Cuộc sống của người Si La ở Nậm Sin
Điện Biên TV - Bản Nậm Sin, xã Chung Chải nằm cách trung tâm huyện Mường Nhé gần 40 km. Bản là nơi cư trú duy nhất của đồng bào dân tộc Si La trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Si La nói riêng, bản Nậm Sin đã có bước chuyển mình. Đời sống của bà con từng bước đi lên.
Dân tộc Si La là một trong những dân tộc thiểu số có dân số ít nhất trong cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Theo số liệu hiện tại dân tộc Si La là 1 trong 5 dân tộc có dân số ít hơn 1.000 người. Trước đây địa bàn cư trú duy nhất của dân tộc Si La là xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ). Năm 1973, thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về sắp xếp, điều chuyển dân cư, một bộ phận dân cư được di chuyển và thành lập bản Nậm Sin, xã Chung Chải. Từ đó đến nay, cộng đồng dân tộc Si La đã có trên 45 năm gắn bó bên dòng Nậm Sin.
Là một dân tộc thiểu số ít người lại cư trú tại địa bàn khó khăn về giao thông, trình độ sản xuất lạc hậu nên đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhiều năm, tỷ lệ hộ nghèo của bản luôn là con số 100%. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước đời sống của bà con đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt việc triển khai dự án "Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La bản Nậm Sin, xã Chung Chải huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên từ năm 2005 - 2010" đã góp phần thay đổi cơ bản cuộc sống, truyền thống canh tác sản xuất của đồng bào. Tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện dự án khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, nhà lớp học, thủy điện mi ni… Hỗ trợ về sản xuất như khai hoang ruộng nước, đào ao thả cá, hỗ trợ mua trâu giống, triển khai các mô hình ươm cá giống, nuôi cá thịt…
Bản Nậm Sin giờ đã có thêm nhiều những nếp nhà khang trang. |
Những kết quả dự án mang lại thể hiện bằng những con số biết nói: Tỷ lệ tăng dân số trung bình hàng năm đạt 1,65%, dân số tăng từ 173 người năm 2005 lên gần 200 người vào thời điểm hiện tại; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 70%; lương thực bình quân đầu người đạt trên 360 kg/năm, tăng hơn 120 kg so với năm 2005; hầu hết nhà tranh tre, nứa lá được thay thế bằng nhà gỗ chắc chắn. Từ chỗ chưa có phương tiện, vật dụng gì giá trị nay bản đã có 5 gia đình có ti vi, 10 gia đình có đài, bản đã có 3 - 4 xe máy…
Bản Nậm Sin nằm cách trung tâm xã Chung chải khoảng 18 km, nhưng để đi lại vào mùa mưa rất khó khăn. Từ khi dự án đường giao thông nông thôn với mặt đường rộng 4 m, trải cấp phối hoàn thành ô tô đã vào tận bản kể cả vào mùa mưa. Những chuyến ô tô vào bản thu mua ngô, sắn và chở xi măng, tấm lợp không còn là chuyện quá lạ lẫm với trẻ con trong bản.
Chị Giàng Cố Lai, người dân bản Nậm Sin cho biết, hàng năm hộ nào thiếu đói đều được nhà nước hỗ trợ gạo muối, các hộ khác được hỗ trợ giống chịu khó làm cũng có lúa, có ngô dự trữ trong nhà, nhiều hộ chăn nuôi lợn, thả cá cũng có cái ăn nhiều hơn và thu nhập cũng tăng hơn so với trước khi chỉ biết làm trên nương.
Không những thay đổi về tư duy sản xuất, từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, đồng bào trong bản còn tự ý thức được việc cho con em đến trường học lấy cái chữ, học lấy những hiểu biết từ xã hội. Bởi trước đây, tỷ lệ bà con biết tiếng phổ thông rất thấp chỉ khoảng 15%. Chính vì vậy, đồng bào mong muốn thế hệ con em mình sẽ khác trước. Trước đây, việc theo học của con em trong bản cũng rất khó khăn, điểm trường trong bản là nhà tạm và chỉ có 1 giáo viên mầm non và 1 giáo viên tiểu học. Đến nay, điểm trường đã có 5 phòng học kiên cố với 8 thầy, cô giáo phụ trách hơn 140 em học sinh từ mầm non tới lớp 5. Trong các em học sinh đang theo học tại điểm trường có 25 em học sinh là người dân tộc Si La.
Con em người dân tộc Si La đến trường học cái chữ ngày càng đông. |
Nhờ chuyển biến trong nhận thức về việc cho con em đến trường, số người có học vấn trong bản Nậm Sin ngày càng nhiều. Từ chỗ chưa có người học hết cấp 2 đến nay bản đã có 4 - 5 em học đến cấp 3, một em hoàn thành chương trình phổ thông và một em đã học chuyên nghiệp. Theo ông Hù Chà Thái, một người Si La trong bản Nậm Sin hiện đang giữ chức chủ tịch UBMTTQ xã Chung Chải, thì trước đây bản Nậm Sin gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Bà con trong bản sống tự cung tự cấp hoàn toàn. Chính vì vậy không những đời sống của cả bản nghèo nàn, lạc hậu mà việc học hành, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng là những việc lạ lẫm, xa vời. Đến nay, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên một bước, số hộ đói, hộ nghèo giảm qua từng năm, số học sinh chuyển lớp tăng, số người được chăm sóc y tế cũng tăng, 100% bà con trong bản được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo…vv.
Bên cạnh những đổi thay mang tính đột phá về kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào dân tộc Si La tại bản Nậm Sin vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Về cơ bản đời sống của đồng bào Si La vẫn tụt hậu so với các dân tộc khác trên cùng địa bàn. Sản xuất đã có bước phát triển nhưng mùa màng bấp bênh, năng suất thấp, chăn nuôi thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa. Cơ sở hạ tầng bước đầu đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của đồng bào, một số công trình đã hỏng hóc, xuống cấp. Đặc biệt, công trình thủy điện nhỏ trị giá 280 triệu đồng đã bị nước lũ cuốn trôi, trong khi chờ điện lưới quốc gia nhiều hộ trong bản đã khắc phục bằng những máy phát điện công suất nhỏ. Ngoài ra, một số hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại dẫn đến chất lượng dân số thấp, thể trạng yếu dễ mắc bệnh tật, tệ nạn xã hội đe dọa thế hệ trẻ trong bản…vv.
Hiện nay, đồng bào Si La bản Nậm Sin vẫn cần thêm các nguồn lực đầu tư của nhà nước, sự sát sao quan tâm của chính quyền địa phương nhằm phát triển sản xuất, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt quan tâm chú trọng phát triển giáo dục, có những chính sách ưu tiên đối với con em đồng bào dân tộc Si La nhất là với những em đã hoàn thành chương trình phổ thông trung học và học xong chuyên nghiệp. Có như vậy, đời sống của cộng đồng dân tộc Si La mới có cơ hội phát triển bền vững và bắt kịp các dân tộc khác trên địa bàn.
Chu Linh - Ngọc Bích