Ô nhiễm môi trường từ sản xuất bột dong riềng
Điện Biên TV - Trong một số chương trình thời sự của Đài chúng tôi đã phán ánh về tình trạng các cơ sở chế biến bột dong riềng tại khu vực Nà Tấu, huyện Điện Biên đã gây ô nhiễm môi trường đầu nguồn sông Nậm Rốm. Song, tình trạng trên vẫn chưa có chiều hướng giảm, dòng Nậm Rốm đang là nơi xả thải của hàng chục tấn bã thải và hàng trăm mét khối nước không qua xử lý từ cơ sở sơ chế biến bột dong riềng. Hậu quả dòng sông Nậm Rốm đang bị ô nhiễm môi một cách trầm trọng.
Nậm Rốm trở thành dòng Nậm chết - lời cảnh báo có cơ sở
Cả dòng Nậm Rốm đã chuyển sang màu đen và nhiều đoạn suối, mặt nước đã bị bao phủ bởi những lớp bùn lầy, đặc quánh |
Được bắt nguồn từ những khe suối nhỏ thuộc địa phận xã Nà Tấu và Mường Phăng, huyện Điện Biên, dòng Nậm Rốm không chỉ là nơi cung cấp nước sản xuất nông nghiệp mà còn là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của hàng ngàn hộ dân sống hai bên bờ. Với vẻ đẹp của mình và nguồn nước trong mát, dòng Nậm Rốm đã đi vào thơ ca của các thi sĩ. Tuy nhiên, vẻ đẹp đó nay đã bị mất đi và dòng Nậm Rốm đang nguy cơ trở thành dòng Nậm chết.
Sinh ra, lớn lên gắn liền với dòng Nậm Rốm, Chị Lò Thị Kiên - bản Lóm Yên, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên cho biết: Những năm trước, dòng Nậm Rốm có nguồn nước trong mát, rất nhiều tôm cá. Hầu hết những người dân sống gần ven suối đều ra suối tắm, giặt. Có thể ví, dòng suối đầu nguồn Nậm Rốm như là nguồn sống của người dân ở khu vực. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, cứ vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nước của dòng Nậm Rốm đã chuyển sang màu đen và mang theo mùi hôi thối. Cũng trong khoảng thời gian này, người dân đã không thể sử dụng nguồn nước, kể cả việc lấy nước vào ruộng để cày cấy.
Thực tế nhóm phóng viên chúng tôi có mặt trên dòng Nậm Rốm mới thấy được sự ô nhiễm và tàn phá môi trường. Cả dòng Nậm Rốm đã chuyển sang màu đen và cùng với đó là mùi hôi, thối bốc lên nồng nặc. Nhiều đoạn suối, mặt nước đã bị bao phủ bởi những lớp bùn lầy, đặc quánh. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy được mức độ ô nhiễm mà dòng Nậm Rốm đang phải gánh chịu.
Kẻ giết chết dòng Nậm Rốm
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn xã Nà Tấu, huyện Điện Biên có 7 cơ sở sơ chế biến bột dong riềng, trung bình mỗi ngày chế biến hơn 200 tấn củ dong riềng. Các cơ sở trên đang là những đầu mối thu mua dong riềng cho bà con dân tộc trên địa bàn 2 xã Nà Tấu và Nà Nhạn. Song thực tế đáng buồn là chính các cơ sở sơ chế biến bột dong riềng này đang là những thủ phạm giết chết dòng Nậm Rốm.
Với quy trình sản xuất, củ dong riềng sau khi được thu mua sẽ đưa vào dây chuyền rửa sạch rồi tiếp tục được nghiền nát và được lọc thành bột. Bột được đưa tới các bể lắng và tiếp tục đóng bao xuất bán. Có một điều đáng chú ý là trong quá trình sản xuất bột dong riềng phải đòi hỏi một lượng nước khá lớn để rửa và lọc bột. Trung bình cứ một tấn bột dong riềng sản xuất ra phải mất khoảng 3 - 4m3 nước. Để có thể sản xuất được bột dong riềng thì bắt buộc các cơ sở phải đặt gần suối, vừa thuận lợi cho việc cung cấp nước và xả nước trong quá trình sản xuất. Có một điều toàn bộ hệ thống nước thải từ rửa củ đến lọc bột đều được các cơ sở thải trực tiếp ra dòng suối và không qua bất cứ một công đoạn xử lý nào.
