Danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta đón nhận Bằng di tích cấp Quốc gia
Điện Biên TV - Sáng 2/12, tại xã Hẹ Muông, huyện Điên Biên đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích cấp Quốc gia danh lam thắng cảnh Hang động Chua Ta. Đến dự có đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bên phải) trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh Hang động Chua Ta cho huyện Điện Biên |
Hang động Chua Ta nằm ở lưng chừng núi thuộc bản Na Côm, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên. Qua khảo sát, Hang động có chiều dài hơn 500m, gồm 2 khoang uốn theo hình chữ S. Bên trong hang động là các dải nhũ đá màu vàng, trắng rủ xuống lấp lánh, nhiều khối thạch nhũ tựa hình thác nước, tượng phật, tiên nữ và nhiều hình thù sinh động, đẹp mắt tựa như mâm xôi, mâm hoa quả; hình ruộng bậc thang uốn lượn từ gần đến xa. Hang động Chua Ta được ví như một bảo tàng địa chất chứa đựng những bằng chứng của quá khứ về điều kiện khí hậu, địa chất, động, thực vật, có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu các chu kỳ vận động, sự hình thành các dạng đất đai, đặc điểm về địa hình, địa mạo và môi trường sinh vật. Danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta sẽ trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nếu được đầu tư quản lý và khai thác hợp lý.
Sau khi xem xét tờ trình của huyện Điện Biên, ngày 24/4/2015, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đối với Danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta, xã Hẹ Muông. Việc công nhận xếp hạng di tích trên sẽ là cơ sở pháp lý để chính quyền và nhân dân bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị thúc đẩy hoạt động du lịch nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên trong Hang động Chua Ta |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Huyện Điện Biên cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền các quy định của Luật di sản văn hoá, các văn bản pháp luật của Nhà nước về di sản văn hoá nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân và trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bảo vệ di tích, tránh các xâm hại, tác động tiêu cực ảnh hưởng đến di tích. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan khu vực di tích, tạo điểm nhấn, thu hút khách tham quan, thưởng ngoạn góp phần ngày một phát huy giá trị của di tích./.
Tuấn Trung