Giữ hồn trang phúc dân tộc người Hà Nhì
Điện Biên TV - Trên vùng núi non hiểm trở song không kém phần tươi tốt, phì nhiêu và phong phú về các chủng loài động, thực vật của tỉnh Điện Biên, cộng đồng người Hà Nhì đã biết khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng đề phục vụ nhu cầu trong cuộc sống của mình, đồng thời họ cũng lao động không biết mệt mỏi để sáng tạo ra một nền văn hóa độc đáo, trường tồn, thể hiện cốt cách, tâm hồn và khát vọng sống của cả một tộc người.
Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 21 dân tộc anh em |
Trải qua biết bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử, một số nét văn hóa của cộng đồng dân tộc Hà Nhì đã bị mai một đi khá nhiều, nhưng những yếu tố văn hóa đặc thù đậm nét như tiếng nói, tín ngưỡng, các sinh hoạt văn hóa và đặc biệt là trang phục của dân tộc này vẫn tồn tại và có sức sống lâu bền. Có thể nói, những bộ trang phục với sắc màu rực rỡ, đường thêu tinh xảo, can ghép họa tiết, hoa văn khéo léo của đồng bào dân tộc Hà Nhì đã và đang góp phần làm cho nền văn hóa huyện Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung thêm đa dạng về sắc thái cũng như giàu bản sắc tộc người.
Pờ Nụ Xì Mé - người phụ nữ Hà Nhì sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sín Thầu huyền thoại. Huyền thoại bởi vị thế vững vàng nơi ngã ba biên giới, huyền thoại bởi truyền thống hiếu học, bởi những bài dân ca, dân vũ và hơn cả là những nét đẹp trong trang phục của một tộc người có thời gian cư ngụ ở đây đã từ hàng ngàn năm.
Sau khi rời Đại học Văn hóa Hà Nội, Xì Mé về công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cũng đồng nghĩa với việc cô phải rời xa mảnh đất Sín Thầu, nhưng dù đi đâu cô cũng không quên mang theo bộ trang phục truyền thống - mà như Xì Mé nói thì đây cũng chính là cái hồn của cộng đồng dân bản người Hà Nhì.
Những người già ở vùng đất Sín Thầu kể rằng, khi những người Hà Nhì đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này từ khoảng vài trăm năm trước, trong quá trình di cư họ đã mang theo bộ trang phục truyền thống và từ lâu cộng đồng người Hà Nhì vẫn xem bộ trang phục dân tộc là hơi thở, là cuộc sống, là máu thịt của mình, với suy nghĩ ấy, niềm tin ấy, tinh thần giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống đã được truyền lại cho lớp lớp con cháu người Hà Nhì đến tận bây giờ và dù đời sống của họ hiện nay đã có nhiều đổi thay, song các giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn được giữ gìn và phát triển, trong đó, trang phục của người Hà Nhì với gam màu bắt mắt, màu sắc tươi sáng vẫn ngày ngày được thêu dệt bằng chính đôi tay của những người phụ nữ miền sơn cước nơi đây.
Có hơn 4.500 người Hà Nhì sinh sống tại các xã Mường Nhé, Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn và Chung Chải thuộc huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên |
Hiện nay dân tộc người Hà Nhì có khoảng 17.000 người sinh sống ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc, tập trung số lượng đông hơn cả là người Hà Nhì ở xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Bên cạnh đó là các xã nơi ngã ba biên giới huyện Mường Tè và một số lượng không đáng kể sống rải rác ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu). Ở Điện Biên, hiện nay tại các xã Mường Nhé, Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn và Chung Chải thuộc huyện Mường Nhé là địa bàn cư trú chính của hơn 4.500 người Hà Nhì, trong đó Sen Thượng và Sín Thầu là vùng đất cư ngụ lâu đời, đồng thời cũng là vùng đất lõi để người Hà Nhì tỏa đi sinh sống ở các địa bàn khác.
Tây Bắc như một ngôi nhà lớn có hai tầng, vùng thấp là nơi cư trú chính của các dân tộc: Thái, Lào, Lự nhưng gương mặt văn hóa vùng thấp Tây Bắc là văn hóa Thái còn vùng cao là nơi cư trú của các dân tộc: Mông, Dao, Si La, Khơ Mú, Hà Nhì và gương mặt văn hóa của vùng cao Tây Bắc là văn hóa Mông. Đối với văn hóa người Hà Nhì tuy không phải là nền văn hóa chính của khu vực này song lịch sử phát triển của dân tộc Hà Nhì đã chứng minh rằng: Hà Nhì là một dân tộc cởi mở, biết đổi mới, tiếp thu sáng tạo và khai phá. Điều này được khẳng định qua những hồi quang huy hoàng của các tác phẩm văn hóa dân gian, những bài dân ca, dân vũ và trang phục thu hút mọi ánh nhìn.
