Văn hóa ứng xử rất cần từ mỗi người

Thứ Sáu, 10/06/2016, 16:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ xưa tới nay, chúng ta vốn rất tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc qua ngàn năm văn hiến, được kế tục lâu đời do cha ông hun đúc, giữ gìn và được những bậc danh nhân văn hóa kiệt xuất truyền lại, đặc biệt là văn hóa ứng xử nơi công cộng. Thế nhưng, những năm trở lại đây, câu chuyện văn hóa ngày càng được đề cập đến nhiều hơn trên các diễn đàn, nhất là một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội có cách hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng, nhất là trong giới trẻ.

d
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Có thể thấy, bất cứ khi nào chúng ta tham gia vào các hoạt động của xã hội, sẽ thấy ngay cách ứng xử của không ít người dân thiếu văn hóa này. Đơn cử một số ví dụ như: khi tham gia giao thông thì đó là hình ảnh cảnh chen lấn, xô đẩy khi xảy ra tắc đường, dưới lòng đường, hè phố thì vứt rác bừa bãi, thậm chí bắt gặp không ít người văng tục, chửi bậy trên đường phố; hút thuốc nơi công cộng; thờ ơ khi gặp người bị nạn… tệ chèo kéo khách du lịch đã gây ấn tượng không tốt về người Việt Nam trong bạn bè Quốc tế.

Khi đất nước phát triển, người dân có thêm các hoạt động tinh thần như tổ chức các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng... Thế nhưng, chưa bao giờ văn hóa ứng xử tại những nơi công cộng, nơi thờ tự, lễ hội lại được dư luận quan tâm như hiện nay, nhiều người dân không còn giữ được lễ tục truyền thống, họ ăn mặc hở hang, nói tục chửi bậy, đánh nhau, tranh cướp đồ lễ, leo trèo... những hành xử thiếu kiềm chế này, đã làm mất đi những giá trị thiêng liêng về truyền thống văn hóa của dân tộc đã được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử.

Văn hóa ứng xử trong trường học, trong gia đình, trong cơ quan cũng bị xuống cấp, đâu đó vẫn có hiện tượng trò đe dọa thầy, cô, chuyện học sinh đánh nhau giữa giảng đường, có những mối quan hệ giữa thầy và trò không trong sáng; chuyện con cái ngược đãi cha mẹ, anh em “không nhìn mặt nhau” chỉ vì những lợi ích tầm thường; chuyện bồ bịch nơi công sở, bè cánh nói xấu nhau…. từ đó, đã làm mất đi tình thầy trò, tình vợ chồng, tình anh em, tình đồng chí trong cơ quan, gây nên những dư luận xã hội không tốt.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh của một vị cán bộ là phó chánh văn phòng của Bộ Y tế, trong một vụ va chạm giao thông đã có cách hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng, làm cho dư luận vô cùng bức xúc và càng bức xúc hơn khi vị cán bộ trí thức, lãnh đạo này lại làm việc trong cơ quan Y tế, một cơ quan quản lý sức khỏe của người dân và toàn xã hội. Điều này cho thấy, những năm qua vấn đề y đức xuống cấp nghiêm trọng.

Tất cả đã và đang tạo nên một bức tranh không đẹp về văn hóa, khi mà xã hội đang phát triển. Vừa qua, Ban cấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết 33 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước", Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05 về "Đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đây là chủ trương đúng đắn, nhằm từng bước chuẩn mực các giá trị văn hóa của con người vào cuộc sống; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội; xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Văn hóa ứng xử là nét đẹp truyền thống của cả dân tộc, đã đến lúc phải quyết tâm chấn chỉnh lại những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, để xây dựng đất nước và phát huy vị thế văn hóa của đất nước với bạn bè Quốc tế. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm và có nhiều khó khăn, phức tạp, nếu chỉ có sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước thôi thì chưa đủ, vì vậy rất cần sự “vào cuộc”, sự chung tay góp sức thực sự của toàn xã hội và mỗi người dân./.

 

Khánh Toàn
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Điện Biên

 

.