Chặn dịch "hài nhảm": Liên quan đến nhiều phía
Lâu nay, nạn dịch hài nhảm “tấn công” nhiều nhà đài, khiến khán giả “đứng ngồi không yên” vì bực bội.
Trước câu nói như giọt nước tràn ly của Trấn Thành, rằng thấy hài nhảm thì hãy tắt tivi, mới đây, Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long đã có động thái “cấm cửa” Trấn Thành trong các game show với lý do rà soát lại, siết nội dung liên quan tới hài nhảm, hài tục.
Giả gái là màn diễn thường xuyên của Trấn Thành, có vai đạt, có vai khá phản cảm. Ảnh: Đ.T |
Động thái này của Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) Vĩnh Long đã làm dậy sóng dư luận. Một số nghệ sĩ gạo cội thì thấy thỏa mãn với bước đầu dẹp loạn hài nhảm nói trên, nhiều khán giả cũng “thở phào nhẹ nhõm” vì lâu nay thấy mà không biết nói cho ai rõ. Thế nhưng, cũng có nhiều fan hâm mộ bênh vực Trấn Thành, số khác cho rằng liên quan đến việc cấm hài nhảm còn có nhiều nghệ sĩ khác sao không bị nhắc tên, cấm cửa. Và trách nhiệm của nhà đài, của biên tập viên, đạo diễn chương trình ở đâu, sao “đổ tội” tất tần tật lên diễn viên hài đắt sô này?
Hài nhảm không chỉ mỗi Trấn Thành
Có thể nói, giữa vô số phim nhảm, chương trình hài, game show nhảm, chỉ có một đơn vị duy nhất dám nói ra thẳng thừng ý kiến, quan điểm của mình- Đài PTTH Vĩnh Long. Chính vì vậy, nhiều ý kiến ủng hộ cách làm này và mong VTV cùng các đài khác cũng xem lại mình.
Nếu như trước đây, chính nhà sản xuất và nhà đài từng năn nỉ mời Trấn Thành tham gia các chương trình, vì cái tên Trấn Thành bảo đảm lượng người xem cao, thì nay, một phần cái tên này cũng rớt khán giả, một phần vì chính nhà đài cũng phải biết tự chủ, không chạy theo mời ngôi sao bằng mọi giá, đồng nghĩa là phải trả cát sê cao, chịu đựng sự trái tính của người nổi tiếng và chưa biết mọi chuyện sẽ bị dư luận hướng về đâu nếu để xảy ra sự cố.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Trấn Thành nổi lên như một danh hài ăn khách, là bởi anh cũng có thực tài, biết hoạt náo, khuấy động người xem, biết đánh trúng tâm lý khán giả, khóc cười thoải mái trong nhiều chương trình. Nhưng dĩ nhiên, án phạt năm ngoái vì “bôi bẩn” hình tượng Tô Ánh Nguyệt là không hề nhẹ và đôi khi sự dễ dãi, lạm dụng hài tục đã khiến anh đi quá đà. Hơn thế nữa, trong game show dành cho thiếu nhi, hình ảnh của Trấn Thành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ khán giả tương lai nếu tiếp tục phát ngôn gây sốc và diễn xuất quá đà như thế.
Hài nhảm không hoàn toàn do lỗi Trấn Thành. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ riêng Trấn Thành mới dính đến hài nhảm, hài tục. Nhiều người chỉ rõ, ngay cả những ngôi sao ăn khách bậc nhất như Hoài Linh, Việt Hương, Chí Tài, Trường Giang, Thu Trang rồi đến Nhật Cường, Bảo Chung, Hồng Tơ… cũng ít nhiều dính tới hài nhảm. Tương tự, phía Bắc có Xuân Hinh, Tự Long, Quốc Anh…
Như vậy, việc “cấm cửa” với Trấn Thành một thời gian để anh nhìn lại mình là hết sức cần thiết. Trấn Thành cũng mới có lời xin lỗi đến khán giả vì chuyện không vui này. Tuy nhiên, cũng có dư luận cho rằng, án phạt này phải chăng hơi nặng, nên cảnh cáo hoặc góp ý để anh có thời gian sửa đổi. Và không chỉ mình Trấn Thành liên quan hài nhảm, mà còn nhiều nghệ sĩ nữa, liệu “cấm cửa” một người vậy đã công bằng chưa?
Đâu là trách nhiệm nhà đài?
Lỗi ở đây, công bằng mà nói, còn ở các nhà sản xuất và cả nhà đài. Mà khi đã lên sóng, thì coi như đó là trách nhiệm từ phía nhà đài. Là bởi, vì quá nuông chiều ngôi sao, bằng mọi giá mời sao cho được, họ quên mất đằng sau họ còn có khán giả và công chúng trẻ. Cứ trả cát sê cao ngất (Trấn Thành thuộc top hàng đầu sao được trả cát sê cao nhất), cứ dụ khị, hứa hẹn để miễn sao được cái gật đầu, mà quên mất mình là chủ, có quyền yêu cầu diễn viên phải diễn nghiêm túc và không được câu khách bằng hài nhảm. Và nhiều nhà sản xuất săn đón đã dẫn đến ngôi sao nhận một lúc nhiều chương trình mà không kịp đọc qua kịch bản (thậm chí có nơi không cần kịch bản), không kịp tập tành, cứ thế “phăng” ra khi lên sóng, thì “quá nhanh và quá nguy hiểm”.
