Bật mí những chuyện hậu trường ghi hình Táo quân 2017

Chủ Nhật, 22/01/2017, 23:01 [GMT+7]

Táo quân 2017 vừa tiến hành ghi hình vào ngày 17, 18/1 tại trường quay S14 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Phe vé “bó tay”, khán giả đứng chờ cả tiếng

Trước đó, Táo quân thường tiến hành ghi hình ở Cung Văn hoá Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội. Vì thế, số lượng người được xem trực tiếp chương trình này tương đối đông và đội quân “phe” vé cũng kiếm được kha khá sau mỗi buổi ghi hình. Tuy nhiên, từ năm 2014, Táo quân chuyển vào trường quay nội bộ của Đài Truyền hình Việt Nam để đảm bảo bí mật tuyệt đối nội dung chương trình.
 

1
Cáo Táo lên chầu Ngọc Hoàng bằng phi thuyền và đáp Thiên đình bằng cầu trượt hơi.


Vì trường quay S14 của Đài có diện tích khá nhỏ, với chỉ khoảng 250 ghế ngồi, lại muốn đảm bảo bí mật kịch bản của chương trình nên Táo quân rất hạn chế số lượng người xem. Cách một tuần trước khi Táo quân bước vào ghi hình, tình trạng “săn lùng” vé hết sức ráo riết qua tất cả các phương tiện liên lạc. Trước cổng Đài, dù lượng khách đến “săn” vé rất đông trong các buổi ghi hình nhưng đội phe vé vẫn phải ngậm ngùi lắc đầu vì không có vé. Thậm chí, theo một số người thì họ đứng cả tiếng đồng hồ trước cổng Đài Truyền hình Việt Nam và sẵn sàng bỏ ra 6 triệu để mua một cặp vé xem Táo quân mà vẫn không có để mua.

Và cũng do trường quay quá nhỏ nên ê-kíp hậu đài đã rất vất vả khi di chuyển đạo cụ từ ngoài vào khu vực sân khấu và ngược lại. Mặc dù vậy khâu chuẩn bị vẫn được ê-kíp sản xuất chương trình chuẩn bị công phu, nhiều đạo cụ tương đối cồng kềnh vẫn được thiết kế để đưa vào phía trong sân khấu, trong đó có mô hình phi thuyền - phương tiện để các Táo lên chầu thay vì cá chép như mọi năm và cầu trượt hơi để các Táo đáp xuống đất. Đây thực sự là nỗ lực rất đáng ghi nhận đối với ê-kíp sản xuất Táo quân. Trong khi đó, khán giả có mặt tại các buổi ghi hình chương trình này luôn chật kín trường quay và sẵn sàng đứng hàng tiếng đồng hồ ở hai bên cánh gà chỉ để được xem từ đầu đến cuối buổi ghi hình.

Ngọc Hoàng đọc rap, các Táo thi hái hoa dân chủ

Năm nay, trong khi “Cô Đẩu” Công Lý được cho là kiệm lời và ít đất diễn thì “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh lại gây nhiều bất ngờ. Mặc dù, trước đó, nhiều người lo lắng việc ra đi của thân mẫu sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến vai của Quốc Khánh nhưng nỗi lo lắng đó đã “biến mất tăm” khi “Ngọc Hoàng” bước lên sân khấu.
 

1
Ngọc Hoàng vẫn không chỉ giữ vững phong độ mà còn rất duyên dáng.


Quốc Khánh đã nhiều lần “bung lụa” bằng cách khoe giọng hát Bolero vô cùng ngọt ngào, hát hò Huế và đọc rap theo Táo Môi trường (Tự Long). Trong suốt buổi ghi hình, “Ngọc Hoàng” đã có những hành động rất đỗi duyên dáng và hài hước. Đỉnh điểm chính là việc “Ngọc Hoàng” bất ngờ cắt chức của Nam Tào để thử lòng các Táo.

Táo năm nay vẫn tiếp tục được đặt tên theo lĩnh vực kiêm nhiệm. Tuy nhiên, thay vì Táo Xã hội, Táo Kinh tế, Táo Giáo dục và Táo Văn hoá như ban đầu thì đến phút cuối đạo diễn đã cho đổi tên bằng Táo Kinh công (Kinh tế - Công thương) - Quang Thắng, Táo Công chức - Chí Trung, Táo Môi trường - Tự Long và Táo Giáo dục - Vân Dung. Các Táo năm nay đổi hình thức chầu bằng hình thức thi “hái hoa dân chủ”.

