Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đi theo "Đội hình thầm lặng"

Thứ Bảy, 03/05/2014, 16:57 [GMT+7]

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu với tinh thần và ý chí cao nhất để đi đến chiến thắng lịch sử.
 
Không phải ngẫu nhiên mà nhóm nhà báo phát thanh chúng tôi chọn đoàn cựu sỹ quan Nha Công an Trung ương cùng về nguồn, thăm lại Điên Biên. Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, một trong những người xây nền đắp móng cho ngành Công an, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh nhân dân làm trưởng đoàn, ngồi ghế đầu xe khách ba chục chỗ ngồi.

1
Tướng Quang Phòng, Đại tá Nguyễn Ngọc Khuê và bà Lê Thu cùng đoàn cựu sĩ quan Nha Công an Trung ương thăm lại Điện Biên Phủ.

 

Vào tuổi 88, nhưng bước đi của ông vẫn chắc, khỏe, mắt sáng, giọng hào sảng, đặc biệt là trí nhớ vẫn sâu đậm, minh mẫn. Hầu như ông chưa quên một tên đất, tên đồng đội nào trên đường ra trận năm xưa.

Đến thủy điện Hòa Bình, ông kể cho anh chị em sỹ quan công an từ thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Điện Biên nghe, nào là sông Đà, suối Rút, Chợ Bờ, con đường 41 quanh co, dốc Pha Đin khúc thì như chạy thẳng lên trời, đoạn thì như lao thẳng xuống vực sâu. “Đi giữa đồng bằng Nam Bộ mà nghe vậy đến phát khiếp luôn, nhưng đã đến đây thì trãi nghiệm, học hỏi, chớ bộ” - Đại tá Hữu Vinh, Cục phó Cục cảnh sát môi trường mới nghỉ hưu nói với chị em Nam Bộ mà như nói với chính mình.

1
Tướng Đờ Cát và Bộ tham mưu Pháp ra hàng (7/5/1954)

 

Đứng dưới chân tượng Bác Hồ trên đỉnh đập thủy điện Hòa Bình, tướng Quang Phòng chậm rãi: “Nếu nói đường về Điện Biên thì phải tính từ đây, nơi bộ đội và dân công hành quân ra mặt trận. Con đường 41 này, nay gọi là đường số 6 đã nghe, đã thấy hết cả chiến công và hy sinh mất mát, và có cả những kẻ hèn nhát làm gián điệp, tay sai cho giặc, hay quay đầu “dinh tê”.

Có lẽ lúc này trong đầu vị tướng già nhớ lại nhiều điều lắm, bề bộn mà cũng rành rọt lắm nên đến đâu ông cũng nói với các chiến sỹ, sỹ quan công an về “GCMA”

Câu chuyện bắt đầu từ trụ sở công an tỉnh Hòa Bình. Ông kể: “G.C.M.A là tên viết tắt bằng tiếng Pháp: Groupement De Commando Miktes Aéroportés, nghĩa là binh đoàn biệt kích hỗn hợp nhảy dù. Đây là một binh chủng tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh quân viễn chinh ở Đông Dương, trực thuộc cơ quan tình báo chiến lược Pháp. Lực lượng của chúng lúc cao điểm, trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ lên đến 15.000 tên. Địa bàn hoạt động tập trung của chúng là các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Nghĩa Lộ, Yên Bái, Hà Giang.

Chúng lôi kéo, cấu kết với bọn phản động, “tạo” “phìa” ở các địa phương tạo thành mạng lưới gián điệp biệt kích dày đặc. Chúng âm mưu thành lập “xứ Mường tự trị” “xứ Thái tự trị” “xứ Mèo tự trị” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Minh, phá rối hậu phương kháng chiến, đặc biệt là chia cắt, phá hoại các tuyến đường vận chuyển của ta cho mặt trận Điện Biên Phủ mà chú trọng là đường 41, nay là đường 6. Chỉ riêng Sơn La, tập trung trên tuyến đướng 6, con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, thuốc men, súng đạn từ khu 4, Thanh Hóa cho chiến trường Điện Biên Phủ quân số của GCMA có trên 3.500 tên.

