Thực trạng môi trường nông thôn Điện Biên Đông

Thứ Hai, 21/10/2013, 19:23 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ô nhiễm môi trường nông thôn đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Khu vực nông thôn miền núi của tỉnh Điện Biên mặc dù chưa chịu ảnh hưởng bởi khói bụi, chất thải độc hại của các khu công nghiệp hiện đại nhưng rác thải, chất thải sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của con người đã tác động không nhỏ tới môi trường. Tại nhiều nơi tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân.

bv
Đội thu gom rác thải tại thị trấn Điện Biên Đông có 7 công nhân làm nhiệm vụ thu gom toàn bộ rác thải trên 8km đường nội thị

Huyện Điện Biên Đông hiện có dân số trên 6 vạn người, sinh sống tại 243 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 14 xã và thị trấn. Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. Phát triển nông, lâm nghiệp chăn nuôi có những bước tiến vượt bậc nhưng cùng với đó là áp lực về dân số và thách thức về bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

Thị trấn Điện Biên Đông sau thời điểm chia tách và thành lập năm 1995, đến nay đã cơ bản có được dáng dấp của một thị trấn trung tâm huyện lỵ. Thị trấn có 10 tổ dân phố với xấp xỉ 3.000 nhân khẩu.
Ông Nguyễn Minh Trịnh - Trưởng phòng Công thương huyện Điện Biên Đông cho biết: "Để đảm bảo vệ sinh môi trường chung và xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, năm 2007, UBND huyện Điện Biên Đông đã giao cho phòng Công thương thành lập đội vệ sinh môi trường thu gom rác thải trên địa bàn thị trấn. Từ khi đi vào hoạt động, đội thu gom rác thải của thị trấn đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp cải thiện tình trạng rác thải tràn lan trước kia. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, riêng đội vệ sinh môi trường thì lực lượng mỏng. Phương tiện trang thiết bị như xe chở rác đã quá cũ và thường xuyên hỏng hóc. Kinh phí một năm để cho đội môi trường hoạt động chỉ đủ trả lương, với mức lương khởi điểm đối với người công nhân là thấp, bình quân khoảng 2.400 nghìn đồng/người/tháng. "

Mặc dù việc thu gom rác thải đã đi vào nề nếp nhưng trong thực tế để thu gom toàn bộ rác thải trên 8km đường nội thị đối với 7 công nhân vệ sinh của đội là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trung bình mỗi ngày đội phải thu gom 2 lượt, mỗi lượt 1 xe ô tô tương đương 4 - 5m3 rác/ngày. Thêm vào đó, trên địa bàn thị trấn có nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi lợn và nguồn phân thải gần như không được xử lý mà đổ trực tiếp ra các dòng suối. Một khó khăn nữa gây ảnh hưởng đến công tác môi trường trên địa bàn là huyện chưa có được một bãi rác tập trung đủ tiêu chuẩn, toàn bộ rác thải thu gom được đổ tại khu vực bản Báng Chộc mà không qua bất cứ quy trình xử lý nào. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo phòng chức năng sớm xúc tiến việc xin đầu tư xây dựng bãi rác đủ tiêu chuẩn với quy mô trên 11 ha, tổng kinh phí đầu tư gần 13 tỷ đồng. Khi dự án được thực hiện, đưa vào sử dụng sẽ góp phần đảm bảo xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn trong một thời gian dài.

