi người dân vào rừng bẻ măng, hái rau, nhặt nấm sống qua ngày. Anh Lý A Lâu, Trưởng bản Huổi Nôm cho biết: Cả bản có hơn 70% hộ nghèo, gần 300 nhân khẩu nhưng chỉ có 5 chiếc xe máy thuộc loại “cà tàng” để vượt rừng, lội suối. Theo trưởng bản Lý A Lâu thì Huổi Nôm còn lạc hậu nhiều so với bên ngoài. Có lẽ sự “văn minh” duy nhất của Huổi Nôm đó chính là điểm trường mầm non do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Mà gọi là “văn minh” thôi chứ thực chất điểm trường này cũng chẳng khác là bao so với những ngôi nhà xiêu vẹo của người dân trong bản.
Điểm trường mầm non, nơi được xem là “văn minh” nhất bản Huổi Nôm. |
Bản Huổi Nôm sống chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, chăn nuôi, thế nhưng, cả bản chỉ có 2,2ha lúa nước, 40 con trâu bò, chưa đến 400 con gia cầm... Chăn nuôi không phát triển bởi tập quán chăn thả rông, không tiêm phòng dịch bệnh. Những dự án của Nhà nước đầu tư về bản như: bể nước sạch, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hầu như không đem lại hiệu quả; một phần vì bản nằm lưng chừng núi, một phần do trình độ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế. Cũng vì thế mà sản phẩm người dân làm ra muốn mang bán hoặc khi muốn mua đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đều phải oằn mình gùi hàng cả ngày đi bộ mới xuống được trung tâm xã. Tính ra trong năm cứ nửa năm làm ra sản phẩm, còn là thời gian đem đi bán. Theo kết quả điều tra mức sống ở Huổi Nôm, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/năm - con số khá khiêm tốn.
Bên cạnh đó, việc sinh đẻ không kế hoạch cũng một phần khiến cho nghèo đói đeo bám người dân Huổi Nôm. Tính trung bình, mỗi gia đình trong bản có ít nhất 7 người. Thậm chí, có gia đình có đến 12 đứa con như gia đình anh: Lý A Câu, Lý A Dủa... Ngay như nhà anh Lý A Lâu - Trưởng bản cũng có đến 5 đứa con, đứa nào cũng nhỏ, trong khi cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào 1.500m2 đất trồng ngô, 1.000m2 lúa, nếu mất mùa thì chỉ có sắn ăn với rau rừng. Trưởng bản Lý A Lâu nhẩm tính: Trong tổng số gần 300 nhân khẩu thì chỉ có khoảng 90 người trong độ tuổi lao động, còn lại là người già, trẻ em, do đó ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế gia đình. Và do điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại cách trở nên hầu hết số trẻ em ở bản chỉ học xong mẫu giáo rồi... ở nhà.
65 mùa xuân... một ước mơ
Tận mắt chứng kiến cuộc sống thiếu thốn trăm bề của người dân nơi đây nên tôi tỉ mỉ hỏi mong muốn của người dân. Nhận được câu trả lời của một người đàn ông có tuổi trong số nhiều người tập trung tại nhà trưởng bản: Mong muốn thì nhiều lắm, nhưng thứ bà con cần nhất là có con đường để đi và điện thắp sáng để chúng tôi bớt khổ. Hỏi ra mới biết, đó là ông Lý A Vừ, năm nay đã 65 tuổi. Gia đình ông Vừ có 7 người con, nhưng chẳng ai được học hành, ngày ngày chỉ biết “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng đói nghèo vẫn đeo bám nên giờ ông chỉ mong ước sao cho thế hệ tương lai có một cuộc sống khá hơn.
Muốn vào được bản Huổi Nôm phải qua 3 con suối thế này. |
Cũng như ông Lý A Vừ, cô Ngô Thị Hương, giáo viên điểm Trường Mầm non Huổi Nôm nặng trĩu ưu phiền về cuộc sống mà người dân Huổi Nôm đang ngày ngày phải đối mặt. Là người miền xuôi nhưng gắn bó với học trò Huổi Nôm đã bao nhiêu năm nên cô thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Đường sá cách trở, bản thân cô Hương cả năm cũng chẳng về quê.
Ông Lò Văn Tướng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Khong cho biết: “Huổi Nôm là một trong hai bản khó khăn nhất của xã. Đã nhiều lần người dân bản kiến nghị Nhà nước mở đường, làm cầu tạm bắc qua 3 con suối vào bản... nhưng giờ thì kiến nghị vẫn còn nằm trên... giấy. Mong sao chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện đầu tư làm con đường, có điện lưới để bà con bớt khổ”.
Một con đường và dòng điện thắp sáng ở Huổi Nôm là niềm mong mỏi của tất cả người già đến trẻ nhỏ. Ước mơ tưởng chừng không quá khó khăn, nhưng để trở thành hiện thực thì có lẽ là cả chặng đường dài phía trước.
Văn Tâm