Nét độc đáo nhất trong bản sắc văn hóa người Hà Nhì là trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, người Hà Nhì đã biết chắt lọc tinh hoa có giá trị của dân tộc khác làm thay đổi những tập tục lạc hậu của bản tộc, tìm chỗ đứng vững chắc cho dân tộc mình, từ đó sáng tạo nên nền văn hóa đặc sắc của riêng họ. Dân tộc Hà Nhì có đời sống vật chất chưa cao nhưng họ có một đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, điều đó được thể hiện ở những quan niệm về thế giới tự nhiên, thế giới quan tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán, văn nghệ dân gian và nhất là trong trang phục.
Căn cứ vào trang phục, ngôn ngữ và đặc điểm cư trú, các nhà nghiên cứu dân tộc học đã chia người Hà Nhì ở Mường Nhé thành 2 nhóm, là người Hà Nhì Cồ Chồ và người Hà Nhì Lạ Mí, trong đó người Hà Nhì Cồ Chồ tập trung sinh sống tại xã Chung Chải, còn người Hà Nhì Lạ Mí sinh sống chủ yếu ở xã Sín Thầu, Leng Su Sìn và Sen Thượng.
Người Hà Nhì Lạ Mí sinh sống chủ yếu ở xã Sín Thầu, Leng Su Sìn và Sen Thượng huyện Mường nhé tỉnh Điện Biên. |
Đối với hai nhóm người Hà Nhì thì tỏa sáng hơn cả đó là những nét đẹp thể hiện trong bộ trang phục rực rỡ của người Hà Nhì La Mí, với sắc thái địa phương khá rõ nét, thể hiện qua màu sắc tươi tắn, những hình thêu nổi bật trên nền chàm đen, và những vật trang trí đa dạng như: chỉ màu, hạt cườm, hạt nhôm, đồng bạc... Và những nét đặc sắc trong trang phục sẽ càng trở nên rực rỡ và lung linh hơn vào mỗi dịp lễ cúng, ngày hội, những ngày tết, thậm chí từ lâu những nét đẹp này đã được đưa vào các tiết mục biểu diễn sân khấu, trở thành vốn chung cho các đoàn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và trên cả nước nói chung.
Không như trang phục của đồng bào dân tộc khác, người Hà Nhì mỗi một giai đoạn của cuộc đời lại có một bộ trang phục riêng, thậm chí trang phục thường ngày khác hoàn toàn so với trang phục lễ hội, cưới hỏi, tang ma. Người phụ nữ Hà Nhì thường có ít nhất 3 bộ trang phục, khi còn nhỏ những bộ quần áo thường có hoa văn rực rỡ hơn, đến tuổi cập kê, lấy chồng thì mặc áo với màu đỏ là chủ đạo, khi có tuổi hoặc toan về già thì mặc áo màu đen. Và trong trang phục của người Hà Nhì Lạ Mí thì áo là thứ được làm lâu công nhất trong đó, chia ra hai loại áo là áo dài tay và áo ngắn.
Áo dài tay thường dài đến gót hoặc bắp chân tùy thuộc vào ý thích của chủ nhân. Toàn thân có màu chàm, giữa ngực, giữa lưng có một đường can, hai mép viền áo có đường thêu hoặc đường khâu ngắt quãng, tay áo bó sát cánh tay, từ vai xuống đến mắt cá tay sẽ được can vải nhiều màu và được trang trí với nhiều họa tiết, hoa văn khác nhau như: hình hoa, răng chó, chân gà, xương cá, vẩy cá, hình xoắn ốc, móc xích và có từ 3 màu trở lên, trong đó chủ đạo là màu đỏ, hoặc màu xanh.
Áo ngắn không có tay, dài ngang hông, phía trước đính những hàng cứ khọ hay còn gọi là hạt nhôm lồi, dưới cùng hoặc trên cùng là các đồng xu, lục lạc hoặc dây xúc xích bằng bạc, khi di chuyển những vật này sẽ phát ra tiếng kêu vô cùng vui tai, đồng thời cũng thể hiện sự phú quý, sung túc của gia chủ. Qua các đường nét hoa văn người ta có thể đánh giá được sự khéo léo, tính kiên trì của người phụ nữ. Kỹ thuật thêu thể hiện chủ yếu ở tay áo, đuôi thắt lưng, khăn đội đầu, xà cạp và chiếc áo ngắn. Ngoài những đường thêu mang đậm nét truyền thống thì người phụ nữ Hà Nhì Lạ Mí ngày nay còn biết tiếp thu những hoa văn trang trí của các dân tộc khác hoặc tự sáng tạo, làm phong phú thêm các đường nét hoa văn cho bộ trang phục của mình.
