Sín Chải ngày mới
Điện Biên TV- Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cùng với sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước, nhân dân các dân tộc Sín Chải đã phát huy nội lực. Đời sống mọi mặt của người dân từng bước nâng lên. Diện mạo vùng cao Sín Chải đang ngày càng khởi sắc
![]() |
Vùng cao Sín Chải đang chuyển mình |
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cao nguyên đá Sín Chải nằm trong vùng căn cứ cách mạng Châu Tuần Lai (nay là huyện Tủa Chùa). Cái tên Sín Chải đã làm cho bọn thực dân hoang mang lo sợ bởi nhiều tổn thất nặng nề. Chính vì vậy, Sín Chải là một trong những mục tiêu mà chúng hướng đến để tiêu diệt nhưng với lòng yêu nước và ý chí khát khao giành độc lập dân tộc, Sín Chải vẫn kiên cường bất khuất chống thực dân.Trong những năm tháng chiến tranh, các thế hệ cha anh đã nối tiếp nhau đi theo cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập, tự do.
Sau ngày đất nước độc lập, tự do người dân nơi đây đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết cùng nhau vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Hiện tại, xã Sín Chải có trên 670 hộ dân với gần 4.200 nhân khẩu, sinh sống ở 12 thôn, bản. So với mặt bằng chung của cả nước, Sín Chải vẫn là xã nghèo của huyện nghèo, kinh tế chậm phát triển nhưng có cuộc sống hôm nay là thành quả của cả một quá trình nỗ lực không ngừng. Thành quả đó, trước hết là từ chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách đầu tư của Nhà nước thông qua những chương trình, dự án như: 134, 135, 167/CP, Nghị quyết 30a của Chính phủ và chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng cao của tỉnh đã tạo tiền đề giúp kinh tế xã có những bước chuyển mình, phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
![]() |
![]() |
Nông dân Sín Chải thâm canh, tăng năng xuất cây trồng, sử dụng máy móc chế biến nông sản phục vụ chăn nuôi |
Trước đây, kinh tế của bà con trong xã chỉ dựa vào cây ngô, lúa nương với tập quán du canh, du cư, tự cấp tự túc trên diện tích nhỏ hẹp, manh mún, cho năng suất thấp. Hiện nay, bà con đã biết áp dụng những phương thức tiên tiến hơn trong sản xuất, chăn nuôi. Mạnh dạn cải tạo, khai hoang diện tích để gieo cấy lúa ruộng, trồng đậu tương, làm chuồng trại phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, năng suất, sản lượng lương thực tăng dần qua các năm, bình quân lương thực đầu người đạt 385kg/năm.
Người dân ở Sín Chải không những đã thoát khỏi cảnh đứt bữa trong những tháng giáp hạt mà còn giảm bớt được cái nghèo, nhiều hộ còn có sản phẩm tiêu thụ, bán buôn ra ngoài địa bàn. Ngoài việc chú trọng sản xuất nông nghiệp, chính quyền xã còn vận động bà con gắn bó với rừng, giao khoán khoanh nuôi rừng tái sinh, bảo vệ rừng nguyên sinh tới từng hộ dân.
Ông Mùa A Chinh Chủ tịch UBND xã Sín Chải tâm sự: "Giấc mơ có đường nhựa và điện lưới quốc gia, là điều mà bà con nơi đây hằng mong mỏi, đau đáu bao nhiêu năm nay giờ đã thành hiện thực. Tuyến đường giao thông từ huyện vào trung tâm xã đi các bản Mảng Chiềng, Hấu Chua đã được bê tông nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa. Điện lưới quốc gia mang ánh sáng văn minh đến với người dân. Cái lý của người Mông ở Sín Chải "đẻ nhiều để có người phát rẫy làm nương”, "bệnh tật, ốm đau là do ma rừng” đã không còn nữa. Hệ thống trường lớp, đủ các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, đã biến ước mơ, khát khao được theo đuổi "cái chữ” của con em người dân trong xã đã thành hiện thực".
Cây chè cổ thụ hàng vài trăm năm tuổi là một tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy kinh tế của xã phát triển. Cách đây chục năm, cây chè đơn thuần chỉ có giá trị sử dụng là thứ lá để người dân pha nước uống. Nhưng từ khi tỉnh có dự án quy hoạch, phát triển vùng chuyên canh cây chè cổ thụ ở 4 xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa cây chè Tuyết Shan ở Sín Chải trở nên nổi tiếng. Cả huyện Tủa Chùa có gần 10.000 cây chè cổ thụ, riêng xã Sín Chải có tới trên 3.000 cây, ngoài ra còn có hơn 60 ha chè mới trồng.
![]() |
![]() |
Chè cổ thụ, nguồn thu nhập lớn của nông dân vùng cao Sín Chải |
Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng chè thu hái được gần 6 tấn, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2011, chè thu hái đến đâu được thu mua đến đó và sao tại Xưởng chế biến Chè trung tâm xã, với giá bán 13.000 đồng/ kg xã Sín Chải đã thu về gần 1 tỷ đồng, nhờ cây chè nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo.
Ông Mùa A Nhè ở bản Cáng Tỷ, cựu du kích chống Pháp năm nay 84 tuổi vui mừng cho biết. Tiếng động: Ông Mùa A Nhè, người dân Sín Chải cho biết: “ Trước đây, người dân Sín Chải khó khăn vất vả lắm, không có đường giao thông, không có trường, không điện, lạc hậu đói nghèo triền miên, gia đình nào cố gắng lắm cũng bị thiếu ăn và ba tháng trong năm. Nay nhờ có Đảng, Nhà nước: điện, đường, trường, trạm xã đã có đủ cả, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, gia đình nào cũng làm được nhà ở kiên cố lợp ngói, tôi vui mừng lắm Sín Chải đổi thay rất nhiều”.
Đời sống nhân dân xã Sín Chải những năm gần đây đã được nâng lên đáng kể và ngày càng có thêm nhiều nguồn thu cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 57%, lương thực bình quân đầu người còn thấp. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, người dân Sín Chải đã phát huy truyền thống cách mạng, tự lực vươn lên, tận dụng tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của vùng căn cứ địa cách mạng./.
Quốc Hưng