Truyền thuyết con Rồng nơi nguồn nước thiêng

Thứ Ba, 04/08/2015, 16:09 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Á Đông, rồng là linh vật tượng trưng cho sức mạnh, cho sự uy nghiêm và quyền uy tối thượng. Với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hình tượng con rồng còn gắn với tín ngưỡng thờ nước của các cư dân nông nghiệp. Rồng được coi là tổ tiên của người Việt trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu cơ. Rồng là hình ảnh gắn với những vùng đất địa linh, có non cao, nước thẳm. Với người Thái Điện Biên, rồng được coi là linh vật canh giữ nguồn nước, nguồn sống của những bản, mường nằm bên ven các dòng sông, con suối. Rồng thiêng trong tâm thức cộng đồng giúp họ nhắc nhở nhau, cách ứng xử hài hòa với tự nhiên, để gìn giữ mạch sống vĩnh cửu cho muôn đời.

d
Rồng là linh vật được xây dựng từ trí tưởng tượng của con người, với mình giống rắn, đầu giống thú, vảy giống cá, chân giống chim, vuốt giống hổ. Là sản phẩm tổng hợp của tư duy âm dương phương đông, rồng được coi là linh vật canh giữ cho sự uy nghiêm, một linh vật quyền lực bảo trợ cho cộng đồng và cũng có sức mạnh hủy diệt, khiến con người kinh sợ

Là biểu tượng vật linh trong tín ngưỡng dân gian các dân tộc Á Đông, từ xa xưa rồng đã trở thành hình tượng nghệ thuật, xuất hiện phổ biến trong các công trình kiến trúc chốn cung đình, cũng như trong dân gian. Ở đình,  chùa, đền, miếu, chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh cặp rồng tranh trâu, rồng ngậm ngọc, hoặc hình đầu rồng được đắp trên đầu đao của mái đình, mái chùa. Rồng là linh vật được xây dựng từ trí tưởng tượng của con người, với mình giống rắn, đầu giống thú, vảy giống cá, chân giống chim, vuốt giống hổ. Là sản phẩm tổng hợp của tư duy âm dương phương đông, rồng được coi là linh vật canh giữ cho sự uy nghiêm, một linh vật quyền lực bảo trợ cho cộng đồng và cũng có sức mạnh hủy diệt, khiến con người kinh sợ.

Trong những chuyến tác nghiệp tại các bản làng của đồng bào Thái Điện Biên, chúng tôi đã được nghe không ít chuyện truyền miệng về loài rồng trên các khu vực đầu nguồn nước. Con suối này chảy qua địa phận xã Hua Thanh, huyện Điện Biên. Nó được người dân địa phương gọi là suối Nậm Luống. Theo thổ âm tiếng Thái, “Nậm Luống” có nghĩa là suối rồng. Người dân ở đây vẫn truyền miệng cho nhau nghe, đầu nguồn con suối là nơi Rồng ở. Con vật linh thiêng này canh giữ nguồn nước và bảo trợ cho dân làng suốt bao thế kỷ đã trôi qua. Tin rằng cần gìn giữ sự tĩnh lặng, uy nghiêm nơi thần Rồng ẩn mình, đã rất nhiều năm người dân địa phương không dám xâm phạm khu rừng đầu nguồn. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, rừng đầu nguồn suối Nậm Luống đã bị tàn phá. Rừng bị chặt hạ để lấy gỗ. Rừng bị đốt trụi để làm nương. Nơi uy nghiêm này đã bị xâm phạm. Nhiều người tin rằng thần rồng đã nổi giận vì hành động của con người, nên những năm gần đây Hua Thanh, Thanh Nưa thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Mới đây nhất là hai trận lũ quét vào cuối tháng 7 năm 2011 và 2012.

d
Suối “Nậm Luống " xã Hua Thanh, huyện Điện Biên Người dân ở đây vẫn truyền miệng cho nhau nghe, đầu nguồn con suối là nơi Rồng ở Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, rừng đầu nguồn suối Nậm Luống đã bị tàn phá. Rừng bị chặt hạ để lấy gỗ. Rừng bị đốt trụi để làm nương. Nơi uy nghiêm này đã bị xâm phạm. Nhiều người tin rằng thần rồng đã nổi giận vì hành động của con người, nên những năm gần đây Hua Thanh, Thanh Nưa thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai

Ông Lò Văn Phó – Trưởng bản Nà Ten – xã Hua Thanh – huyện Điện Biên cho biết:  Nghe kể của các cụ truyền thuyết xa xưa Suối Nậm Luống trước kia có con Rồng hay đi lại các cụ đặt tên là Nậm Luống suối con Rồng, cứ khi có con Rồng đi lại là lũ to ảnh hưởng đến đồng ruộng của Nhân dân

Rồng là linh vật tồn tại trong tâm thức con người. Chưa ai nhìn thấy thần Rồng thực sự, nhưng người ta tin rằng những hiện tượng thiên nhiên liên quan đến gió, mưa, lũ lụt, hay hạn hán, đều do sức mạnh của thần Rồng gây nên. Người ta cũng tin rằng, ở nơi nào sự uy nghiêm của thần Rồng được tôn trọng, thì ở nơi đó có nguồn sinh thủy dồi dào, có mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Mường Phăng là khu vực đồng bào Thái cư trú từ rất lâu đời. Hầu hết tên sông, suối, ao hồ và cả tên của những cánh rừng chúng ta biết đến ngày nay, đều được đặt tên theo thổ âm tiếng Thái. Pá Khoang, Pá Khiêu, Loọng Luông, Nậm Phăng… là những cái tên được đặt theo tên của loài cây, hay theo tính chất vùng đất, vùng khí hậu. Trong những cái tên chúng tôi vừa kể trên đây thì Loọng Luông, là tên của khe nước lớn đổ xuống một hồ nước tự nhiên. Tương truyền hồ này từng có con Rồng xuống tắm. Ngày nay, hồ Loọng Luông được xây dựng thành hồ thủy lợi có dung tích hữu ích 1,2 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho 150 ha lúa nước 2 vụ của 6 bản thuộc xã Mường Phăng.

