Cây khèn bè độc đáo của người Lào

Thứ Năm, 24/03/2016, 10:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Không biết từ bao giờ, chiếc khèn bè đơn sơ, mộc mạc đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo của người dân tộc Lào trên địa bàn tỉnh. Từ xa xưa những chiếc khèn bè đã được dùng làm nhạc đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho những điệu dân vũ, những điệu xòe, điệu múa lăm vông, hát đối, hát giao duyên, trong các dịp tết, lễ hội hay tiếng khèn dùng để gọi bạn tình đêm khuya của những chàng trai cô gái Lào khi yêu nhau.

Cùng chị Lò Thị Minh, cán bộ văn hóa xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, chúng tôi đến thăm nhà ông Lò Văn Pin, bản Mường Luân 2, xã Mường Luân, người hiểu và biết sử dụng thành thạo khèn bè duy nhất của huyện Điện Biên Đông hiện nay. Ông Pin cho biết, chiếc khèn bè đã gắn bó với ông từ khi còn là một cậu bé, mỗi dịp lễ, tết, tiếng khèn bè do bố thổi vang lên đã dần in sâu vào tiềm thức của cậu bé Pin, để rồi từ đó ngấm sâu vào huyết mạch, tạo thành một niềm đam mê sâu sắc. Năm 17 tuổi cậu đã có thể thổi thành thạo nhiều điệu khác nhau. Từ đó đến nay, hầu hết trong các dịp lễ hội, chương trình giao lưu văn nghệ của bản, xã, huyện, đều có tiếng khèn của ông. Ghi nhận những đóng góp tích cực cho cộng đồng, dân tộc, năm 2000 ông Lò Văn Pin vinh dự được Bộ Văn hóa - Thông tin, tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng. Đến nay, tuy đã ở tuổi 73 ông vẫn gắn bó và say mê với cây khèn bè. Ông Pin cho biết: Làm khèn bè là công việc đòi hỏi sự khéo léo, với độ chính xác và kiên trì cao độ từ khâu chọn nứa, cắt, dùi lỗ, phơi, hơ lửa, nắn thẳng, thẩm âm đến ghép thành khèn… Cái khó nhất khi làm khèn bè là cách xử lý các lam bạc, từ độ mỏng, dài, cong của lưỡi gà tới độ bóng của bề mặt mới đảm bảo được âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc da diết. Với 14 ống sáo bằng nứa tép bánh tẻ, nhỏ cỡ ngón tay út đều nhau, mỏng, ít mấu và được ghép lại thành từng đôi xếp từ thấp đến cao, xuyên qua một bầu bằng gỗ dài khoảng 11cm. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ mậy phạm (mềm, dẻo dai, không nứt), một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Lớp sáp ong này cần bịt kín để tạo ra âm thanh cho khèn. Phía trên bầu hơi từ 10 - 12cm có dùi những nốt bấm. Âm thanh của khèn phụ thuộc vào cách cài những lưỡi khèn và độ chính xác về khoảng cách của những nốt bấm. Vì thế, những người làm khèn Bè cần có đôi tai thính, trình độ thẩm âm chuẩn...

f
Ông Lò Văn Pin, người cả đời đam mê với khèn bè.

 

Sau một hồi dài giới thiệu về cây khèn bè, ông Pin vào buồng lấy ra một cây khèn bè vàng óng và thổi. Tiếng khèn bè trầm bổng, sâu lắng, dồn dập, rộn ràng, náo nức cả không gian yên ắng. Khi tiếng khèn cất lên làm người nghe thấy da diết, sâu lắng: lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, gió hát, hiện nên vẻ hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, không muốn những gì mình tích cóp cả đời bị thất truyền, ông Pin thường bảo con cháu tụ họp để ông thổi cho nghe những điệu nhạc từ khèn bè và dạy cho con cháu cách thổi chúng. Nhưng trong đám con cháu cũng chỉ có anh Lò Văn Inh con trai cả của ông đủ kiên nhẫn ngồi hàng tiếng đồng hồ để nghe cha thổi và nhờ cha dạy nên thổi được nhiều bản nhạc, dù rằng chưa thật hay nhưng cũng làm ông Pin vui vì đam mê của ông đã có người thừa kế.

Chia tay ông Pin, rời Mường Luân tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu về khèn bè của người Lào ở Điện Biên, chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Văn Thum, bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên một trong số ít những người sử dụng thành thạo khèn bè trong huyện. Ông Thum tâm sự: Tôi mê khèn bè từ nhỏ, nhờ được ông nội, cha chỉ bảo nên có thể sử dụng thành thạo và thổi được những bài khó. Nay đã gần 80 tuổi, tôi chỉ có một mong muốn đó là làm sao có thể truyền, dạy lại những bài khèn bè mình biết cho con cháu đời sau, để giữ gìn truyền thống ông cha để lại. Người Lào ở Núa Ngam giờ biết thổi khèn bè của dân tộc mình ít lắm, những người sử dụng thành thạo chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Thế hệ già chỉ còn mình tôi, ngoài ra trẻ hơn thì có ông Vì Văn Thoong, Vì Văn Tem là có thể thổi được những bài khó, những bài điệp khúc như In coong, Phiêng luông, Nặm lay hát... Thanh niên bây giờ có quá nhiều thứ để lựa chọn, chúng chỉ thích học những cái mới cái lạ chứ chẳng đứa nào học thổi khèn của dân tộc. Mấy đứa con, cháu, tôi học được vài hôm đã kêu khó. Chắc nay mai người Lào ở Điện Biên lãng quên mất thứ nhạc cụ của dân tộc mình thôi.

Chúng tôi rời Na Sang 1 khi hoàng hôn nhuộm đỏ dòng sông Nậm Núa. Vẫn nhớ như in những băn khoăn lo lắng của ông Lò Văn Thum, nhưng chúng tôi hy vọng nhiều hơn âm thanh rộn ràng, rạo rực, trong trẻo của khèn bè, sẽ mãi còn được cất lên, ngân vang giữa bạt ngàn rừng núi Tây Bắc. Vì những người níu giữ “hồn thiêng” của núi Tây Bắc như ông Lò Văn Pin, Lò Văn Thum, vẫn đang từng ngày dốc lòng, dốc sức giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ mai sau...

 

Tuấn Anh
 

.