Mường Ảng còn nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Điện Biên TV - Từ năm 2009 đến nay, huyện Mường Ảng đã tổ chức đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, lựa chọn được hình thức phát triển kinh tế phù hợp, nâng cao mức sống. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mường Ảng đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.
Theo kết quả điều tra rà soát hiện tại huyện Mường Ảng có 25 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó có trên 22 nghìn người có khả năng lao động. Tuy nhiên, số lao động qua đào tạo chỉ chiếm 26%, còn số lao động chưa qua đào tạo bất cứ ngành nghề nào chiếm tới 74% và chủ yếu thuộc khu vực nông thôn. Chính vì vậy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo mục tiêu Nghị quyết 30a và Quyết định 1956 mở ra cơ hội lớn cho huyện nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 1956, các đơn vị chức năng huyện Mường Ảng đã tổ chức đào tạo cho gần 2.000 lao động nông thôn. Riêng năm 2012, huyện đã tổ chức được 28 lớp đào tạo nghề cho 980 lao động. Ngoài ra, hàng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho khoảng 5.000 lượt người. Thông qua công tác đào tạo nghề, tỷ lao động qua đào tạo của huyện tăng đều qua các năm, từ 20% (Năm 2008) lên 23% (Năm 2010) và 26,5% (Năm 2011). Nhiều người dân qua đào tạo đã thay đổi nhận thức, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển từ sản xuất tự cung cấp tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa.
![]() |
Cán bộ Trung tâm dạy nghề Mường Ảng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê cho nông dân. |
Xuất phát từ đặc thù cũng như tiềm năng thế mạnh của huyện về phát triển nông lâm nghiệp, công tác đào tạo nghề cũng được huyện tập trung vào các nghề trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Trong đó chú trọng nghề trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây cà phê, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm…vv. Gia đình anh Lò Văn Lún, bản Pom Ké, xã Ảng Cang đã trồng cây cà phê được hơn 2 năm. Khi mới triển khai trồng cây cà phê, gia đình anh gặp không ít khó khăn từ việc cải tạo đất chuyển đổi sang trồng cà phê đến ươm, lựa chọn giống, trồng và chăm sóc. Sau khi tham gia lớp dạy nghề do Trung tâm dạy nghề huyện Mường Ảng tổ chức, anh đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý báu về trồng và chăm sóc cây cà phê phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu địa phương. Đến nay gia đình anh đã trồng được 4 ha cây cà phê, trong đó có một số diện tích đã cho quả vụ đầu tiên. Thông qua lớp dạy nghề, anh cùng 10 học viên là những hộ trồng cà phê trong bản dự định thành lập một hợp tác xã sản xuất thuộc liên minh hợp tác xã của huyện. Hợp tác xã được thành lập với mục đích trợ giúp các thành viên về giống, vốn, kỹ thuật và nhân công trồng, chăm sóc, thu hái cà phê. Đồng thời phát triển thêm về chăn nuôi gia súc gia cầm, phát triển nuôi trồng thủy sản.
Các lớp đào tạo nghề về chăn nuôi cũng mang lại những hiệu quả thiết thực đối với học viên là lao động nông thôn. Gia đình ông Lò Văn Dụng, bản Huổi Sứa, xã Ảng Cang chuyên chăn nuôi lợn thịt. Trong khu chuồng của gia đình vào lúc cao điểm có từ 20 - 25 con lợn thịt, mỗi năm gia đình ông xuất hai lứa. Tuy nhiên, do kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế, thường xuyên phải đối mặt với các loại dịch bệnh nên chi phí chăn nuôi lớn dẫn đến thu lãi thấp. Khi lớp dạy nghề về phòng trị bệnh cho lợn được tổ chức, hai vợ chồng ông đều theo học. Những kiến thức tiếp thu được ông áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình, từ xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh đến tiêm phòng trị bệnh cho đàn lợn. Hiện tại, gia đình ông vẫn còn đàn lợn nhỏ 6 - 7 con và đàn lợn thịt 10 con. Giá lợn hơi khoảng 45 - 46 nghìn đồng/kg, trong khi giá lợn thịt vẫn trên 100 nghìn đồng/kg nên ông tự mổ lợn cho vợ mang ra chợ bán. Theo tính toán của ông, nuôi tận gốc, bán tận ngọn như vậy chăn nuôi lợn vẫn cho thu lãi bình thường.
Hiệu quả bước đầu của các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất truyền thống của người dân. Nhiều mô hình sản xuất đã ra đời. Tuy nhiên, nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn huyện còn rất lớn. Theo kết quả khảo sát có khoảng 14 nghìn lao động có nhu cầu theo học 60 ngành nghề. Để đáp ứng nhu cầu này là một thách thức không nhỏ của huyện Mường Ảng. Trong khi đó công tác đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn cần tháo gỡ. Đặc biệt là việc hoàn thiện cơ sở vật chất đưa Trung tâm dạy nghề vào hoạt động quy củ.
![]() |
Với số lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 74% đang đặt ra một thách thức rất lớn đối với một huyện nghèo như Mường Ảng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Theo mục tiêu của Nghị quyết 30a đến hết năm 2010, các huyện nghèo phải có tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn đạt từ 25% trở lên và đến năm 2015 là 40%. Mục tiêu đến năm 2010 huyện Mường Ảng đã đạt, tuy nhiên để đạt mục tiêu theo Nghị quyết 30a và Quyết định 1956, từ nay đến năm 2015, mỗi năm huyện phải đào tạo cho từ 700 - 1.200 lao động nông thôn. Trong khi đó, nguồn kinh phí được cấp hàng năm chỉ đáp ứng đào tạo được từ 150 - 500 lao động. Riêng năm 2012, huyện không được phân bổ vốn theo Quyết định 1956. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề của huyện gặp rất nhiều khó khăn và các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra sẽ khó đạt. Theo ông Nguyễn Công Toan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Ban chỉ đạo công tác dạy nghệ huyện Mường Ảng cho biết: “Ngoài việc khắc phục những khó khăn về kinh phí dành cho công tác đào tạo nghề, từ năm 2011, theo chủ trương chung của huyện về giảm nghèo theo địa chỉ, phòng đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã để người dân chủ động đăng ký thoát nghèo và việc dạy nghề sẽ ưu tiên cho các đối tượng này. Kết quả bước đầu của hình thức này đã minh chứng cho một cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt việc dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện huyện Mường Ảng còn nhiều việc cần làm. Trước hết cần nhanh chóng bàn giao cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm dạy nghề của huyện. Có kế hoạch đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương những người đã học nghề áp dụng vào sản xuất có hiệu quả để thay đổi nhận thức của bà con nông dân. Đồng thời cần những chính sách hỗ trợ người lao động sau học nghề như giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất. Có như vậy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Chu Linh - Duy Hưng