Kinh nghiệm bảo vệ rừng ở Điện Biên Đông

Thứ Tư, 26/02/2014, 17:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Rừng là bộ phận không thể thay thế được của môi trường sinh thái. Ngoài chức năng cung cấp gỗ, củi… rừng còn có chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sống như điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, hạn chế bão lụt, chống xói mòn, rửa trôi… Nhận thức rõ được vai trò của rừng, huyện Điện Biên Đông đã tăng cường triển khai liên tục công tác bảo vệ phòng chống cháy rừng. Những kết quả và kinh nghiệm bước đầu của huyện Điện Biên Đông đã góp phần quan trọng trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững ở địa phương.

vc
Điện Biên Đông có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 120.800ha

Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, hầu hết đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên Đông sống phụ thuộc vào nương rẫy là chính, nên hàng năm việc lấn chiếm đất rừng để lấy diện tích đất sản xuất lương thực tại chỗ vẫn thường xảy ra ở một số xã. Thêm vào đó, do địa bàn hoạt động rộng, địa hình phức tạp, chia cắt vực sâu, núi cao, giao thông đi lại khó khăn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ rừng.

Điện Biên Đông có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 120.800ha. Để bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Với phương châm tất cả cùng hợp sức phòng chống cháy rừng, trong những năm gần đây, trên địa bàn không có vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng nào xảy ra. Ông Lò Văn Thanh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cho biết: "Nhận thức được những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng của địa phương, thời gian qua, đơn vị luôn bám sát phương châm “phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, khẩn trương”. Nhằm chủ động trong việc chuẩn bị các phương án, kế hoạch phòng chống cháy rừng đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông đã cụ thể hóa phương châm trên bằng cách khoanh vùng trọng điểm cháy trên từng địa bàn, từng cánh rừng cụ thể như xác định các xã có nguy cơ cháy rừng, diện tích này tập trung ở rừng giáp ranh với tỉnh Sơn La hay khu vực rừng hỗn giao..."

Khi đã khoanh vùng được các địa bàn có nguy cơ cháy rừng, Hạt Kiểm lâm tham mưu với địa phương xây dựng phương án phòng chống cháy rừng. Đồng thời thành lập ban chỉ huy phòng chống cháy rừng cấp huyện; 14 ban chỉ huy cấp xã, thị trấn và 243 tổ, đội xung kích ở thôn bản. Chỉ đạo UBND các xã, chủ rừng thực hiện nghiêm chế độ trực chỉ huy chữa cháy rừng 24/24 giờ trong ngày. Những ngày có dự báo cháy rừng cấp 4 trở lên, UBND xã, chủ rừng tổ chức lực lượng canh gác lửa rừng, nghiêm cấm những người không có nhiệm vụ tự ý vào các khu rừng trọng điểm cháy. Do chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống cháy rừng nên an ninh rừng được ổn định.

Điện Biên Đông đã thành lập ban chỉ huy phòng chống cháy rừng cấp huyện; 14 ban chỉ huy cấp xã, thị trấn và 243 tổ, đội xung kích ở thôn bản

Hàng năm, ban chỉ đạo phòng chống chữa cháy rừng từ huyện xuống xã, các đơn vị chủ rừng đều được củng cố, thành lập mới, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, phương án phòng chống chữa cháy rừng, phương án huy động lực lượng khi cháy rừng xảy ra; chuẩn bị dụng cụ  phục vụ công tác phòng chống chữa cháy rừng. Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền rộng khắp công tác phòng cháy chữa cháy rừng đến tận các thôn bản và tổ chức ký cam kết phòng chống chữa cháy rừng vào mùa khô hàng năm với các xã. Mặt khác, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của các chủ rừng, địa phương, hướng dẫn các chủ rừng làm tốt các biện pháp lâm sinh như chăm sóc rừng, đốt trước có điều khiển, làm đường băng cản lửa…

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cũng áp dụng nhiều biện pháp quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Riêng trong năm 2013, hạt đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 31 vụ vi phạm lâm luật, trong đó đã phối hợp với công an huyện khởi tố 01 vụ án hình sự, bắt giam 01 đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Mường Luân. Để giữ nghiêm kỷ cương và làm gương cho các đối tượng khác về hành vi chống người thi hành công vụ, ngày 27/11/2013, Tòa án Nhân dân huyện Điện Biên Đông đã mở phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lò Văn Thoan – đối tượng chống người thi hành công vụ cư trú tại bản Pá Vạt II, xã Mường Luân mức án 12 tháng tù giam. Còn đối với các hành vi phá rừng trái pháp luật để làm nương rẫy tại tiểu khu 716 bản Háng Giống, xã Pú Nhi: Diện tích vi phạm là gần 142m2 trạng thái IIA, các cơ quan pháp luật của huyện đã áp dụng bắt buộc khắc phục hậu quả trồng rừng kết hợp với chăm sóc, bảo vệ rừng tái sinh chồi tự nhiên đến năm thứ 5. Đến nay, 22 hộ dân vi phạm đã trồng được 20.000 cây sa mộc. Riêng tiểu khu 727 bản Nà Sản B, xã Sa Dung với diện tích vi phạm là 2.770m2, xử phạt hành chính đối với 3 hộ vi phạm trên 22 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông còn tổ chức nhiều đợt kiểm tra truy quét để hướng dẫn, nhắc nhở, cảnh cáo các đối tượng xâm hại vào rừng nhưng chưa đến mức độ phải xử lý.

c
Năm 2013, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 31 vụ vi phạm lâm luật, trong đó đã phối hợp với công an huyện khởi tố 1 vụ án hình sự

Đối với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng trong những năm qua cũng được Hạt Kiểm lâm huyện đặc biệt quan tâm và triển khai liên tục; đã tổ chức họp dân với số lượng 8.800 lượt người tham gia, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng cho hộ dân sống gần rừng... Thường xuyên tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào một số chương trình khác như phát động quần chúng, triển khai các dự án lâm nghiệp... Kiểm lâm địa bàn cũng tham gia trực tiếp vào các cuộc họp giao ban tại UBND các xã. Hoạt động của kiểm lâm địa bàn đạt được nhiều kết quả hơn thời gian trước đây, đặc biệt là công tác tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng, công tác trồng rừng, nắm bắt được các nguồn thông tin liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng để kịp thời có biện pháp triển khai, ngăn chặn và xử lý. Nhờ đó, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, săn bắn động vật rừng giảm hơn nhiều so với trước.

Từ khi được thành lập ban bảo vệ rừng cấp xã, ở tất cả các xã trên địa bàn đã triển khai các hoạt động tích cực, có hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt cán bộ kiểm lâm được phân công làm phó ban bảo vệ rừng xã đã tham mưu cho UBND các xã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã nhận thức được về vị trí và tác dụng to lớn nhiều mặt của rừng, tác hại do cháy rừng, phá rừng gây ra. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng, thông báo thường xuyên cấp cháy rừng trên địa bàn trong suốt mùa khô.

Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông sẽ tiếp tục phát huy những kết quả từ các kinh nghiệm trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương. Ngoài ra, hạt sẽ phối hợp với các ngành chức năng, chủ rừng tổ chức tốt việc thực hiện giao đất, khoán rừng; triển khai các chương trình về việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, các dự án liên quan đến công tác lâm nghiệp, xây dựng quy ước bảo vệ rừng tại cộng đồng các thôn bản; xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa các ngành chức năng như kiểm lâm, công an, quân đội để công tác giữ rừng thực sự đạt hiệu quả thiết thực./.

 

Lường Hương – Duy Hưng

.