Người Hà Nhì ở Sín Thầu hôm nay vẫn giữ được vẹn nguyên cho mình những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc |
Bên cạnh đó, người phụ nữ Hà Nhì Lạ Mí khi đã có chống thì trong trang phục thường ngày họ thường đeo xà cạp, là một miếng vải dài chừng 50cm rộng 40cm trên đó thêu một số hoa văn như cựa gà trống hoặc vây lưng cá. Lý giải về tác dụng của chiếc xà cạp này đó là nó sẽ giúp người phụ nữ che phía sau để giữ ý trước bố chồng và chồng.
Thanh niên con trai cũng như đàn ông người Hà Nhì Lạ Mí không có trang phục phân biệt hoàn cảnh sử dụng như phụ nữ mà quần áo của họ chỉ mang tính chất phân định theo tuổi tác. Khi cưới, trong các ngày hội hay thực hiện nghi lễ cúng bái thì người đàn ông cũng chỉ cần quấn thêm một chiếc khăn đen bắt buộc.
Đối với trẻ em, quần áo cũng được làm tương tự như người lớn nhưng hoa văn sặc sỡ hơn và mũ thì hơi khác, khi còn bé đến khoảng 13 tuổi trẻ em sẽ đội những chiếc mũ có hình múi, khâu tròn sát đầu, trên thân mũ thêu nhiều họa tiết. Có thể nói, mỗi bộ trang phục là một tác phẩm nghệ thuật độc dáo phản chiếu những sắc màu đậm, nhạt của núi rừng.
Tất cả các bộ trang phục của thành viên trong gia đình đều do người phụ nữ đảm nhiệm, để làm nên bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ Hà Nhì Lạ Mí phải tự đo, cắt, khâu và chắp nối các mảnh vải lại với nhau, nhất là một bộ nữ phục mặc trong ngày lễ tết người phụ nữ phải làm trong thời gian từ 5-6 tháng, bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu, thêu họa tiết hoa văn trên áo và đính những mảnh kim loại nhiều hình thù. Nhìn hình ảnh những người phụ nữ Hà Nhì miệt mài đưa từng đường kim mũi chỉ để làm nên những bộ trang phục truyền thống có thể cảm nhận được lòng tự hào, tình yêu và sự trân trọng của họ dành cho những giá trị truyền thống.
Tất cả các bộ trang phục của thành viên trong gia đình đều do người phụ nữ đảm nhiệm |
Trong những năm qua, ngoài việc Đảng và Nhà nước ta tiếp tục duy trì cách chính sách bảo tồn các di sản văn hóa trong đó có trang phục dân tộc người Hà Nhì Lạ Mí thì quan trọng hơn cả là chính cộng đồng dân bản Hà Nhì tại Sín Thầu vẫn luôn nuôi dưỡng truyền thống văn hóa ấy để nó tiếp tục nảy sinh, biến đổi và phát triển cùng thời gian.
Trong tiến trình phát triển của mình, văn hóa các dân tộc ở tỉnh Điện Biên luôn thể hiện là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, đây là mặt mạnh trong tiềm năng của văn hóa Điện Biên. Nét độc đáo trong trang phục, trong lễ hội hay trong các sinh hoạt văn hóa khác với triết lý riêng, ngôn ngữ riêng là vấn đề làm nên bản sắc văn hóa của người Hà Nhì. Và sự phục hồi của các giá trị văn hóa truyền thống người Hà Nhì trong những năm gần đây cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh Điện Biên đối với công tác bảo tổn, khôi phục và truyền bá các nét đẹp văn hóa cũng như ý thức tự lưu giữ, phát huy, của cả một tộc người Hà Nhì. Quan trọng hơn cả là trong xu thế hội nhập đương đại và xu thế văn hóa mới song người Hà Nhì vẫn luôn giữ được cho mình "cái thần", cái "hồn" của các giá trị văn hóa truyền thống mà trang phục là một phần không thể thiếu.
Phải khẳng định rằng, bản sắc văn hóa là những gì tinh túy nhất, nó là cốt cách thần thái, sức sống và hơn hết là bản lĩnh của cả một dân tộc. Vì vậy việc phát triển nền văn hóa dân tộc đúng hướng sẽ khiến văn hóa trở thành một nhân tố thúc đẩy đời sống xã hội, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng. Và người Hà Nhì ở Sín Thầu hôm nay vẫn giữ được vẹn nguyên cho mình những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc và họ cũng để lại cho con cháu một kho tàng văn hóa phong phú mà nhiệm vụ của thế hệ hôm nay là phải bảo tồn, kế thừa, phát huy những tinh hoa đó, để những giá trị văn hóa sẽ luôn bền vững, trường tồn và không bị mai một trong nhịp sống đương đại hiện nay./.
Lý Như Quỳnh