Xoay quanh những bức xúc của nhân dân xã Mường Nhà
Điện Biên TV - Ngày 5/8, Chuyên mục Nhà nước và Pháp luật - Đài Phát thanh Truyền hình Điện Biên có nhận được đơn thư của nhân dân 2 bản Na Phay và Phiêng Sáng xã Mường Nhà, huyện Điện Biên bày tỏ bức xúc của người dân xung quanh dự án nâng cấp và cải tạo tuyến đường vành đai biên giới Pom Lót - Núa Ngam đi cửa khẩu Huổi Puốc đã gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Sau khi nhận được đơn thư, phóng viên chuyên đề đã tới hiện trường để tìm hiểu sự việc theo nội dung phản ánh.
![]() |
Giếng nhà ông Vì Văn Hương đã bị bỏ không suốt chừng 1 năm nay |
Hơn 10 năm qua, cả gia đình ông Vì Văn Hương - Bí thư Chi bộ bản Na Phay vẫn lấy nguồn nước từ giếng nước của gia đình để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy mà nó đã bị bỏ không suốt chừng 1 năm nay. Theo ông Hương, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy được nước đã đục, màu nước đã có sự biến đổi đáng kể so với trước kia. Bây giờ nước giếng này chỉ để tắm giặt mà gần như không thể dùng làm nước ăn được nữa.
Ông Vì Văn Hương cho biết: "Giếng nhà tôi có nước nhưng không uống được, mà chỉ tắm rửa thôi. Gia đình tôi phải sang nhà bên cạnh xin nước về dùng trong sinh hoạt. Còn nước nhà tôi có nhưng không nấu uống được, muốn sử dụng nước của gia đình thì phải bơm qua đêm hoặc bơm một đêm 1 ngày, để cặn bẩn đọng dưới bể thì mới dùng được. Nước đấy chỉ dùng trong lúc gia đình tôi khó khăn không thể đi lấy nước được thôi. Những hộ dân trong bản không có bể nước như gia đình tôi thì họ chỉ đựng trong thùng nước to của gia đình. Trong thời gian này, họ chỉ biết đi gánh hết thùng nước này đến thùng nước kia về dùng thôi."
2 bản Na Phay và Phiêng Sáng của xã Mường Nhà, huyện Điện Biên có hơn 100 hộ dân. Gần như mỗi nhà có một giếng nước. Vậy mà hiện nay nhiều giếng không sử dụng được, bởi nước đục. Có hộ gia đình phải bỏ giếng, đầu tư mua đường ống, dẫn nước suối từ đầu nguồn - cách xa gần 3 km về bản để làm nước sinh hoạt. Những người dân ở 2 bản Na Phay và Phiêng Sáng nhận định: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn nước mưa từ phía mặt đường vành đai biên giới xả xuống rãnh thoát nước của bản. Do lượng nước quá lớn, rãnh thoát nước lại không đảm bảo tiêu thoát tức thời nên nước đã tràn lan ra khắp bản. Nước đã ngấm xuống giếng nước của các hộ gia đình. Điều này đã gây nên bức xúc trong nhân dân.
Ông Vì Văn Hương - Bí thư Chi bộ bản Na Phay cho biết thêm: "Lượng nước về ngập hết bản chúng tôi, những nhà ở lân cận thì bị nước tràn vào gầm sàn; nhiều lúc con trâu, bò, máy móc chúng tôi để ở gầm sàn bị nước ngập vào, có nhà nước ngập nhiều thì hỏng cả máy móc. Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền nhanh chóng có hướng khắc phục, giúp đỡ bản tôi."
![]() |
Miệng cống tròn dẫn ra từ chân đường |
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường vành đai biên giới Pom Lót - Núa Ngam - Huổi Puốc được khởi công xây dựng từ năm 2009. Quá trình thi công tuyến đường, nhận thấy việc bất hợp lý trong việc lắp đặt cống thoát nước chảy xuống khu dân cư, người dân đã nhiều lần phản ánh và đề nghị chuyển cống đến vị trí khác nhưng cống vẫn không được di chuyển. Cống nước được lắp đặt với chức năng tiêu thoát toàn bộ lượng nước mưa phía taluy dương của đoạn đường để đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, theo quan sát, bên phía đầu thoát nước thì chỉ thấy duy nhất một cái miệng cống tròn dẫn ra từ chân đường. Như thế có thể hiểu được rằng sau đó thì nước sẽ để chảy tự do.
Hơn 12 năm nay, đã nhiều lần ông Vì Văn Hoan - Trưởng bản Phiêng Sáng xã Mường Nhà - người đại diện cho hơn 100 hộ dân trong bản gửi đơn thư khiếu nại đến UBND xã Mường Nhà, UBND huyện Điện Biên và các cơ quan chức năng của tỉnh những mong nguyện vọng của nhân dân được đáp ứng. Mong muốn của nhân dân 2 bản Phiêng Sáng và Na Phay là di chuyển cống đi nơi khác hoặc được làm rãnh thoát nước bê tông kiên cố để khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Ông Vì Văn Hoan - Trưởng bản Phiêng Sáng, xã Mường Nhà cho biết: "Mở tuyến đường đầu tiên là khoảng năm 2000, khi thấy làm cống ở đây, bản đã làm đơn kiến nghị lên UBND huyện và UBND tỉnh thì được trả lời là khi nào có tu sửa hoặc nâng cấp con đường sẽ nghiên cứu sau. Đợt này tôi thấy mở và nâng cấp con đường này thì không thấy di chuyển cống mà vẫn lắp đặt chỗ cũ, mùa mưa về vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong bản. Thấy ảnh hưởng, bản lại làm đơn kiến nghị gửi tới UBND huyện và cả Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhưng không thấy di chuyển và không thấy trả lời."
Thời gian gần đây, khi mưa xuống, nước từ trên đường chảy xuống nhiều và lan tràn ra bản. Để khắc phục tình trạng trên, bà con dân bản đã huy động dân công, đào rãnh thoát nước dài khoảng 100m. Điểm cuối của rãnh nước là ở giữa bản. Như thế có thể hiểu được rằng: Hết rãnh thì nước sẽ chảy tự do. Trong khi, hiện nay bà con nhân dân 2 bản Na Phay và Phiêng Sáng vẫn giữ tập quán thả rông gia súc. Lượng chất thải mà gia súc thải ra bừa bãi khắp nơi. Như vậy thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cũng hoàn toàn có thể xảy ra mỗi khi mưa xuống.
Thiết nghĩ, cần thay đổi vị trí đặt cống hoặc xây dựng hệ thống thoát nước kiên cố, phù hợp và đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện tuyến đường là những giải pháp cần thiết của chủ đầu tư và nhà thầu thi công cần quan tâm./.
Minh Thịnh - Anh Tuấn