Văn hóa Xinh Mun trước nguy cơ mai một

Thứ Hai, 04/01/2016, 10:46 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cùng với dân tộc Phù Lá (xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo) dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông là một trong số những dân tộc có nguy cơ mai một văn hóa truyền thống. Các nét đặc trưng của dân tộc như: Trang phục, tiếng nói, tập tục dân gian... đã và đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa của các dân tộc khác, đặc biệt là văn hóa dân tộc Thái.

k
Các nét đặc trưng của dân tộc Xinh Mun như: Trang phục, tiếng nói, tập tục dân gian... đã và đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa của các dân tộc khác

Trong chuyến công tác về xã Chiềng Sơ, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Lò Văn Chựa, bản Kéo – một gia đình người Xinh Mun với nhiều thế hệ cùng sinh sống. Là cán bộ xã, lại được tiếp thu nhiều kiến thức từ người già trong bản nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu về các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình thì ông Chựa buông tiếng thở dài. Ông chia sẻ: Không biết từ bao giờ người Xinh Mun đã sinh sống trên đất Chiềng Sơ, dọc theo bờ sông Mã. Nhưng từ khi đặt chân đến đây, người Xinh Mun đã kết nghĩa anh em với người Thái để tránh bị các dân tộc khác bắt nạt. Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt đã khiến cho các nét văn hóa của người Xinh Mun, vốn đã ít hơn cả về số lượng và chất lượng, chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa của người anh em. Thủa xa xưa, người Xinh Mun cũng có tiếng nói riêng, thuộc ngữ hệ Môn – Khơ Me, nhưng dần dần trong quá trình sinh sống có sự giao thoa với ngôn ngữ của dân tộc Thái. Tiếng nói của người Xinh Mun Chiềng Sơ hiện nay không còn là tiếng nói chuẩn mà có pha trộn nhiều từ tiếng Thái. Hầu hết người Xinh Mun đều sử dụng thông thạo tiếng Thái trong sinh hoạt, giao tiếp. Cũng như vậy, người Xinh Mun không tạo cho mình một loại chữ viết riêng mà sử dụng chữ Thái trong các văn bản của mình. Các loại hình diễn xướng dân gian như: Hát múa, trò chơi... đều có nét tương đồng hoặc giống hoàn toàn với dân tộc Thái. Nhạc cụ, câu hát, điệu múa người Thái hay biểu diễn thì người Xinh Mun mượn để sử dụng và coi đó như một nét văn hóa của dân tộc mình.

Người Xinh Mun Chiềng Sơ cũng có trang phục riêng, có nhiều điểm khác với trang phục dân tộc Thái, đặc biệt là váy, áo của phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ còn một số người già nhớ được trang phục truyền thống của dân tộc mình, còn đại đa số lớp trẻ không biết, hoặc không quan tâm đến trang phục truyền thống. Nhiều thế hệ như gia đình ông Chựa cũng chỉ giữ lại được một bộ váy để mặc trong các dịp đặc biệt. Ngừng lời ông sai cô con dâu đi lấy bộ váy truyền thống cho chúng tôi “tận mục sở thị”. Khi người con dâu diện xong bộ váy truyền thống, ông Chựa mới hãnh diện khoe: Váy cho phụ nữ dân tộc mình là váy suông, tay dài hoặc ngắn, nhuộm chàm, dệt từ sợi bông, dài đến gần sát mắt cá chân, với những sọc màu to chủ yếu là hồng và đỏ để làm duyên... Rồi ông bảo: Trước đây phụ nữ Xinh Mun đều mặc trong sinh hoạt hàng ngày nhưng tiếc rằng bây giờ hầu như không còn ai mặc nữa...

Rời nhà ông Chựa, chúng tôi tìm đến nhà thầy mo Lò Văn Nướng ở bản Hin Óng. Ông Nướng là một trong số ít những thầy mo còn lại của dân tộc Xinh Mun. Trao đổi với chúng tôi, ông Nướng cho biết: Các nghi lễ truyền thống như: Lễ cơm mới, Lễ Cầu mùa, Lễ Tra hạt, Lễ Cúng bản... đều ảnh hưởng từ các nghi lễ và sử dụng các bài cúng của dân tộc Thái. Người Xinh Mun không có bài cúng riêng bằng tiếng dân tộc của mình. Lễ hội lớn như Lễ Cúng bản lại có nhiều nét tương đồng với Lễ Xên bản của dân tộc Thái. Một số điểm nét đặc trưng trong việc tổ chức tang ma, cưới hỏi, mừng nhà mới... cũng dần không còn nữa.

Mang những băn khoăn, trăn trở về nguy cơ mai một văn hóa của người Xinh Mun chúng tôi đến gặp bà Trịnh Thị Mai, Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Bà Mai cho biết: Tại Điện Biên, dân tộc Xinh Mun chỉ sinh sống tập trung tại 8 bản của xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông với gần 2.000 nhân khẩu. Xét về phương diện văn hóa, người Xinh Mun chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa các dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Thái. Những yếu tố văn hóa mà người Xinh Mun tiếp thu từ văn hóa Thái và các các dân tộc khác là điều hiện nay dễ dàng nhận thấy được. Nhưng những yếu tố tiềm ẩn thuộc về bản sắc riêng của dân tộc Xinh Mun vẫn còn tồn tại như ngôn ngữ tuy có pha lẫn tiếng Thái nhưng vẫn có nét riêng, gắn kết cộng đồng làng bản, dòng họ, gia đình vẫn chặt rất chặt chẽ... Điều đó khẳng định người Xinh Mun chưa hoàn toàn bị đồng hóa về văn hóa. Họ vẫn có những sắc thái văn hóa riêng của mình. Vấn đề đặt ra là, làm sao có thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy được các nét văn hóa đó, không để chúng bị mai một? Năm 2008, Bảo tàng Dân tộc tỉnh đã tiến hành kiểm kê văn hóa dân tộc Xinh Mun. Năm 2009, thực hiện bảo tồn Lễ Mừng cơm mới. Tiếp đó, xuất bản cuốn sách “Chân dung dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên”. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có điều kiện thực hiện thêm chương trình, dự án bảo tồn hay phục dựng lễ hội truyền thống nào khác cho người Xinh Mun. Trong thời gian tới, nếu có kinh phí, Bảo tàng tỉnh sẽ phục dựng các lễ hội truyền thống của các dân tộc ít người, trong đó dành phần ưu tiên cho dân tộc Xinh Mun ở Chiềng Sơ./.

 

Sơn Nam
 

.