Quanh khu vực hồ Loọng Luông hiện nay có 4 bản người Mông cư trú. Đồng bào Mông đến đây sinh cư lập nghiệp khá muộn, song họ vẫn lưu truyền câu chuyện về con Rồng thần những người đi trước còn truyền lại. Cùng chúng tôi tìm tới khe Loọng Luông, anh Mùa A Kềnh, một thanh niên địa phương kể cho chúng tôi nghe câu chuyên truyền miệng khá thú vị này

d
Anh Mùa A Kềnh, Bản Loọng Luông, xã Mường Phăng – huyện Điện Biên kể lại phóng viên câu chuyện truyền miệng từ nhiều đời của bà con trong bản về khe Loọng Luông ( khe Rồng )

Anh Mùa A Kềnh – Bản Loọng Luông – xã Mường Phăng – huyện Điện Biên cho hay: Bà con trong bản ai cũng biết và được nghe kể truyền từ đời nay sang đời khác khe Loọng Luông trước kia có con Rồng về từ trên khe theo dòng suối về phía bản, đối với người dân tộc Rồng là con vật hùng mạnh nhất trong tất cả các loài bà con trong bản không đánh đuổi tìm cách hiền hòa để Rồng bảo vệ làng bản, cũng nghe kể Rồng về nước nhiều hơn

Truyền thuyết tồn tại trong dân gian thường là những câu chuyện mang nhiều yếu tố thần kỳ, hư ảo, người dân dùng để giải thích nguồn gốc địa danh, hoặc các hiện tượng phổ biến thường xảy ra ở các địa phương. Khi chúng ta tước bỏ yếu tố hư ảo, khoa trương phóng đại, cái còn lại chính là tín ngưỡng dân gian – niềm tin của nhân dân vào quyền năng và sức mạnh của đấng vô hình. Niềm tin ấy có thể giúp con người nhận thức được mối liên hệ khăng khít, hài hòa giữa con người và vũ trụ. Niềm tin ấy giúp các cộng đồng xây dựng lối ứng xử phù hợp với quy luật tự nhiên.

Câu chuyện về tín ngưỡng dân gian và loài Rồng ở những vùng nước thiêng, tiếp tục đưa chúng tôi về với một địa danh mang tên Rồng: xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Noong Luống là xã nằm ở khu vực thấp nhất, phía cuối của cánh đồng Mường Thanh. Theo người dân địa phương kể lại, trước đây vùng này là vùng rừng rú thâm u. Giữa rừng có một cái ao, nước quanh năm trong vắt. Là vùng trũng nên vào mùa lũ, toàn vùng thường bị ngập lụt, khắp nơi là nước lũ mênh mông, duy chỉ có ao Rồng nước vẫn trong leo lẻo. Ao này người dân địa phương gọi là Noong Luống.

Đã hàng thế kỷ trôi qua, sự sinh sôi của con người cùng yêu cầu khai phá đất đai cho sản xuất nông nghiệp, khiến cho nhiều ao, hồ tự nhiên của xã Noong Luống không còn nữa. Ao Rồng có thể đã chìm lấp dưới những ao, đầm thả cá của người dân, và cũng có thể bị san lấp thành bãi ruộng. Ngày nay, Noong Luống được lấy làm tên địa phương, như một cách khẳng định niềm tin của người dân vào những điều linh thiêng, kì bí. Ngay tại khu vực trước đây được cho là từng tồn tại ao Rồng, người ta đã dựng lên một miếu thờ, thờ thần Hoàng Xà bản địa – loài linh vật được coi là nguồn gốc của con Rồng và các biến thể của Rồng như: Thuồng luồng, giao long. Cứ mùng một, ngày rằm hàng tháng, người dân địa phương lại đến miếu này dâng lễ cầu an cho gia đình và thôn bản.

Trong tín ngưỡng của người Việt nói chung và người dân tộc Thái nói riêng, con Rồng là loài linh vật có quyền năng thần bí. Loài linh vật này,  sinh ra đã gắn với nguồn nước, nó canh giữ nguồn nước quý, canh giữ sự sống cho nhân gian. Vì vậy, Rồng vừa có tính chất uy nghiêm của thế giới linh thần, nhưng cũng lại vô cùng gần gũi với con người. Gắn loài Rồng với nguồn nước thiêng, với ý thức bảo vệ nguồn nước của các bản làng người Thái Điện Biên, một lần nữa cho ta thấy lý tưởng sống hài hòa với tự nhiên của các cư dân nông nghiệp. Đây cũng là cách thiêng hóa các luật tục kiêng kị của đồng bào Thái, giúp họ giữ được những khu rừng xanh tốt và nguồn nước điều hòa quanh năm trong suốt một thời kỳ dài.

 



    Minh Giang – Anh Tuấn – Trọng Lâm
      

.