Trên đây mới là câu chuyện tại thị trấn, nơi đã hình thành được đội vệ sinh môi trường còn tại khu vực các xã, bản trên địa bàn toàn huyện lại là một câu chuyện khác. Từ các bản ngay các trục đường liên huyện, liên xã, tới các bản vùng sâu, vùng xa đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chuồng trại chăn nuôi được đặt ngay gần nhà. Là một địa phương lấy chăn nuôi gia súc, gia cầm là một thế mạnh để phát triển kinh tế, hiện nay, chỉ tính riêng đàn gia súc, huyện đã có khoảng 80 nghìn con. Trong đó, đàn trâu 17 nghìn con, đàn lợn 45 nghìn con… đàn gia cầm trên 200 nghìn con. Với tập quán ngày thả rông, tối nhốt gần nhà ở nên nguồn phân thải của gia súc tràn lan gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí quanh khu vực dân cư. Không riêng gì chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt với việc sử dụng các loại bảo vệ thực vật không theo hướng dẫn, các loại vỏ bao bì thuốc trừ sâu sau khi sử dụng xong bị vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường cũng đang là thực trạng đáng báo động. Ngoài ra, nhà vệ sinh tạm bợ, xây dựng không đúng quy chuẩn cũng là một nguồn ô nhiễm và lan truyền dịch bệnh tại các thôn, bản trên địa bàn huyện.

vcx
Người dân bản Pá Nặm, xã Chiềng Sơ đốt rác thải sinh hoạt của gia đình

Trong thực tế, không phải cộng đồng dân cư nào cũng thờ ơ với ô nhiễm môi trường. Tại nhiều thôn, bản người dân đề cao việc gìn giữ vệ sinh môi trường bảo vệ sức khỏe của gia đình và bản thân. Bản Cang A, xã Chiềng Sơ, mặc dù là một bản nằm tại xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Điện Biên Đông nhưng nhà cửa ngăn nắp, đường đi lối lại rất sạch sẽ. Chuồng trâu, chuồng lợn, khu nuôi nhốt gia cầm được các hộ dân trong bản xây dựng quy củ và nằm cách xa nhà ở. Không riêng gì bản Cang A mà người dân các bản khác như Cang B, bản Pá Nặm cũng đã xây dựng được những quy ước về bảo vệ môi trường. Mỗi gia đình đều có trách nhiệm trong việc vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp đường đi phát quang bờ bụi. Chị Hà Thị Tuyến - người dân bản Pá Nặm, xã Chiềng Sơ cho biết: "Ở đây, gia đình nào cũng có hố rác riêng. Mỗi khi có rác thải sinh hoạt là người dân đều vứt vào đấy."

Chưa thể nói rằng tất cả cộng đồng dân cư, hộ gia đình đã ý thức được và tham gia bảo vệ sự trong lành của môi trường sống. Những cách xử lý rác thải của người dân như đốt hoặc chôn lấp chưa phải là biện pháp tối ưu nhưng đối với khu vực nông thôn miền núi những việc làm tưởng như đơn giản ấy lại mang lại sự đổi thay rất lớn. Nếu như trước đây, trên địa bàn xã ghi nhận có cả dịch thương hàn và những bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt rét tuy không bùng phát thành dịch nhưng năm nào cũng có người bị mắc. Trong vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác phòng chống và ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, gia đình bằng những việc làm thiết thực như ăn chín uống sôi, diệt bọ gậy, phân gia súc gia cầm được ủ trước khi bón cho cây trồng... Tất cả những việc làm đó đã góp phần hạn chế dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, huyện Điện Biên Đông một mặt tăng cường các buổi tuyên truyền về vệ sinh môi trường tới đông đảo người dân. Mặt khác, thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa gắn với bảo vệ môi trường. Phát huy tinh thần tự giác gương mẫu của những thôn, bản văn hóa trong tuyên truyền nêu gương đối với các cộng đồng dân cư khác. Đặc biệt, huyện cần chú trọng vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái gắn với việc phấn đấu đạt tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vệ sinh môi trường là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Môi trường khu vực nông thôn lại càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của khu vực, chiếm tới 70% dân số như ở nước ta. Chính vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng các công trình nước sạch, hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh thì công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường cần được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức. Chỉ khi người dân - những chủ thể trực tiếp tác động tới môi trường sống quanh mình, tự giác tham gia bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể trong sinh hoạt và sản xuất thì môi trường mới được giữ gìn cho sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội./.

 

Chu Linh - Duy Hưng

.