Ghi ở nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ
Điện Biên TV - Điện Biên Phủ không chỉ là nơi ghi danh chiến thắng vang dội của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mà còn là nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tại các nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, những nhân viên quản trang đang ngày đêm thầm lặng cống hiến sức mình làm công việc đặc biệt nhưng lại có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.
Điện Biên Phủ - mảnh đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc mà trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa vẫn thăm thẳm vọng về. Nơi đây, hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc và của nhân loại. Nơi khắc ghi trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của sự hy sinh của thế hệ cha anh vì nền độc lập để cả dân tộc và nhân loại đến đây kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sỹ. Hiện nay, có gần 6.000 liệt sỹ được quy tập và yên nghỉ trong 4 nghĩa trang: A1, Him Lam, Độc Lập và Tông Khao. Các nghĩa trang liệt sỹ ở Điện Biên Phủ được coi là những công trình của "trái tim" đến với "trái tim".
Nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập nằm đối diện đồi Độc Lập thuộc đội 18, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Nghĩa trang rộng khoảng 3,3 ha, được quy tập và xây dựng từ những năm 1957 – 1958. Đây là nghĩa trang quy mô cấp quốc gia với 152 lô và hơn 2.430 ngôi mộ xây gạch chỉ, nắp mộ làm bằng bê tông cốt thép, mỗi bia đá gắn một ngôi sao. Nhà quản trang có kiến trúc kiểu mái đình vừa là cổng chính vào nghĩa trang có diện tích gần 420m2. Bên trái nhà quản trang treo quả chuông đồng. Tường rào dài 730m xây gạch có hai cổng phụ cấu trúc như tường. Hệ thống đường giao thông, đường bộ dài 6.100m, mặt bê tông, vỉa gạch giếng đáy, đường lát đá sẻ và đài tượng niệm cao 15m.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nhân viên quản trang ở đây hầu hết là những người có thâm niên. Ông Bùi Văn Lâm – nhân viên quản trang tại nghĩa trang Độc Lập, tâm sự với chúng tôi về những ký ức buồn vui của cái nghề đặc biệt này. Từng là người lính, nghĩ đến tình đồng chí, đồng đội ông Lâm xin vào làm nhân viên quản trang tại nghĩa trang Độc Lập đã hơn 20 năm. Cùng với ông Lâm, bà Nguyễn Thị Thoái cũng là một trong những người tâm huyết và gắn bó với công việc đặc biệt này đã gần 20 năm. Gần 20 năm trông coi nghĩa trang, bà Thoái không nhớ hết mình đã trồng được bao nhiêu cây xanh, thắp bao nhiêu tuần hương, nhổ bao nhiêu cụm cỏ và kể bao nhiêu câu chuyện về các anh hùng liệt sỹ.
![]() |
Ông Bùi Văn Lâm - quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập chăm sóc các phần mộ liệt sỹ. |
Tuy mỗi người có những cảm nhận riêng về công việc quản trang nhưng họ vẫn có chung một cái “tâm” với nghề. Hàng ngày, dù trời nắng hay mưa, ông Lâm, bà Thoái và các nhân viên ở đây đều thực hiện việc quét dọn, nhặt cỏ, cắt tỉa cây, trông coi nghĩa trang, thắp nhang vào các ngày mùng một, rằm; hướng dẫn các gia đình thân nhân đến thăm viếng. Tuy công việc được thực hiện một cách âm thầm, lặng lẽ, ngày qua ngày nhưng họ luôn ý thức bản thân mình rằng làm việc ở nghĩa trang không đơn giản chỉ là trông nom, quét dọn mà còn phải làm để những thế hệ đi sau biết đến giá trị của độc lập tự do, biết được những ký ức hào hùng của lịch sử dân tộc.