Trấn Thành ngồi ghế nóng hàng chục game show, làm host, MC, rồi hoạt náo viên…tất cả khiến anh quay cuồng trong vòng xoáy kiếm tiền mà không kịp đầu tư chất xám và sức lực. Thế nên, khán giả thắc mắc vì sao anh cứ bật cười dễ quá trong màn dự thi của “hotboy” trà sữa trong “Thách thức danh hài”, trong khi thí sinh dùng từ khá dung tục, và nụ cười gượng đó đã mang về cho thí sinh 150 triệu đồng. Thế nên mới có phản ứng của khán giả và nhà đài khi anh bảo: Thấy hài nhảm thì tắt ti vi đừng xem.
Dịch cười, hài nhảm đã lan ra từ mấy năm trở lại đây, khi các game show âm nhạc, tìm kiếm tài năng đã không còn nóng sốt, thay vào đó là hài thực tế và trò chơi truyền hình. Nhiều người nói, loạn chương trình hài đến mức, nhà nhà đua nhau làm hài, vì làm hài là ăn, là thắng lớn. Bật ti vi lên là hài. Trăm loại hài trên sóng, khiến khán giả bị tra tấn đủ kiểu. Hết nghệ sĩ đồng loạt giả gái, lại đến nói tục, chửi bậy, rồi cảnh giường chiếu sống sượng, thậm chí, lôi đời tư của nhau ra bới móc, châm chọc…Các danh hài lên sóng quá nhiều, đâm nhàm chán và lặp đi lặp lại, chương trình nào cũng giống chương trình nào. Thậm chí, đắt sô như Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang…còn được nhảy sang làm giám khảo các cuộc thi nhảy, hát cho người lớn và cả trẻ em!
Trên sân khấu và trên sóng truyền hình đã tấu hài nhảm quen rồi, thì ngoài đời cũng thế. Lá thư cảnh báo của ca sĩ Hương Lan viết cho Việt Hương khiến nhiều người bừng tỉnh: “Sân khấu cho dù lớn hay nhỏ, từ rạp lớn cho đến sự kiện, tiệc cưới, nhà hàng… hay bất cứ nơi đâu thì vẫn luôn là sân khấu. Em đứng trên sân khấu cầm micro thì em là người biểu diễn, chị ngồi ở dưới xem thì chị là khán giả của em. Là nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu trăm đường khó khăn, nếu yêu nghề thì hãy vì tất cả mọi người bên dưới đang chăm chú nhìn lên và lắng nghe em. Những gì em nói, em làm đều tác động đến mọi người bên dưới, từ người lớn tuổi cho đến trẻ nhỏ. Đừng nói tục. Sự thô tục trong văn hóa người Việt mình từ xưa đến nay đã luôn là lời khinh rẻ, cho cả người nghe lẫn người nói”.
Bản thân ông Lê Quang Nguyên, giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long cũng trả lời công khai trên báo chí, rằng: “Đài đã kiểm soát mà vẫn lên sóng thì tội của đài rất lớn”.
Dùng hài sạch đánh bật hài nhảm
Bản thân nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu, nghệ sĩ hài Xuân Hương cũng lên tiếng về tác hại của hài nhảm trong các game show. Nhưng họ chỉ là số ít, dễ nhận “gạch đá” từ phía fan hâm mộ của các ngôi sao hài. Điều này các khiến không ít nghệ sĩ không muốn “dây” vào chuyện của người khác, dù họ bực tức, thấy như cái gai trước mắt.
4 nghệ sĩ trong làng hài là Đức Hải, Hồng Vân, Minh Nhí và Thanh Thủy cũng lên tiếng trong một chương trình hài nghiêm túc “Tiếu lâm tứ trụ”. Họ muốn làm hài sạch để đánh bật hài nhảm, trả lại thị hiếu bình thường cho khán giả. Rất cần những nghệ sĩ như thế và cả những nhà sản xuất, những đạo diễn có tâm với nghề để góp sức đánh bật hài nhảm ra khỏi đời sống văn hóa của cộng đồng hiện nay. Nhà sản xuất của “Thách thức danh hài”, “Đấu trường tiếu lâm” từng chia sẻ, dù hai chương trình này rating khá cao, song sang mùa tiếp theo, ông bắt đầu chuyển hướng sang các chương trình khác không phải hài, vì không muốn vô tình tiếp tay cho hài nhảm. Khai phá vùng đất mới, đôi khi tự làm khó mình, nhưng không phải cứ thấy làm hài ăn là nhảy vào, mà tạo cách làm riêng, chấp nhận phải bù lỗ, chỉ để thay đổi món ăn và thay đổi thị hiếu của khán giả.
Nhiều khán giả đặt câu hỏi: Vì sao biết hài nhảm còn phát sóng? Các nhà đài sẽ trả lời ra sao? Một khi nhìn lại nghiêm túc hơn, nhà đài cũng sẽ thấy không phải cứ quy trách nhiệm cho một ai đó, một nghệ sĩ riêng lẻ nào đó là đã thu xếp được sự bực dọc của cộng đồng trước hài nhảm, hài tục; mà chính là tìm cách sửa sai từ từ. Đây cũng là bài học cho không riêng gì Trấn Thành, mà cả cho những diễn viên, nghệ sĩ hài khác, và cả các đài truyền hình./.
Theo VOV