Tả Sìn Thàng ngày mới
Điện Biên TV - Tả Sìn Thàng là xã vùng cao nằm ở phía Bắc huyện Tủa Chùa. Đây từng là vùng núi đá tai mèo cheo leo với những bản làng, dốc đá heo hút ẩn mình trong sương mù. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, xứ sở đá tai mèo này đang từng bước chuyển mình...
![]() |
Tả Sìn Thàng, Nơi cha dựng lều thả vào hốc đá
Muôn hạt ước mơ...
Nơi mẹ gùi nắng gió
Ủ lá ngàn sương núi
Chắt những lời ca...
Chúng tôi đến với Tả Sìn Thàng vì sự cuốn hút của những câu thơ một phần nào đã khắc họa lên một vùng đất còn nhiều khó khăn của huyện Tủa chùa.
Cách đây chưa xa Tả Sìn Thàng còn là xứ sở xa xôi bởi những dốc đá cheo leo cản trở bước chân người đi, kẻ đến. Những dốc núi trập trùng, những nương đá tai mèo trải dài như vô tận này, vẽ nên bức tranh kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây. Nhưng cũng chính ở nơi này con người phải đối mặt với một thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt.
![]() |
Trung tâm xã Tả Sìn Thàng huyện Tủa Chùa, Điện Biên |
Trung tâm xã Tả Sìn Thàng nằm dưới thung lũng nhỏ bé và là nơi bằng phẳng nhất trong xã. Đồng bào dân tộc Xạ Phang, với bản sắc văn hóa rất riêng đã định cư ở đây từ rất lâu đời. Người Xạ Phang sống chủ yếu bằng nghề canh tác ruộng nước. Tuy nhiên cánh đồng này chỉ có thể cho họ canh tác mỗi năm một vụ. Vào mùa khô khi mọi nguồn nước đều cạn kiệt, người ta sẽ không còn được thấy khung cảnh trù phú này. Thay vào đó là những chân ruộng khô hạn nằm trơ từ tháng 10 đến tận tháng 4 năm sau.
Xa xa, ẩn sau những rừng đá tai mèo thấp thoáng trong mây mù là các thôn bản hẻo lánh – khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Ở Tả Sìn Thàng người Mông chiếm 85% dân số toàn xã. Họ sống dựa vào canh tác nương rẫy. Vùng đất có tới 70 – 80% diện tích là núi đá tai mèo này không khuất phục được ý chí và sức lao động bền bỉ của họ. Dù mỗi năm chỉ có một vụ, nhưng bao đời nay cây ngô đã cùng con người ở đây sống chết với cơ man rừng đá. Cuộc sống sơn dã của đồng bào các dân tộc ở Tả Sìn Thàng cứ lặng lẽ trôi theo những mùa thu hoạch nghèo nàn.
Tuy nhiên cùng với sự đầu tư, hỗ trợ nhiều mặt của các chương trình chính sách từ trung ương, như chương trình 30a, chương trình 134, 135... giao thông đã được đầu tư xây dựng. Tuyến đường nhựa Tủa Chùa – Sín Chải trông như dải lụa uốn lượn trong bức tranh đồi núi điệp trùng, khiến Tả Sìn Thàng trở nên gần gũi hơn với thị trấn trung tâm huyện lỵ. Những chuyến xe chở hàng qua lại nơi đây thường xuyên hơn, đem đến cho người dân địa phương cơ hội biến các loại nông sản thành hàng hóa.
![]() |
Chè Shan tuyết ở Tả Sìn Thàng, đã đem lại một phần thu nhập cho người dân vùng cao |
Thôn Háng Sùa với những đỉnh núi cao khuất trong mây mù, và cũng là nơi có thứ chè Shan sao tay ngon nổi tiếng, từng được truyền tụng trong dân gian. Sau một thời gian dài bị bỏ quên thì gần đây chè Shan đã được thu mua. Cây chè cổ thụ cho ra sản phẩm hàng hóa và chính sách phát triển giống chè Shan tuyết của huyện Tủa Chùa, đã đem lại một phần thu nhập cho người dân vùng cao Tả Sìn Thàng.