Đây được xem là điểm nhấn của Táo quân 2017 để làm khó các Táo nhưng đồng thời cũng là “đất dụng võ” để các nghệ sĩ trưng trổ sở trường riêng. Mỗi Táo sẽ bốc một câu hỏi và trả lời câu hỏi đó thay cho việc báo cáo chi tiết những gì mình đã làm được trong năm.

Và đáng ra phải trả lời thẳng vào câu hỏi thì các Táo toàn tìm cách vòng vo, né tránh, né trách nhiệm… bằng cách kể câu chuyện đi buôn táo được khách cho tiền vì trúng sổ số Vietlot hoặc được tất tần tật người thân trong gia đình giúp đỡ. Thông qua tình huống này, những vấn đề nổi cộm đã mà báo chí đã đề cập trong năm cũng được đạo diễn khéo léo lồng vào dưới góc độ hài hước.
 

1
Các Táo bị làm khó trong suốt buổi chầu.


Xuyên suốt buổi chầu, câu chuyện về việc bổ nhiệm người bừa bãi, lợi dụng chức vụ để “cha truyền con nối” giữ vị trí lãnh đạo tại các cơ quan đơn vị được lặp đi lặp lại. Và thông điệp cuối cùng mà Ngọc Hoàng đã “chốt” lại cuối buổi chầu là “chọn người tài chứ không chọn người nhà” cũng thể hiện rõ nét sự mong mỏi của người dân.

“Cô Đẩu” gây choáng với trang phục “linh hoạt giới tính”

Một điều không thể bỏ qua đó chính là trang phục của “Cô Đẩu” Công Lý trong Táo quân 2017. “Cô Đẩu” lần này được thay tổng cộng hai bộ quần áo, ba bộ tóc… Trong đó, lần đầu tiên Bắc Đẩu được mặc vest lên sân khấu nhưng là trang phục vest cách điệu với mặc trước là vest, mặt sau là váy công chúa diêm dúa. Bộ phục trang “linh hoạt giới tính” của Bắc Đẩu đã khiến khán giả cười không ngớt ngay khi vừa xuất hiện trên sân khấu.
 

1
Trang phục "linh hoạt giới tính" của Bắc Đẩu.


Trong khi đó, nhân vật Nam Tào - Xuân Bắc xuất hiện đĩnh đạc và nổi bật trong bộ áo dài quan phục màu đỏ với mũ cánh chuồn thêu hoa văn tinh tế.

Trang phục của Táo Vân Dung cũng được thiết kế đầy sáng tạo với chiếc mũ cánh chuồn cách điệu và bộ quan phục màu hồng thêu tay rất cầu kỳ. Toàn bộ phục trang của Táo quân được thiết kế bởi NTK - NSƯT Đức Hùng.

Năm nay, một điểm nhấn ấn tượng không thể bỏ qua đó là sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ: Duy Nam, Quân Anh, Minh Tít, Trung ruồi, Mạnh Dũng (Thiên Lôi). Đặc biệt, lần đầu tiên thiên đình có đến hai Nam Tào, hai Bắc Đẩu. Màn tung hứng của Bắc Đẩu trẻ (Duy Nam) và Nam Tào trẻ (Mạnh Dũng) với những “độc chiêu” không ai nghĩ ra đã đẩy những thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm lên một nấc mới.
 

1
Các nghệ sĩ tham gia chương trình Táo quân 2017.


Phần âm nhạc của Táo quân 2017 cũng được đánh giá rất cao. Từ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu đến các Táo đều có màn “khoe” giọng hát. Các bài hát dù được dựa trên nền những bài hát quen thuộc hay bài hát tự chế đều có lời văn rất giàu thông điệp. Theo tìm hiểu, toàn bộ phần âm nhạc của Táo quân 2017 đều do một nhạc sĩ làm âm nhạc lâu năm đảm nhận. Đây cũng được xem là một nét mới của Táo quân năm nay.

Vẫn như mọi năm, Táo quân 2017 sẽ phát vào đêm 30 Tết trên sóng VTV./.

 

Theo VOV

.