Cuộc sống mới của người dân trồng cây cao su Mường Chà
Điện Biên TV - Từ năm 2008 trở lại đây, cuộc sống của một bộ phận bà con đồng bào các dân tộc huyện vùng cao biên giới Mường Chà còn nhiều khó khăn, bước đầu đã dần dần được cải thiện và nâng lên. Người dân đã có một cách nhìn mới, một cách làm mới, bởi họ đã có cơ hội chuyển nghề khi cây cao su bén rễ và phát triển xanh tốt đang dần phủ xanh những khoảng đất trống, đồi núi trọc.
Đường kính thân cây cao su đạt từ 13 - 17cm. |
Đến với Nông trường cao su Mường Chà vào những ngày đầu tháng 9, qua tìm hiểu lãnh đạo Ban giám đốc Nông trường cao su chúng tôi được biết: “Để biến vùng đất hoang hóa, bạc màu thành vùng đất bạt ngàn cây cao su xanh tốt như hiện nay, Nông trường cao su đã gặp phải muôn vàn khó khăn, do bà con nông dân địa phương còn thiếu rất nhiều thông tin về hiệu quả của việc trồng cây cao su. Cụ thể là cây cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, chưa có sản phẩm nên chưa thuyết phục tính hiệu quả của việc kinh doanh. Đứng trước những khó khăn, thách thức ấy, Ban chỉ đạo Dự án và Ban giám đốc Nông trường cao su Mường Chà đã phối hợp mở nhiều hội nghị tại các thôn bản trong huyện, để phổ biến chủ trương, Nghị quyết của tỉnh tới từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt là dựa vào đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con về chủ trương trồng cây cao su nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho con em các dân tộc trong xã. Phân tích rõ quyền lợi và nghĩa vụ của việc gia nhập đội ngũ công nhân trồng cao su. Mưa dầm thấm sâu, dần dần bà con đã hiểu biết và tự giác tích cực tham gia trong công việc phát triển cây cao su”.
Từ năm 2008 đến nay, Nông trường cao su Mường Chà đã trồng được 1.021 ha diện tích cây cao su. Trong đó đội Na Sang 1 trồng được 170 ha; đội Na sang 2 trồng được 131,7 ha; đội Mường Mươn trồng được 157,6 ha; đội Huổi Nhả trồng được 192,5 ha và đội Thị trấn trồng được 368, 9 ha. Do đặc điểm tiểu vùng khí hậu có nhiều thuận lợi, đất đai màu mỡ, thời tiết ít gió vào mùa khô, mùa mưa kéo dài và rải đều trong năm nên hầu hết diện tích cây cao su được trồng từ năm 2008 đến nay, đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đã có nhiều diện tích cây cao su chuẩn bị khép tán và đường kính thân cây đạt từ 13 - 17 cm. Anh Hồ Phi Đảng - Giám đốc Nông trường cao su Mường Chà cho biết: "Đến nay, Nông trường đã tuyển dụng được trên 100 cán bộ, công nhân viên là bà con đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Kháng, Mông, Thái, Khơ Mú, Xạ Phang. Còn lại là hàng trăm lao động hợp đồng ngắn hạn làm theo mùa vụ. Hình thức liên kết theo dạng người lao động góp đất, Nông trường hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón, công tác kĩ thuật, hỗ trợ khuyến nông và cho ứng một phần chi phí nhân công, phần còn lại là do người lao động bỏ ra, Nông trường hỗ trợ khuyến nông, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong suốt thời kì khai thác. Đến khi cây cao su khai thác cho mủ sản phẩm Nông trường cam kết thu mua với giá ưu đãi".
Làm công nhân cho Nông trường cao su thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. |
Với mô hình như trên sẽ huy động được nguồn lực tại chỗ, giúp đồng bào phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tạo việc làm ổn định cho người dân...
Tại những vùng phát triển cây cao su, Nông trường đã hỗ trợ địa phương xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Đường giao thông nội bộ, hệ thống điện sinh hoạt, các hạng mục công trình văn hóa phúc lợi khác... Từ chiến lược phát triển của đơn vị theo hướng mũi nhọn là sản xuất kinh doanh sản phẩm cao su, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao từ cây cao su. Trong số đó có gia đình ông Mùa Vảng Sình ở thị trấn huyện Mường Chà. Gia đình ông Vảng đã nhận trồng và chăm sóc 8 ha cây cao su với nông trường, mỗi năm có thu nhập gần 60 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho các con cháu trong gia đình.
Bằng hình thức góp đất trồng cây cao su, đồng bào các dân thiểu số huyện Mường Chà đã có cổ phần trong Tập đoàn công nghiệp cây cao su Việt Nam. Họ đã là người chủ thực sự của các sản phẩm mình làm ra. Cứ mỗi ha đất người dân mang góp sẽ được ghi cổ tức 10 triệu đồng. Quyền lợi người dân được đảm bảo và được ưu tiên tuyển dụng vào làm công nhân của Nông trường. Công nhân của Nông trường còn được đóng bảo hiểm xã hội, y tế và được khen thưởng bằng vật chất dựa trên hiệu suất lao động. Đã 3 năm nay, trồng cao su đã trở thành nghề có thu nhập chính của vợ chồng anh Chớ A Dơ ở bản Háng Lìa, xã Xa Lông, huyện Mường Chà. Những lúc rảnh rỗi gia đình anh vẫn tranh thủ làm thêm lúa ruộng, chăn nuôi gia cầm, gia súc để cải thiện cuộc sống. Trước đây đời sống của người dân bản Háng Lìa chủ yếu là lên rừng phát nương làm rẫy, chăn nuôi trâu bò, nay thì đã khác gần như trong bản nhà nào cũng có người tham gia làm công nhân cho Nông trường để trồng cây cao su. Làm nhiều thu nhập cao bình quân mỗi tháng được 2,5 đến 3 triệu đồng/người/ tháng.
Dòng nhựa trắng ngày mai đang bắt đầu từ những ngày tháng cần mẫn lao động nhọc nhằn trong nắng hè đổ lửa; trong những ngày đông lạnh giá cắt da, cắt thịt, nhưng họ vẫn không hề chùn bước, vẫn miệt mài với những công việc cực nhọc vất vả để hạ đường băng, đào hố trồng cao su cốt làm sao để cho kịp thời vụ. Thấp thoáng xa xa, bóng dáng của những người công nhân áo xanh, hòa lẫn trong rừng cây cao su. Họ đang khoác trên mình những máy cắt cỏ, những máy phun thuốc trừ sâu, bón phân cho từng gốc cây cao su. Đôi chân và đôi vai của họ dường như không biết mệt mỏi. Sự khát khao chờ đợi, tin tưởng vào một cuộc sống no ấm hạnh phúc hơn của bà con đồng bào dân tộc thiểu số sắp thành sự thật khi rừng cây cao su xanh thẫm tuôn trào dòng nhựa trắng./.
Quang Phong – Ngọc Bích