Tướng Quang Phòng chậm rãi: “Chúng tôi vừa đối đầu với lực lượng chính quy của Pháp có trang bị hiện đại, tác chiến chuyên nghiệp vừa đánh nhau với bọn phỉ, gián điệp biệt kích là người Việt, người dân tộc thiểu số len lỏi sống trong dân, lừa dối, lôi kéo dân vào việc xấu nên gian nan vô cùng.” Các chiến sỹ công an ta phải cải trang, phải phân loại quần chúng, xây dựng lực lượng cốt lõi trung thành với Bác Hồ, với Chính phủ kháng chiến, phải kết hợp chặt chẽ với trinh sát ngoại tuyến.

Nói chuyện với các chiến sỹ trẻ công an Sơn La, vị tướng già Quang Phòng cười đôn hậu, giọng rỉ rả: “Hồi ở Nha Công an, chúng tôi cũng trẻ như các đồng chí bây giờ, nhưng đầu óc, ý chí thì phải già dặn lắm, phải đối đầu với bọn phỉ do tên Bạc Cầm Thủy cầm đầu. Bọn GCMA nhảy dù xuống Thuận Châu, kích động bọn tề, ngụy phản động ở Sốp Cộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai gây bạo loạn, đàn áp quần chúng, bắt thanh niên trai tráng theo phỉ, hình thành những cụm phỉ lớn trong vùng tam giác: Sơn La – Tuần Giáo – Điện Biên Phủ.

1
Tướng Quang Phòng và tác giá

 

Chúng dựng lên 3 khu biệt kích ở Thuận Châu, Co Tòng và Pa Lao khống chế cả một vùng rộng lớn cả nghìn cây số vuông. Nói vậy để các đồng chí thấy chiến sỹ an ninh của chúng ta hồi ấy phải làm việc khôn khéo như thế nào, chịu đựng gian khổ như thế nào và chiến đấu kiên cường như thế nào, hy sinh thầm lặng như thế nào… Thâm độc nhất của kẻ thù là khi chiến dịch Trần Đình, mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ mở ra, chúng dùng chiến thuật “đâm mũi dao găm vào sau lưng Việt Minh”. Sau khi có mật báo, GCMA bất ngờ cho quân nhảy dù xuống kho tàng, địa điểm hành  quân của bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến tập kích, bắn phá, gây rối. Có nghĩa là không để cho Việt Minh một ngày yên ả lên Điện Biên, làm chậm lại và hao mòn lực lượng chiến đấu cũng như hậu cần của ta. Như vậy, cũng có nghĩa là tăng cường sức mạnh cho chúng ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Lúc ấy, tướng Quang Phòng là trưởng phòng Nghiên cứu địch tình, thuộc Bộ Công an (tiền thân của lực lượng tình báo sau này). Ông nhớ như in cuộc họp quan trọng của các trưởng ty Công an vùng Tây Bắc. Tại đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ cho lực lượng an ninh trong chiến dịch Trần Đình là phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích phát động phong trào “phòng gian bảo mật”, chống GCMA, bảo vệ an toàn lực lượng chủ lực, dân công, tuyến đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường.

Những kỷ niệm khó quên

Có một nhiệm vụ cam go, quyết liệt, nhưng thầm lặng của chiến sỹ công an trong chiến dịch Điện Biên Phủ là bảo vệ dân công hỏa tuyến, đặc biệt là tuyến đường số 6. Một trong những chiến sỹ năm xưa ấy là Đại tá Nguyễn Ngọc Khuê, 82 tuổi.

Vượt chặng đường dài, lắm đèo dốc từ Điện Biên qua Lai Châu về Sa Pa mà chúng tôi gọi là “con đường đau khổ”, “chuyến xe bão táp”, Đại tá Nguyễn Ngọc Khuê vẫn dành cho tôi cả giờ trò chuyện. Ông Khuê nằm dài trên giường, hai tay bóp đôi chân mỏi nhừ, nhưng câu chuyện khá rôm rả: Quê ông ở thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Năm 1949, ông gia nhập công an tỉnh Vĩnh Yên.

