Tục ăn Tết "năm cùng" của người Dao
Đã thành thông lệ, cứ bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp hàng năm, khi mùa màng thu hoạch xong, là các gia đình người Dao họ lại tổ chức ăn Tết "năm cùng".
Phụ nữ người Dao đang nấu món cháo. (Ảnh: Dân trí) |
Cùng với cộng đồng 54 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc Dao cũng đang rộn ràng không khí đón xuân với bản sắc văn hóa độc đáo. Tết của người Dao Họ ở huyện Văn Bàn, Lào Cai vẫn còn giữ được rất nhiều nét đặc trưng, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng xây đắp cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Đã thành thông lệ, cứ bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp hàng năm, khi mùa màng thu hoạch xong, là các gia đình người Dao họ lại tổ chức ăn Tết "năm cùng" tức là bữa cơm cuối cùng trong năm, vừa để báo công với ông bà, tổ tiên về thành quả của một năm lao động, đồng thời cũng là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Bánh tro là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết, cho dù gia đình khá giả hay khó khăn thì cũng đều gói bánh tro, cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, gia đình an khang, hạnh phúc.
Người làm chủ lễ cúng gia tiên, phải là người đã được cấp sắc, người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ, cầu xin sức khỏe, bình an cho gia đình, cầu cho mùa màng tươi tốt và mời ông bà, tổ tiên cùng những người đã khuất của gia đình về ăn Tết.
Sau bữa cơm năm cùng, người Dao họ tắm rửa bằng nước được đun với lá và rễ cây, với ý nghĩa rũ sạch bụi bẩn, những điều xấu xa của năm cũ để bước vào năm mới sạch sẽ, may mắn hơn. Sau đó, họ mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để đón giao thừa.
Theo VTV