Tuần Giáo chủ trương tăng độ che phủ của rừng
Điện Biên TV - Nhiều năm qua, bên cạnh nhiệm vụ phòng chống vấn nạn cháy rừng, khai thác lâm sản và phá rừng làm nương trái phép chưa được như mong muốn thì các dự án trồng rừng tại huyện Tuần Giáo cũng còn nhiều bất cập. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do cơ chế, chính sách đã không đủ sức hút người dân gắn bó với rừng. Nhằm thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy đề ra là đến năm 2015, độ che phủ rừng đạt từ 42% trở lên, huyện Tuần Giáo đã thay đổi giải pháp trồng rừng tập trung bằng trồng rừng phân tán. Đồng thời khuyến khích, thu hút người dân và doanh nghiệp trồng các loại cây có giá trị kinh tế.
![]() |
Huyện Tuần Giáo đề ra mục tiêu mỗi năm trồng hơn 200ha rừng phòng hộ và trên 30 vạn cây phân tán |
Từ thực trạng rừng bị khai thác bừa bãi, bị xâm hại phần lớn và ngày càng cạn kiệt nên hậu họa thiên tai khôn lường đã, đang xảy ra trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong mấy năm nay, huyện Tuần Giáo đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Giữa tháng 5 năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuần Giáo khóa XXI tiến hành kỳ họp thứ 3 nhằm thảo luận, thống nhất để ra Nghị quyết về một số nhiệm vụ tăng cường các biện pháp phát triển rừng đến năm 2015. Trên cơ sở Nghị quyết này, UBND huyện đã có Đề án số 443, đưa ra những giải pháp cụ thể về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến 2015. Theo đó, mục tiêu đề ra là bình quân mỗi năm trồng hơn 200ha rừng phòng hộ và trên 30 vạn cây phân tán; từ nay đến năm 2015 phải trồng được 2.000ha rừng, phục vụ cho sản xuất và chế biến gỗ; khoanh nuôi tái sinh rừng đạt trên 2.700ha; nâng độ che phủ rừng toàn huyện từ 38% hiện nay, lên ít nhất là 42% vào năm 2015.
Hiện diện tích rừng của Tuần Giáo có gần 42.500ha, tỷ lệ che phủ 38%. Các dự án trồng rừng trên địa bàn huyện trong những năm qua đạt được rất thấp; nhiều dự án bị đổ vỡ và không thực hiện được các kế hoạch, mục tiêu phát triển rừng. Năm 2008, diện tích trồng rừng tập trung của các dự án chỉ đạt khoảng hơn 10%, trồng rừng sản xuất chỉ đạt 30% so với kế hoạch ban đầu, vốn kết dư của các dự án gần 2 tỷ đồng. Năm 2009, vốn trồng rừng kết dư trên 1 tỷ đồng. Năm 2010, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng trồng và rừng tự nhiên hơn 10.300ha, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên trên 5.700ha, trồng mới 200ha rừng phòng hộ và 350ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, các mục tiêu, nhiệm vụ được giao kể trên không thể hoàn thành vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong năm 2013, kế hoạch trồng gần 600ha rừng ở Tuần Giáo cũng không thực hiện được do không được bố trí nguồn vốn. Một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích dự án trồng rừng đạt thấp là do mức hỗ trợ cho 1ha rừng trồng mới chưa tương xứng với công sức của người dân. Cụ thể, rừng sản xuất chỉ được hỗ trợ mức 2,5 triệu đồng/1ha; trồng rừng phòng hộ là 10 triệu đồng/1ha. Hầu hết người trồng rừng đều cho rằng: Mức hỗ trợ chưa phù hợp với chi phí và nhân lực người dân bỏ ra. Để trồng rừng sản xuất, công sức thực tế bỏ ra nhiều nhưng vốn hỗ trợ chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, để có nguồn lợi từ rừng trồng thì người dân phải mất khoảng thời gian khá dài, từ 8 đến 10 năm. Việc trồng rừng tập trung chủ yếu vào mùa mưa, giao thông đi lại khó khăn. Mặt khác, người dân phải tự vận chuyển cây giống đến nơi trồng rừng và cây trồng sống đạt tỷ lệ từ 80% trở lên thì mới được thanh toán. Nếu cây giống bị hỏng, không đảm bảo tỷ lệ sống thì họ phải tự bỏ tiền ra mua giống trồng dặm lại. Trong khi đó, đời sống kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất trên nương, nên việc phải tự bỏ tiền ra trồng dặm số diện tích cây chết rất khó thực hiện. Để trang trải cuộc sống, người nông dân đã chuyển một số diện tích quy hoạch trồng rừng sang trồng cây lương thực ngắn ngày, vì nỗi lo thường trực và canh cánh của họ là phải có cơm ăn hàng