Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 28/09/2012, 15:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang là vấn đề nóng bỏng và là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vấn đề này đã được các nhà khoa học cảnh tỉnh trước đó rất lâu, thế nhưng cho đến hôm nay, tình trạng vẫn không được cải thiện. Không phải là địa bàn có hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển song môi trường ở huyện vùng cao Điện Biên Đông cũng là vấn đề đáng quan tâm. 

Phá rừng làm nương rẫy  là một trong những tác nhân ảnh hưởng xấu tới môi trường

Điện Biên Đông là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước và là huyện đặc biệt khó khăn; kinh tế chậm phát triển, người dân sống phụ thuộc vào nương rẫy là chủ yếu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép làm nương rẫy. Vấn đề trên đã tác động xấu tới môi trường sống. Chính từ thực tế đó, đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương bài toán về công tác bảo vệ môi trường. Lời giải của bài toán không thể tìm được ngay trong một sớm một chiều.

Hôm nay trưởng bản Lầu Phá Di, bản Sa Dung C, xã Sa Dung đã huy động bà con ở bản đến từ rất sớm để họp nhằm phổ biến công tác bảo vệ rừng. Mặc dù, vẫn chưa kết thúc mùa mưa song với bà con dân bản ở đây thì công tác chăm sóc và bảo vệ rừng luôn được đề cao. Bà con luôn ý thức được việc bảo vệ rừng đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ chính nguồn nước của dân bản. Ở hầu hết các cuộc họp dân, không chỉ bản Sa Dung C mà tất cả các bản trong xã Sa Dung đều lồng ghép tuyên truyền các văn bản luật, quy định, quy chế chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức cho nhân dân để từng bước thực hiện có hiệu quả công tác này. Cho đến nay, phần lớn diện tích rừng của xã Sa Dung đều đã được giao khoán cho các hộ, nhóm hộ quản lý, khai thác và bảo vệ. Rừng gắn chặt với lợi ích của người dân nên các gia đình đã ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ rừng.

Sa Dung là xã điển hình trong công tác giữ rừng, bảo vệ môi trường ở Điện Biên Đông. Những mô hình bảo vệ rừng ở đây đang được huyện nhân rộng. Ông Lò Văn Thanh - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cho biết: “ Hạt kiểm lâm huyện đã triển khai kinh nghiệm giữ rừng của người dân xã Sa Dung tới từng các xã khác trong huyện. Ngoài ra, Hạt cũng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận cho nhân dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn triển khai luật bảo vệ môi trường; ngăn chặn tình trạng phá rừng; phân công nhiệm vụ cho cán bộ kiểm lâm xuống cơ sở, phụ trách địa bàn các xã. Từ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, Hạt đã chấn chỉnh lại việc quản lý, bảo vệ rừng; gắn rừng với trách nhiệm của từng cán bộ trực tiếp cắm xã. Rừng nào bị phá thì người cán bộ cắm xã trực tiếp phải chịu trách nhiệm."

Bản Sa Dung C, xã Sa Dung họp dân để phổ biến công tác bảo vệ rừng.

Trong những năm qua, huyện Điện Biên Đông đã chú trọng tới công tác phát triển rừng, nghề rừng bằng việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước bằng mọi hình thức. Ví dụ như chương trình khuyến nông khuyến lâm, chương trình giao đất giao rừng, dự án 661, đặc biệt là việc thực hiện tinh thần nghị quyết 30a. Ông Tô Quang Tiếp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: "Qua 10 năm tổng kết dự án 661, diện tích giao khoán khoanh nuôi tái sinh rừng mới có trên 3.500 ha; diện tích bảo vệ rừng hiện có khoảng 9.000 ha; khoảng 500 ha diện tích rừng trồng mới. Huyện đặc biệt chú trọng tới việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Nhiều diện tích rừng rất nghèo nàn, sau 5 năm hoặc 7 năm có thể nói có những diện tích thành rừng giàu, góp phần quan trọng trong việc triển khai chương trìn 167; nhiều gia đình đã có thu nhập từ nghề rừng. Tôi cho rằng đây cũng là những thành quả trong quá trình triển khai dự án 661 trên địa bàn huyện”. Thực tế những năm gần đây cho thấy, khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, mưa bão, lũ quét thất thường, suy thoái đất, nước, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng… Đó là các vấn đề về môi trường mà toàn nhân loại đã và đang đối mặt. Con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc làm cho môi trường không còn khả năng tự phân hủy. Mặc dù chưa có những số liệu đánh giá chính xác về mức độ tác động của con người tới môi trường song rõ ràng với những hoạt động trên đã phần nào tác động đến môi trường ở Điện Biên Đông. Bên cạnh đó, vấn đề khai thác khoáng sản ở Điện Biên Đông cũng đã và đang làm huỷ hoại môi trường sinh thái. Việc sử dụng mìn khai thác ở nhiều lĩnh vực đang tàn phá sự cân bằng về hệ sinh thái môi trường. Mặc dù những hành động đó chưa có sự tham gia tích cực của yếu tố kỹ thuật, do vậy mà sức tàn phá đối với môi trường chưa đạt mức độ nghiêm trọng song cũng không phải là không đáng bàn. Rõ ràng môi trường đang là vấn đề rộng lớn mang tính thời đại không chỉ của Điện Biên Đông và cũng không phải chỉ của Điện Biên. Để giải quyết tốt được vấn đề này không thể chỉ trong một sớm một chiều. Hơn lúc nào hết, lúc này, các cấp, ngành của huyện Điện Biên Đông cần có những định hướng và có những việc làm thiết thực, góp phần vào nhiệm vụ chung là gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và môi trường sống.

Rừng được ví như "lá phổi xanh" điều hòa không khí, bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống

Trước hết để làm tốt công tác bảo vệ môi trường sống, cần phải thay đổi nhận thức – xây dựng ý thức sinh thái cho người dân. Nghĩa là làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Thông qua quá trình phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ, con người dần dần nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và tìm cách vận dụng một cách hợp lý các quy luật đó vào hoạt động thực tiễn của xã hội, để tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó, cần phải kết hợp giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu sinh thái trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá... Cùng với đó, hoạt động sản xuất, khai thác cần phải gắn với tái sản xuất các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Với điều kiện của một huyện vùng cao, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế thì cần phải phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền. Cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề môi trường; thường xuyên đưa các thông tin về bảo vệ môi trường trong các buổi hội họp; tập trung dân ở từng địa phương. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gia đình thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, những cá nhân tiêu biểu đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần lên án, phê phán những trường hợp gây tác hại đến môi trường. Các địa phương cũng có thể coi việc bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí bình xét các danh hiệu thi đua./.

Minh Thịnh - Duy Hưng
 

.