Năm 1953, đầu năm 1954 vừa học xong lớp đào tạo bảo vệ an ninh, đang tham gia cải cách ruộng đất thì được điều đi nhận nhiệm vụ mới là bảo vệ dân công hỏa tuyến. Đoạn đường ông đảm trách là từ Sơn La đi Tuần Giáo, từ Tuần Giáo quay lại Sơn La, có nghĩa là ông qua lại đèo Pha Đin không biết bao nhiêu lần trong tuần, trong tháng cho đến kết thúc chiến dịch Trần Đình. Ông không tính được, chỉ đếm chắc và nhớ như in mỗi lần đưa đoàn xe thồ đến địa điểm tập kết an toàn là mừng vui, phấn khởi. Theo ông khó khăn nhất là khi đi, cùng ăn ở với anh chị em dân công hỏa tuyến từ nhiều miền quê đến làm sao để phát hiện sớm nhất những phần tử việt gian do GCMA cài vào phá hoại ta. Ác liệt nhất là khi đoàn dân công đang vượt đèo thì bị máy bay địch phát hiện, ném bom. Đôn đốc cứu thương băng bó cho người bị thương, chôn cất chu đáo cho các liệt sỹ.

Tính ra thời gian đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Trần Đình kéo dài tới 210 ngày cho “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non…” để làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu/chấn động địa cầu”

Tính ra hơn 26 vạn dân công với gần 21.000 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ đã đi qua “dốc Pha Đin” “đèo Lũng Lô” dồn sức người, sức của cho chiến thắng.

Tính ra hơn 10.000 thương bệnh binh được kịp thời cứu chữa điều trị trong chiến dịch lịch sử này.

Nhìn vào bảng tổng kết số liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ, vị đại tá công an già nheo nheo mắt, chớp chớp, giọng như nghẹn lại: “tính ra có biết bao chiến sỹ đồng bào ngã xuống cho chiến công này. Không thể tính đếm được, chỉ biết mãi mãi các thế hệ một lòng một dạ tôn vinh và hàm ơn mà thôi”.

Sau câu chuyện với Đại tá Nguyễn Ngọc Khuê, tôi hẹn gặp bà Lê Thu, nữ chiến sỹ từ thời Nha Công an Trung ương, nhưng bà bảo đến Cao Bằng mới kể chuyện.

Ngắm bà già 83 tuổi ngân nga đọc thơ rồi “cầm cái” cho bài hát “Chúng ta là nữ công an nhân dân” tôi cố hình dung ra một thiếu nữ Tày xinh xắn, hay hát, hay cười mềm mại làm say lòng bao chàng trai thuở nào. Thì ra bà sinh ra ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Hai gia đình bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi đều ở gần hang Pắc bó, đều là cơ sở che dấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng như Võ Nguyên Giáp, Phạm văn Đồng. Thì ra đến bây giờ bà mới kể chuyện là thế.