Công việc quản trang tưởng chừng như đơn giản nhưng những người làm công tác quản trang hàng ngày đón tiếp những thân nhân, du khách tới đây, thực sự phải đắm mình trong những chiến thắng hào hùng của dân tộc thì mới truyền hết được những thông điệp hoà bình, ngọn lửa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc đến với mọi người. Đưa du khách và thân nhân liệt sỹ đến một miền huyền thoại về chiến công nối tiếp chiến công, xoa dịu nỗi đau chiến tranh, hướng tới tương lai tươi sáng. Vì vậy, những thân nhân và du khách tới đây luôn được những người quản trang đón tiếp ân cần với nét mặt tươi tắn và nụ cười trên môi. Đặc biệt, người quản trang còn sẻ chia và đặt mình vào địa vị của thân nhân tới đây để được giúp đỡ, được chia sẻ. Tất cả tạo nên sự thân thiện, tạo ấn tượng sâu sắc, ấm áp tình người trong lời nói, cái bắt tay, ánh mắt, nụ cười và sự hiểu biết sâu sắc về những chiến công mà các liệt sỹ nằm lại nơi đây đã góp phần làm nên một chiến công chấn động địa cầu. Những công việc này đã sưởi ấm lên tình người, sưởi ấm cả khuôn viên lạnh lẽo của nghĩa trang.
Nằm bên con đường mang tên lịch sử 7/5, nghĩa trang A1 là Nghĩa trang liệt sỹ cấp Quốc gia, được quy tập những năm 1958 đến năm 1960 với 644 ngôi mộ liệt sỹ. Nghĩa trang A1 có kết cấu tường bao xung quanh, giữa tường thành là một lễ đài kiến trúc như Khuê Văn Các. Mặt trước tường thành được đắp nổi hai cụm phù điêu. Một cụm thể hiện 56 ngày đêm quân dân ta chiến đấu tại Điện Biên Phủ, một cụm thể hiện 9 năm kháng chiến trường kỳ. Góc trái của nghĩa trang là ngôi nhà quản trang thiết kế theo kiểu kiến trúc nhà sàn Thái Tây Bắc. Nhà tưởng niệm trong nghĩa trang thiết kế giống mái nhà sàn, mái ốp đá trắng bên trong có đặt văn bia và lư hương đồng. Bên phải đài chung là nhóm tượng "Chiến sỹ". Bên trái là nhóm tượng “Biết ơn” của nhà điêu khắc Lê Đức Lai, Tạ Quang Bạo. Nghĩa trang được che mát bởi các hàng cây Long não và cây hoa Ban. Bên lối đi được trồng các loại hoa Cúc, hoa Huệ khoe sắc toả hương. Đây vừa là một công trình lịch sử văn hoá vừa là một nghĩa trang công viên.
![]() |
Người dân đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập. |
Ngày nay, Điện Biên Phủ là nơi tràn đầy sự sống, nó chứa đựng trong mình những huyền thoại thiêng liêng cao cả. Những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa trở lại nơi đây để nhớ lại những ký ức chiến công đã đi vào huyền thoại, thắp nén tâm nhang viếng hương hồn những đồng đội đã khuất. Thân nhân liệt sỹ và du khách tới nơi này như được sống lại không khí lịch sử hào hùng của những đoàn quân ra đi để lại phía sau làng quê yêu dấu của mình, tất cả đều hướng về Điện Biên với một niềm tin tất thắng. Đến với các nghĩa trang liệt sỹ ở Điện Biên Phủ là dịp để thắp nén tâm nhang kính dâng lên hương hồn các liệt sỹ. Ở đó cuộc đời của những người chiến sỹ cách mạng là những bài ca đã dài theo năm tháng. Các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trên chiến trường Điện Biên dù có tên hay chưa có tên đều để lại những tấm gương sáng chói về đức hy sinh và lòng quả cảm. Hàng ngày, những dòng người vẫn đổ về đây thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên các anh hùng liệt sỹ.
Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ là một trong những biểu tượng đời đời ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bởi các nghĩa trang này không chỉ là nơi an nghỉ của liệt sĩ mà còn là công trình văn hóa – lịch sử mang đậm giá trị nhân văn, ghi nhận công đức của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Thường xuyên chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ vừa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa của lớp lớp các thế hệ mai sau ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ.
Lường Hương – Duy Hưng