Hội thảo bàn về chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa
Những bằng chứng cứ khoa học được trình bày tại hội thảo tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Sáng 12/12, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực III (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) và trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Hợp tác Biển Đông - Lịch sử và triển vọng”.
Những chứng cứ khoa học được trình bày tại hội thảo tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tham luận trình bày tại hội thảo của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông đã công bố những thành tựu nghiên cứu mới về Biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn (Ảnh: V. Đức) |
Đáng chú ý, các tham luận “Thủy binh Chúa Nguyễn với việc bảo vệ chủ quyền, khai thác nguồn lợi biển đảo trên biển”; Hành trình của đội Hoàng Sa trong việc xác lập và thực thu chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Đại Việt thời Nguyễn; Cơ sở lịch sử khẳng định quá trình xác lập và thực hiện chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; tầm nhìn hướng biển của vua Minh Mệnh.
PGS-TS Phạm Xanh - trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Từ thời vua Minh Mệnh, ông đã di dân ra các hòn đảo để lập làng, dựng thành để canh giữ bảo vệ các hòn đảo. Đặc biệt nữa, dưới thời Minh Mệnh, ông còn đánh đuổi các thuyền cá của nước láng giềng xâm phạm lãnh hải của chúng ta. Bên cạnh đó, Vua Minh Mệnh còn đối xử rất nhân văn, nhân đạo đối với những tàu thuyền trôi dạt vào các hòn đảo.
Cũng tại hội thảo, TS Trần Đức Anh Sơn - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng giới thiệu những tư liệu và bản đồ cổ phương Tây liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TS Trần Đức Anh Sơn cho biết: “Có những cách thể hiện trên bản đồ, chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam. Tôi cũng công bố những bản đồ do phương Tây vẽ lãnh địa Trung Quốc từ năm 1526 tới năm 1980, không hề bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa”.
Hội thảo cũng tập trung làm rõ vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, văn hoá, khả năng hợp tác, phát triển giữa các quốc gia khu vực Biển Đông./.
Theo VOV