Khó khăn của việc phát triển vùng chè Shan tuyết ở Tả Sìn Thàng là giống chè Shan thích hợp với khí hậu ôn đới núi cao, và thường phân bố ở những nơi có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, không thuận lợi cho việc thu hái và vận chuyển chè đến nơi sơ chế. Để khắc phục những khó khăn về địa hình UBND xã Tả Sìn Thàng đã huy động các nguồn vốn đầu tư để nâng cấp con đường dốc đá này. Dự án đường bê tông liên thôn Tả Sìn Thàng – Háng Sùa được đầu tư bởi nguồn vốn của Ngân hàng thế giới WB, khởi công vào tháng 9 năm nay sẽ giúp cho người dân Háng Sùa bớt khó khăn, trong việc chuyên chở các loại hàng hóa nông sản tới trung tâm xã.
Đầu tư của Chính phủ cho xã vùng cao này trong 10 năm trở lại đây, đã làm cho bộ mặt khu vực trung tâm xã có nhiều thay đổi. Cuộc sống của người dân địa phương từ thung lũng tới các triền núi cao cũng đang có thêm màu sắc mới.Các cửa hàng tạp hóa đã được mở ra, dịch vụ buôn bán nhỏ phát triển khá thuận lợi đã cho thấy, Tả Sìn Thàng đang có sự đổi thay, dần xứng hơn với tầm vóc là trung tâm của cụm 5 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa.
Khu vực trung tâm xã được chỉnh trang, hệ thống trường lớp học được hoàn thiện, đang giúp cho các thế hệ con em người dân tộc Mông và dân tộc Xạ Phang ở Tả Sìn Thàng hôm nay, được học tập và vươn lên. Năm học 2011 – 2012 trường THPT Tả Sìn Thàng có 2 học sinh thi đỗ đại học và 12 em thi đỗ vào các trường cao đẳng. Con số này tuy còn khiêm tốn nhưng đã cho thấy phần nào sự vươn lên một cách toàn diện của Tả Sìn Thàng sau những đầu tư thiết thực.
Hệ thống đường giao thông được nâng cấp, ruộng nước được mở mang, có sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, trẻ em được cắp sách đến trường và đời sống nhân dân bắt đầu có những đổi thay tích cực, là những tín hiệu vui ở Tả Sìn Thàng. Đây là bàn đạp để xứ sở đá tai mèo này từng bước vươn lên. Năm 2012 Tả Sìn Thàng cùng 98 xã trên toàn tỉnh bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ mới đòi hỏi cả hệ thống chính trị xã phải cùng vào cuộc. Vấn đề đặt ra với cấp ủy, chính quyền xã hiện nay là làm thế nào để hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trước mắt vẫn còn rất nhiều những khó khăn.
![]() |
Tả Sìn Thàng vẫn là một xã nghèo, hộ nghèo chiếm trên 70% số hộ trong xã |
Khó khăn của Tả Sìn Thàng Hôm nay là xã vẫn còn tới trên 370 hộ nghèo, chiếm trên 70% số hộ dân trong xã. Mặc dù diện tích tự nhiên tới trên 5.000 ha, nhưng toàn xã chỉ có 16 ha ruộng nước và trên 50 ha đất nương. Không có nguồn nước tưới tiêu nên sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, và trồng trọt chủ yếu vẫn chỉ là độc canh ngô, lúa. Tuy xã đã có xưởng thu mua và chế biến chè Shan tuyết, nhưng thực tế diện tích chè thương phẩm hạn chế. Toàn xã chỉ có khoảng trên 2 ha cây chè cổ thụ cho thu hái hàng năm, nên sản lượng chè đóng góp vào thu nhập của người dân chưa cao. Dân cư phân bố rải rác, trình độ sản xuất còn hạn chế, đất sản xuất thiếu, khí hậu khắc nghiệt, khiến cho việc quy hoạch khu dân cư cũng như quy hoạch sản xuất của xã gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để có được một quy hoạch sản xuất tốt nhất ? Làm thế nào để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc ? Đây là bài toán đặt ra yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải tìm ra một hướng đi tích cực hơn.
Tả Sìn Thàng – một miền núi non kỳ vĩ khơi dậy khát khao khám phá của con người, nơi mỗi tộc người có một nền văn hóa riêng biệt, đậm đà bản sắc, vẫn đang ẩn mình sau những dốc núi quanh co. Sau những đầu tư thiết thục để cải tạo cơ sở hạ tầng, nơi đây vẫn đang chờ một hướng đi mới có tầm bứt phá.
Minh Giang – Ngọc Bích