Lễ hội Gầu Tào - Nét văn hoá dân tộc Mông
Điện Biên TV - Đồng bào Mông có đời sống tinh thần, tâm linh rất phong phú, đa dạng, với nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống của người Mông chính là Lễ hội Gầu Tào. Sau một thời gian dài không được tổ chức, từ ngày 6-8/2/2022, huyện Nậm Pồ chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã tổ chức phục dựng thành công Lễ hội Gầu Tào tại xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ. Đây là một lễ hội mang tính cộng đồng và đặc trưng văn hóa của dân tộc Mông vùng Tây Bắc.
Theo truyền thuyết dân gian kể lại, trước đây, những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con trai.
Nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ đó. Lúc đầu nó chỉ đơn thuần là gắn liền với việc “cầu con”, do một gia đình nào đó trong bản đứng lên tổ chức, chỉ những gia đình giàu có mới tổ chức được lễ hội này.
Đã nhiều năm nay, Lễ hội Gầu Tào không được tổ chức. Đến nay, lễ hội dân gian truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu này đã được phục dựng lại. Bởi vậy ngoài ý nghĩa ban đầu của lễ hội là cầu phúc, cầu mệnh đã có sự biến đổi, nâng tầm thành lễ hội của bản với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ Gầu Tào được tổ chức trên một quả đồi thấp, phẳng. |
Theo ông Giàng A Vừ, người dân xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ: “Hàng năm, sau khi ăn Tết xong, từ mùng 2-10 âm lịch lễ Gầu Tào được tổ chức để bà con đến giao lưu và cầu mong một cuộc sống tốt hơn.”
Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào, đây là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.
Cây nêu là biểu tượng chính linh thiêng trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông, do đó cây nêu luôn được chọn rất cẩn thận, phải là những cây thẳng, không bị sâu, không bị cụt ngọn, đặc biệt là không chọn cây đổ. Khi chặt cây, người chủ cúng hoặc chủ nhà phải thắp hương cầu khấn các vị thần để xin chặt cây, sau đó mới được chặt. Từ khi chặt cây và mang cây về dựng cây nêu thì không được để cây chạm xuống đất. Cây nêu được dựng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất. Trên phần ngọn cây nêu họ thường treo một dải vải chàm màu đen hoặc đỏ, một cút rượu, một túm ngô hoặc thóc, một xâu tiền bạc. Dưới gốc cây nêu họ đặt đồ lễ dâng lên các vị thần linh.
Người chủ lễ thực hiện các nghi thức cũng tế tại Lễ hội Gầu Tào. |
Lễ cúng bên cây nêu được diễn ra ngay buổi sáng hôm đó với lễ vật là gà, rượu và cơm. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài “Tịnh chay” cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu tổ chức lễ tạ ơn, rồi mọi người hưởng lộc ngay dưới chân cây nêu.
Việc dựng cây nêu ngoài ý nghĩa tâm linh, cầu khấn còn có ý nghĩa thông báo về việc tổ chức lễ hội cho mọi người. Khi cây nêu được dựng xong, người trong bản hay các vùng khác nhìn thấy sẽ biết rằng: năm nay bản này sẽ mở hội Gầu Tào và dân bản sẽ chuẩn bị áo váy, bố trí thời gian đi dự hội, trai gái ở bản trên bản dưới cũng hẹn ước nhau đầu năm đến bên cây nêu gặp mặt.
Bắt đầu phần hội, phần này được tổ chức với nhiều trò chơi bổ ích, lý thú. Đó là những trò chơi dân gian, như đánh cù, đấu võ, bắn nỏ; còn những trò vui mang tính nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp. Hội thi là nơi để thanh niên nam nữ trổ tài và cũng chính là nơi họ gặp gỡ, tâm sự và tìm hạnh phúc cho mình.
Là một lễ hội lớn, một sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, hội Gầu Tào thực sự hẫp dẫn. Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào trở thành lễ hội trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên Mông.
Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào trở thành lễ hội trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên Mông. |
Lễ hạ nêu cũng rất quan trọng, sau 3 đến 5 ngày tổ chức, thầy cúng sẽ làm lễ hạ cây nêu, kết thúc lễ hội. Nếu là hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông con rước nêu về. Gia chủ gác cây nêu ở đằng sau nhà hoặc chẻ ra làm rát giường mong sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo cầu mong mạnh khỏe.
Tình thân và tình yêu trở thành âm hưởng chủ đạo của Lễ hội Gầu Tào. Lễ hội cũng là nơi các chàng trai cô gái Mông tự do đi tìm bạn tình của mình, không gian lễ hội như đắm chìm trong sắc màu của tuổi trẻ và tình yêu. Kết thúc mỗi cuộc thi, những đôi nào hát hay, hát giỏi, múa khèn giỏi, múa võ giỏi sẽ được gia chủ mời rượu cảm ơn.
Lễ hội thường kéo dài từ 3 - 5 ngày rồi kết thúc, mọi người lại trở về với cuộc sống sống đời thường, nhưng dư âm Gầu Tào vẫn còn vang vọng mãi trong tâm tưởng của những người dự lễ hội. Lời ca, chén rượu như gửi gắm nhiều nỗi niềm lưu luyến và ước vọng riêng tư. Trên khắp các bản, những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới hòa quyện cùng giai điệu rộn ràng, như thay lời hẹn ước mùa xuân sau trở lại./.
Tuấn Trung - Tiến Dũng/DIENBIENTV.VN