Vào đầu câu chuyện bà gọi điện cho một ai đó và xưng: “Cô là cô Đoan đây cháu ơi. Cô đang về quê đây.” Thì ra tên khai sinh của bà là Đào Thị Đoan. Bà xa quê gần 70 năm, quá nửa đời người mà bà con vẫn nhớ về cô gái Đào Thị Đoan có nhiều chữ nhất làng, lặng lẽ đi làm cách mạng. Năm 1948, mới 16 tuổi, cô gái Đoan mới lớn vào ngành Công an, làm việc tại Vụ Chính trị của Nha Công an Trung ương. Cô được học nghiệp vụ trinh sát, thông tin liên lạc và đánh máy chữ rồi làm thư ký cho Giám đốc Nha công an đầu tiên: Lê Giản. Cái tên Lê Thu được thủ trưởng Lê Giản đặt cho, mang họ Lê của ông. Tôi hỏi về điều gì nhớ sâu đậm nhất, bà Lê Thu trầm ngâm một lúc rồi thủ thỉ: “thứ nhất là mang thai con đầu lòng 8 tháng, tôi đi bộ gần tháng từ An toàn khu Tuyên Quang về quê ở Cao Bằng để sinh con. Thứ hai là sau đó, cũng từ Tuyên Quang tôi về Hà Nội hoạt động thầm lặng với nhiệm vụ quan trọng.” Ấy là lúc chúng ta bắt đầu mở chiến dịch Trần Đình, bà được cử về Hà Nội nắm tình hình rồi báo về chiến khu theo đường giây liên lạc đặc biệt. Chả là Lê Thu có người chú tên là Đào Đức Hậu, đặc tình của ta làm quan tri châu tại Móng Cái, sau chuyển về làm quan tri phủ ở Hải Dương rồi về Hà Nội mở cửa hàng bán căng tin cho binh lính Pháp tại sân bay Bạch Mai.

Ông Hậu đưa cô cháu gái “một con” xinh đẹp, nuột nà, áo dài thướt tha, quần trắng, tóc dài, chải lưỡi trai vào phụ giúp bán hàng. Có ai ngờ cô gái tân thời dịu dàng ấy ngày ngày thu thập tin tức của quân đội Pháp, đếm bao nhiêu máy bay cất cánh từ sân bay Bạch Mai kịp báo về cho sở chỉ huy.

Tin tức của trinh sát Lê Thu và đồng đội đã góp phần nhỏ vào chiến thắng to lớn ở Điện Biên Phủ cũng như bắt gọn bọn biệt kích của GCMA nhảy dù xuống Điện Biên, Sơn La nhằm phối hợp với phỉ Vàng Pao chống phá cách mạng “đân nhát dao găm sau lưng” bộ đội ta.

Cứ mỗi lần “về nguồn” bà Lê Thu cùng các con và đồng đội, bạn bè lại đến Minh Thanh, căn cứ của Nha Công an ở Sơn Dương, Tuyên Quang thăm lại chốn xưa, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh, đã khuất núi.

Lần này, ở tuổi 83, bà không leo nổi dốc dựng đứng lên đỉnh đồi. Bà ngồi trong xe khóc thầm. Thì ra bà muốn leo lên cao đến trước lán Hội trường để nhớ lại một người đàn ông cao 1m75 điển trai, đa tài, hát hay, say thể thao, mê săn bắn, lại là người thầy đẫn dắt nữ trinh sát Đào Thị Đoan – Lê Thu vào ngành, vào đời. Ông là thiếu tướng Cao Phòng, Tổng cục phó Tổng cục cảnh sát nhân dân. Đám cưới “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” thời kháng chiến giữa Cao Phòng và Lê Thu vào ngày 19/1/1950 tại lán Hội trường này. Ông mất từ năm 1988. Tôi hiểu và thấm thía giọt nước mắt thầm lặng chắt ra từ đôi mắt sâu lắng của bà lúc này.

Xin nói thêm một điều nho nhỏ như duyên nợ giữa cánh nhà báo phát thanh chúng tôi với đoàn về nguồn. Ngay từ những ngày lên chiến khu kháng chiến chống thực dân Pháp, tướng Cao Phòng được trao trọng trách cùng các chiến sỹ công an bảo vệ Đài phát thanh Quốc gia. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Lê Thu được biệt phái sang Đài TNVN theo dõi nhân viên lưu dung và sau đó trở thành diễn viên, phát thanh viên của Đài.

Sinh thời, Tổng biên tập Trần Lâm thường nhắc đến tướng Cao Phòng, sau này là tướng Quang Phòng đã trách nhiệm và tận tụy với Đài Tiếng nói Việt Nam. Họ làm nên một đội hình thầm lặng, một tấm lá chắn tin cậy cho chiến thắng… không chỉ cho một Điện Biên Phủ…/.

 

Theo VOV

.