ngày! Bên cạnh đó, việc hỗ trợ gạo là: 30kg/1 nhân khẩu/1 quý cho các hộ trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất thay thế đất nương không được thực hiện đúng cam kết, có thời điểm hết năm người dân vẫn chưa được nhận gạo. Hiện tại, ở Tuần Giáo, rừng trồng năm thứ nhất có gần 66ha tại xã Mường Thín và xã Quài Tở; rừng trồng năm thứ 2 có 76ha tại các xã: Mường Mùn, Ta Ma, Mường Thín, Quài Cang và Tỏa Tình; rừng trồng năm thứ 3 là hơn 50ha tại xã Quài Tở. Mặc dù hồ sơ kỹ thuật, dự toán, các quyết định trồng rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng không hiểu tại sao việc cấp gạo hỗ trợ cho người dân trồng rừng ở Tuần Giáo năm nào cũng chậm. Chính điều này đã cản trở rất nhiều đến việc khuyến khích người dân trồng rừng thay thế đất nương, chăm sóc và bảo vệ rừng đã trồng, bởi thế nên có xã người dân phá rừng đã trồng để gieo ngô, lúa. Đối với trồng rừng tập trung thì hiện trên địa bàn huyện Tuần Giáo không còn quỹ đất để thiết kế, phần lớn diện tích quy hoạch rơi vào đất canh tác nương. Người dân không tha thiết với việc trồng rừng dự án bởi sức lao động phải bỏ ra để trồng rừng tương đối cao, nhưng suất đầu tư, hỗ trợ như hiện tại là rất thấp, đồng thời chính sách hưởng lợi từ rừng trồng chưa thỏa đáng. Ông Lò Văn Du - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tuần Giáo cho biết: "Nguyên nhân người dân không thiết tha với việc trồng rừng là: Thứ nhất do trâu, bò phá hoại. Thứ 2 là do nạn cháy rừng và phí bảo vệ rừng cũng chẳng đáng bao nhiêu, 1 năm chỉ được 200.000đồng/1ha."
![]() |
Trong năm 2013, Tuần Giáo đã trồng hơn 624 ngàn cây phần tán, tương đương với hơn 400 ha rừng |
Để phấn đấu đạt được tỷ lệ che phủ rừng trong năm 2013 là 39% và trên 42% vào năm 2015, huyện Tuần Giáo đã triển khai trồng rừng phân tán gần 190ha keo tai tượng tại xã Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở và thị trấn. Bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các xã, người dân đã tham gia đăng ký đạt 100% kế hoạch đề ra. Trồng hơn 45ha cây keo tai tượng trên các bờ nương rẫy, kết hợp bảo vệ cây nông nghiệp, không ảnh hưởng đất sản xuất của người dân. Trong năm 2013, Tuần Giáo đã trồng hơn 624 ngàn cây phần tán, tương đương với hơn 400 ha rừng, tỷ lệ cây sống đều đạt trên 90% và phát triển tốt.
Đồng thời với các biện pháp, kế hoạch trồng rừng phân tán, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho Công ty Cổ phần Macadamia tiến hành trồng hơn 4.000ha cây mắc ca trong thời gian tới. Qua kiểm tra, đánh giá việc trồng thí điểm hơn 5,5ha cây mắc ca trên đất nương bạc màu, canh tác kém hiệu quả tại bản Đứa của xã Quài Tở, thực tế cho thấy, đến nay cây mắc ca phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt gần 100%, cây đã có chiều cao từ 1 - 1,5m và nhất là người dân được giao trồng, chăm sóc rất phấn khởi tin tưởng. Bởi từ khi trồng đến khi thu lợi từ cây mắc ca, người dân vẫn có thể trồng xen canh cây lương thực; chính sách hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm từ cây mắc ca được sự đồng thuận của người trồng. Hiện Công ty Cổ phần Macadamia đang tiếp tục triển khai trồng hơn 20ha mắc ca tại xã Quài Cang và Quài Nưa. Việc trồng cây mắc ca nên nhân rộng ra trên địa bàn huyện Tuần Giáo nói riêng và trong toàn tỉnh nói chung. Bởi vì, chưa bàn tính đến giá trị hàng hóa của hạt cây mắc ca thì trước hết, nó sẽ có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, từ đó nâng lên nhanh chóng độ che phủ của rừng, vì đây là loại cây thân gỗ cao lớn và tán lá rộng. Sau nữa là cây mắc ca còn có thể làm nguyên liệu cho nhà máy giấy, nhà máy sản xuất ván ép và đồ gỗ nhân tạo.
Khẳng định rằng, khi quyền, lợi ích và trách nhiệm của người dân được đảm bảo và gắn liền với rừng thì chắc chắn rừng sẽ được khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi và trồng mới một cách có hiệu quả cao nhất. Đó cũng là cách thức để các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và nâng độ che phủ của rừng một cách thực tế và bền vững nhất./.
Sông Thao - Anh Tuấn