Ô nhiễm nguồn nước mặt- Thực trạng và giải pháp

Thứ Năm, 19/04/2012, 09:53 [GMT+7]

(Điện Biên TV)- Bảo vệ môi trường không đi đôi với tốc độ đô thị hóa là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước mặt.

rác thải
Một trong các cửa xả nước thải trực tiếp ra sông Nậm Rốm

Thành phố Điện Biên Phủ hiện có 7 cửa xả nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông Nậm Rốm. Chủ yếu là nước thải sinh hoạt của hàng vạn dân cư T.P và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý  gây ô nhiễm nguồn nước. Hệ thống cống rãnh T.P Điện Biên Phủ một số nơi bị bật nắp, rác thải không được thu sẽ cuốn vào cống trong những trận mưa, hòa vào dòng chảy đổ vào sông. Phía thượng nguồn sông Nậm Rốm, các suối chảy qua các bản làng mang theo phân gia súc, rác cuốn theo đủ thứ cặn bã do con người thải ra. Nước sản xuất nông nghiệp chứa các chất thải hữu cơ, vô cơ và cả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng góp phần làm ô nhiễm dòng sông. Màu xanh trong lành dòng Nậm Rốm hiện nay không còn, thay vào đó là dòng nước đục ngầu chứa nhiều tạp chất, có lúc bốc mùi tanh nồng, hăng hắc của khuẩn coli gây thối.

Chỉ tính riêng địa bàn thành phố, lượng chất thải rắn từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế và rác thải sinh hoạt khoảng 30 tấn/ngày. Tại khu vực TP. Điện Biên phủ, nước thải ra sông Nậm Rốm khoảng 4.300m3/ngày. Các chất thải sinh hoạt, dầu nhớt, a xít, sắt... từ các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy không qua xử lý thải trực tiếp vào các sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt.  Ông Lê Minh Hải - Phó chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: “Hiện nay hệ thống thoát nước thải ở khu dân cư trên địa bàn phường chưa có chưa qua sử lý mà chảy thẳng ra sông Nậm Rốm. Tình trạng này đã gây ô nhiễm trực tiếp đến sông Nậm Rốm.”

Hầu hết tại các chợ nguồn nước thải đổ trực tiếp xuống hệ thống thoát nước chảy ra sông Nậm Rốm. Tại khu vực chợ tạm cầu Mường Thanh, do mặt bằng chợ không đáp ứng nhu cầu buôn bán nên một phần bờ kè của sông Nậm Rốm phía phường Mường Thanh trở thành khu vực người dân sử dụng buôn, bán những mặt hàng thuỷ sản, gia cầm. Hiện tại, khu vực này có hơn 10 hộ tư nhân đang kinh doanh giết mổ gia cầm tại chỗ với số olượng gần 300 con mỗi ngày. Nước thải được các hộ kinh doanh, giết mổ gia cầm đổ trực tiếp xuống sông Nậm Rốm, theo một hệ thống đường ống bằng nhựa. Ngoài ra, một số hộ kinh doanh, mổ cá cũng đổ trực tiếp nước thải xuống sông hoặc tràn lan ngay lối đi tại khu vực chợ tạm.

nậm Rốm nậm Rốm
Rác thảc tăng mức độ ô nhiễm sông Nậm Rốm  Các xã cuối kênh đang hứng chịu ô nhiễm       

Trong khi đó, tại các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên, tình trạng xả nước thải, rác sinh hoạt dặc biệt là túi nilong ra nguồn nước, hệ thống kênh mương thủy lợi vẫn diễn ra. Ông Hoàng Văn Trúc - Xã Thanh Chăn huyện Điện Biên cho biết: “ Mặc dù đã được tuyên truyền trong các cuộc họp thôn bản, đại hội xã viên… về bảo vệ môi trường đặc biệt là bảo vệ nguồn nước như: Không đổ rác, chất thải ra kênh mương, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên đồng ruộng nhưng vẫn còn một số người dân chưa thực hiện.”

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nước, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện các chính sách để bảo vệ môi trường như: Kiện toàn bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường tiềm lực cho đội ngũ làm công tác quản lý môi trường từ tỉnh đến cơ sở; trong đó, chú trọng đến giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Tổ chức tuyên truyền về vai trò, thực trạng nguồn tài nguyên nước và vệ sinh môi trường đối với sức khỏe, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân; tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ nguồn tài nguyên nước của các nhóm đối tượng, cộng đồng dân cư đồng thời cụ thể hóa bằng các hoạt động như xây dựng mô hình "Đoạn sông tự quản", phát động thực hiện các phong trào xanh, sạch, đẹp, xây dựng tuyến phố văn minh, khu phố văn hóa, xã hội hóa công tác thu gom rác thải… dựa trên sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể nhân dân tại cơ sở.

Tuy nhiên, hiện nay hầu như tại các khu chợ lớn, nhỏ, các khu dân cư tập trung, khu vực công cộng vẫn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung hợp tiêu chuẩn, nên mỗi ngày có hàng chục ngàn mét khối nước thải sinh hoạt được thải trực tiếp ra các hệ thống sông, suối, kênh, mương trên địa bàn. Mặt khác, tình trạng người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi xuống kênh mương, ao, hồ vẫn còn khá phổ biến nên càng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

nậm Rốm
Rác thải tồn đọng tại bản Lôm xã Nọng Luống huyện Điên Biên

 

Ông Lò Văn Pánh - Phó chủ tịch UBND xã Nọng Luống phản ánh: “Hồ bản Lôm nằm ở khu vực cuối kênh mương lòng chảo Điện Biên, hiện nay rác thải ở các xã trên kênh dồn về với số lượng lớn. Điều đáng nói là khi có dịch gia súc, gia cầm chết dồn về đây gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, cá chết hàng loạt”.
Thực trạng nguồn nước tự nhiên đang bị đe dọa đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với các ngành chuyên môn và địa phương trong vấn đề bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Trước mắt để hạn chế ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc tuân thủ các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Rà soát lại các ngành nghề sản xuất có tác động đến môi trường, các nguồn thải nằm trong lưu vực sông Nậm Rốm, các tuyến kênh, mương trên địa bàn thành phố và các xã khu vực lòng chảo để đưa ra giải pháp xử lý và chấn chính hiệu quả nhất.
Các sở, ngành liên quan cần thực hiện việc phân vùng tiếp nhận nước thải trên sông, suối, kênh mương; điều tra thống kê các nguồn thải chính đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn. Đề xuất phương án xây dựng hệ thống cải tạo, hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra sông, suối, kênh mương.

nậm Rốm
Khai thác cát sỏi bừa bãi gây sạt lở thay đổi dòng chảy các con sông, suối

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ quan tham gia quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước như: ngành NN&PTNT; Trung tâm Nước sạch nông thôn; Công ty Xây dựng và Cấp nước. Trong đó, ngành TN&MT cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, quản lý các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước... Chính vì vậy để góp phần ngăn chặn tình trạng cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước, các ban, ngành liên quan cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên nước đến mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức khai thác tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Tỉnh cần có cơ chế rõ ràng trong việc quản lý tài nguyên nước và công trình thủy lợi; cần phối hợp và quản lý đồng bộ trong việc xây dựng, phê duyệt, quy hoạch phát triển của các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước./.


                                                                                                                                                                     Tuấn Trung

.