Nếu trung bình mỗi cơ sở chỉ sản xuất 20 tấn củ dong riềng trên ngày thì 7 cở sở tại địa bàn xã Nà Tấu đã thải ra môi trường trên 300m3 nước, cùng hàng chục tấn bã thải |
Ngoài ra, lượng bã thải cũng được cơ sở thải trực tiếp ra môi trường. Nếu chỉ làm một phép tính đơn giản trung bình mỗi cơ sở chỉ sản xuất 20 tấn củ dong riềng trên ngày thì 7 cở sở tại địa bàn xã Nà Tấu đã thải ra môi trường trên 300m3 nước, cùng hàng chục tấn bã thải. Như vậy, có thể thấy mỗi ngày dòng Nậm Rốm phải gánh chịu hàng trăm m3 nước và hàng chục tấn bã thải từ các cơ sở sản xuất bột dong riềng. Có thể khẳng định, các thủ phạm làm chết dòng Nậm Rốm chính là các cơ sở sản xuất bột dong riềng.
Chính quyền cơ sở bất lực
Để tìm hiểu vấn đề ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất bột dong riềng gây ra, chúng tôi đã tìm đến lãnh đạo UBND xã Nà Tấu. Theo ông Lò Văn Chốm - Chủ tịch UBND xã Nà Tấu: Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất dong riềng trên địa bàn gây ra cho dòng Nậm Rốm những năm trước, vụ dong riềng năm nay, trước khi các cơ sở này tiến hành sản xuất chính quyền xã đã mời các chủ cơ sở đến ký cam kết về bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu các cơ sở không được xả bã và nước thải ra ngoài môi trường mà phải có biện pháp vận chuyển để xử lý. Ông Chốm cũng khẳng định, các cơ quan như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cảnh sát môi trường đã đến nhắc nhở và xử lý các cơ sở sản xuất. Song, tình trạng chất thải làm ô nhiễm môi trường xuống suối vẫn tiếp diễn, do chính các cơ sở chế biến cố tình không thực hiện như cam kết.
Còn theo ông Lò Văn Cương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên cho biết: Mặc dù, trước khi đi vào hoạt động sản xuất các chủ cơ sở đã có văn bản cam kết xử lý nước thải và bã rồi mới tiến hành thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc đầu tư cho xử lý nguồn nước và bã thải khá tốn kém, đơn vị không đủ kinh phí đầu tư. Do vậy, các cơ sở trên vẫn tiến hành xả trực tiếp nguồn nước và bã thải ra môi trường, không qua bất kỳ một biện pháp xử lý nào. Ông Cương cũng thừa nhận, việc các cơ sở sản xuất bột dong riềng đang làm ô nhiễm môi trường dòng suối khu vực xã Nà Tấu. Song, đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa có biện pháp khắc phục.
Cần có những giải pháp hài hòa
Có thể khẳng định rằng, cây dong riềng đã và đang mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân các xã các khu vực Nà Tấu. Cây dong riềng đang được người dân lựa chọn để xóa đói giảm nghèo.
Nếu nhìn về góc độ kinh tế, cơ sở sản xuất dong riềng là nơi thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân, điều mà người nông dân rất cần trong việc sản xuất theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ sở chế biến bột dong riềng đang hàng ngày, hàng giờ làm ô nhiễm môi trường. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường càng sớm càng tốt, trên cơ sở để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với công tác bảo vệ môi trường một cách bền vững./.
Duy Linh - Ngọc Bích