Đôi nét về người Khơ Mú ở Điện Biên
Điện Biên TV - Khơ Mú là 1 trong những cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Điện Biên. Họ cư trú theo làng bản và có một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, góp phần quan trọng làm nên dấu ấn vô cùng độc đáo của người Khơ Mú.
Vợ chồng anh Lường Văn Giới trong trang phục truyền thống của dân tộc. |
Để tìm hiểu về cuộc sống thường ngày cũng như phong tục tập quán của người Khơ Mú, chúng tôi tìm đến nhà anh Lường Văn Giới ở bản Pú Tửu B, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Anh cho biết: Người Khơ Mú sống theo gia đình nhỏ phụ quyền. Khi trai gái người Khơ Mú đến tuổi được tìm hiểu bạn đời, hôn nhân phải theo chế độ một vợ, một chồng, nhưng để dẫn đến hôn nhân thì quyết định là do hai gia đình, đặc biệt là ông cậu. Hôn lễ được tiến hành qua các lễ ngỏ lời rồi đến lễ ăn dạm hỏi, sau đó lễ cưới được tổ chức bên nhà gái. Nhà trai phải dẫn sang nhà gái tiền mua người và đồ sính lễ. Cưới xong, người con trai ở rể bên nhà vợ một thời gian. Sau đó nhà trai lại tổ chức ăn uống, làm lễ đón dâu. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, còn nếu có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố.
Một vòng đời của người Khơ Mú được bắt đầu bằng nghi lễ đặt tên. Theo quan niệm dân gian, việc đặt tên có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành tính cách, đôi khi chi phối tới số phận của một con người. Do đó, ngoài việc đặt tên theo giấy khai sinh thì thực hiện lễ đặt tên là không thể thiếu được đối với vòng đời của một người Khơ Mú. Việc đặt tên có thể sau khi đứa trẻ sinh được ba ngày nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn khi đứa trẻ tròn 1 tuổi. Chia sẻ về nghi lễ này, anh Giới nói: trong lễ cúng đặt tên, ông mo sẽ lấy xương cánh gà chặt nhỏ ra treo các đồng bạc lên rồi đeo lên cổ cho em bé. Sau đó, ông mo thả hạt gạo lên quả trứng để xem tên nào phù hợp với em bé. Nếu bé hợp tên nào thì thả 2 hạt gạo lên trứng, ông mo nói chẵn mà thả được 3 lần chẵn thì tên đó hợp.
Anh Giới dẫn chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Nhọt – 1 trong những người am hiểu văn hoá truyền thống của người Khơ Mú trong bản Pú Tửu. Trong câu chuyện, ông Nhọt cho chúng tôi biết: về trang phục truyền thống, phụ nữ Khơ Mú mặc giống phụ nữ Thái đó là váy ống hẹp, bó sát ngực, ống tay áo dài hoặc ngắn, chỉ hơi khác là cách trang trí những hàng tiền bạc hoặc miếng tròn vỏ ốc dọc trước thân áo. Đầu cũng đội khăn piêu quấn vắt chéo trên đỉnh đầu, người già thì đội mũ chỏm cao có tua ở phía sau. Nhà ở người Khơ Mú là nhà sàn, có 5 gian, hai đầu hồi có sàn nhỏ. Nhà được chia làm ba phần theo chiều dọc, phần phía trước và sau dành cho sinh hoạt, phần giữa là lối đi trong nhà. Gian hồi bên phải là bếp, gian hồi bên trái dành để tiếp khách và bếp khách. Người Khơ Mú khi làm dựng nhà thường phải trải qua các bước sau: Trước khi tách ra ngoài ăn riêng phải chỉ cho thầy chỗ mình muốn ở. Nếu ở được thầy sẽ chọn ngày lành tháng tốt làm nhà. Theo phong tục tập quán trước đây, đầu tiên là phải làm nhà đất, cột kè cũng không phải đẽo mà chỉ cắt gốc về chôn.
Các lễ hội truyền thống của dân tộc Khơ Mú không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, gắn với cuộc sống lao động nông nghiệp, cầu sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, cầu mong sự che chở của thần linh cho cả bản mà còn là ngày hội của cả cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, cùng chung sức xây dựng bản làng và bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trải qua thời gian, cuộc sống mưu sinh đã cuốn người dân nơi đây vào công việc, vào những ngày dài trên nương, dưới ruộng. Bởi vậy, một số phong tục văn hóa, lễ hội truyền thống đã không được duy trì như lễ Cúng bản, lễ hội Cầu mưa... Còn lễ Mừng cơm mới và lễ Tra hạt được tổ chức với quy mô hộ gia đình thì vẫn được lưu giữ.
Bên những ngôi nhà sàn được dựng lên dưới rặng tre xanh, những phong tục tập quán truyền thống vẫn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày của người Khơ Mú. Đây sẽ mãi là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người Khơ Mú, là dấu ấn văn hóa riêng có của dân tộc này./.
Lường Hương/Dienbientv.vn