Cần gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường

Thứ Bảy, 08/09/2012, 18:39 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo thói quen, hễ trên đồng ruộng xuất hiện sâu bệnh hại là bà con nông dân lại mua các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phun phòng trừ. Việc lạm dụng thuốc BVTV cũng như việc vứt các vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV một cách bừa bãi đang gây hại cho sức khỏe con người và môi trường cả về trước mắt cũng như lâu dài không phải ai cũng nhận biết được.
          
Thực tế tại cánh đồng của bản Pom Ban, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh vô số vỏ các loại chai lọ, bao bì đựng thuốc BVTV không được thu gom tiêu hủy mà bị vứt bừa bãi trên bờ ruộng, trôi dọc theo mương dẫn nước, tràn lan khắp các ruộng lúa. Ông Lò Văn Toản – người bản Pom Ban cho biết, ruộng lúa của gia đình ông đang trong thời kỳ làm đòng chuẩn bị trổ bông, từ đầu vụ đến nay, gia đình đã phải 3 lần sử dụng thuốc BVTV để phun phòng trừ sâu bệnh. Cũng theo ông Toản, không riêng gia đình ông, mà hầu hết các gia đình khác trong bản cũng đều phải nhiều lần sử dụng thuốc BVTV trong cùng một vụ canh tác. Sau khi sử dụng, không một ai nghĩ tới việc thu gom vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc để tiêu hủy mà đều “tiện tay” vứt ngay trên đồng ruộng. Một bản nhỏ có vài chục hộ dân, mỗi vụ sản xuất trên mỗi thửa ruộng hộ nào cũng phải vài ba lần sử dụng thuốc BVTV, thật dễ hiểu cho thực tế về lượng vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sao lại nhiều đến thế. Và đây chắc chắn không chỉ là thực trạng của riêng bản Pom Ban, của xã Quài Tở hay của huyện Tuần Giáo mà là thực trang chung của nhiều địa phương sản xuất nông nghiệp khác.

Thuốc BVTV
Hình ảnh vỏ bao bì thuốc BVTV trôi nổi trên kênh dẫn nước tại cánh đồng bản Pom Ban, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo


Việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, không đúng kĩ thuật, không cần căn cứ vào hiện trạng của hệ sinh thái đồng ruộng sẽ làm cho hiểm họa sâu bệnh của những năm sau này ngày càng trầm trọng hơn.  Thuốc BVTV là một trong các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường sống, vì theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn: khi phun thuốc BVTV để trừ dịch hại ngoài đồng thì chỉ có 5-7% lượng thuốc tham gia vào quá trình trực tiếp tiêu diệt dịch hại, còn 95-93 %  bị rửa trôi vào nguồn nước, thẩm thấu vào đất canh tác gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và tiêu diệt các loại vi sinh vật có ích. Mặt khác, khi phun thuốc bị khuếch tán vào trong không khí và nhờ gió mưa chuyển đi đến các vùng khác nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của cộng đồng dân cư sinh sống bên cạnh những cánh đồng.
         
Theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật Trạm bảo vệ thực vật huyện Tuần Giáo, nguyên tắc khi sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng nếu tuân thủ đúng kĩ thuật, thời gian cách ly và tác động của các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, ánh sáng, nước mưa, sự phân giải của các vi sinh vật thì đa số các loại thuốc bị phân hủy thành các chất ít độc hại đối với con người. Nhưng hiện nay, do sự thiếu hiểu biết của bà con nông dân trong việc phòng trừ sâu bệnh, đã sử dụng quá nhiều thuốc BVTV làm đảo lộn hệ sinh thái nông nghiệp. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên những đợt dịch sâu bệnh trầm trọng trên đồng ruộng của những năm sau. Khi phun thuốc BVTV trên đồng ruộng không chỉ tiêu diệt các loại sâu bệnh gây hại mà còn tiêu diệt cả các loại côn trùng có ích mà người ta còn gọi đó là thiên địch. Đa số các loại thiên địch có ích bị tiêu diệt trước do chúng dễ mẫn cảm với thuốc BVTV hơn nhiều so với các loài sâu hại. Hiện nay, thuốc BVTV không thể tiêu diệt hết các loài sâu bệnh khi phun trên đồng ruộng. Vì vậy nơi nào người dân dùng nhiều thuốc để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại thì ở chính những nơi đó sẽ thường xuyên bùng phát dịch bệnh vào những mùa vụ và năm sau, do thiên địch chưa chưa kịp hồi phục để đủ sức khống chế sâu hại. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc BVTV không đúng kĩ thuật sẽ dẫn đến hiện tượng sâu bệnh hại nhờn thuốc, kháng thuốc. Do đó những vụ mùa năm sau muốn tiêu diệt sâu bệnh hại, người dân phải tăng nồng độ và liều lượng các loại thuốc BVTV dẫn đến lượng thuốc BVTV tăng dần qua mỗi năm trên cùng một đơn vị diện tích. Điều đó gây tốn kém về kinh tế, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, càng gây nguy hại đến sức khỏe con người.

Thuốc BVTV
Cán bộ Trạm BVTV Tuần Giáo hướng dẫn nhân dân cách sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý. Có lẽ, người nông dân cần nhiều hơn những buổi hướng dẫn như thế này để thay đổi tư duy trong sử dụng thuốc BVTV.


Từ những hiểm họa mà thuốc BVTV gây ra cho con người và môi trường sinh thái ngày càng hiện hữu, Trạm bảo vệ thực vật huyện Tuần Giáo đã hướng dẫn nông dân thực hành canh tác và bảo vệ cây trồng theo hướng phòng trừ tổng hợp. Theo đó, nhiều biện pháp kỹ thuật tổng hợp như: tạo cây trồng sinh trưởng khỏe bằng các biện pháp canh tác như làm đất bón phân, chọn giống tốt để cây trồng có thể tự bù đắp những thiệt hại do sâu bệnh gây ra; nâng cao kiến thức về kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân thông qua các lớp tập huấn, các mô hình trình diễn, để bà con nông dân trở thành những chuyên gia trên đồng ruộng giúp mà họ tự quyết định có nên phun thuốc hay không theo từng điều kiện cụ thể của đồng ruộng; và phải sử thuốc BVTV chỉ là một biện pháp cuối cùng khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại về kinh tế mà biện pháp khác không đủ khả năng khống chế. Mặt khác, cán bộ kỹ thuật của Trạm bảo vệ thực vật tăng cường công tác điều tra dự báo giai đoạn phát triển của sâu bệnh hại, thông báo kịp thời tới bà con nông dân để áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
        
Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bằng thực hiện các chương trình: sử dụng thuốc BVTV 4 đúng, thực hiện chương trình 3 giảm 3 tăng trong thâm canh cây lúa…, chính là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm lượng thuốc BVTV trên đồng ruộng, mà vẫn đảm bảo năng suất cây trồng. Song một số bà con nông dân do thiếu hiểu biết kỹ thuật nên chỉ coi thuốc BVTV là một phương tiện duy nhất trong phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại… gây hại trên cây trồng, đồng nghĩa với sức khỏe con người và môi trường sống ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.


            

                                                                               Quang Phong

.